Multimedia Đọc Báo in

Huy động mọi nguồn lực, hỗ trợ từng thôn, buôn để xóa nghèo bền vững

17:16, 30/12/2011

Kết thúc giai đoạn giảm nghèo 2006-2010, toàn tỉnh chỉ còn dưới 10% hộ nghèo, giảm hơn 54.000 hộ nghèo so với cuối năm 2005. Thành công đó là nhờ  những hướng đi đúng đắn của tỉnh với chiến lược huy động mọi nguồn lực, hỗ trợ đỡ đầu trực tiếp từng thôn, buôn để xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Huy động mọi nguồn lực
Giai đoạn phát triển kinh tế của tỉnh năm 2000- 2005, tỷ lệ hộ nghèo vẫn  ở mức cao. Vào thời điểm cuối năm 2005, số hộ nghèo là 90.247 hộ, chiếm 27,55%, tập trung ở các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, vốn đầu tư chủ yếu trông chờ ở sự cấp phát nhỏ giọt của ngân sách…

Sau nhiều đợt khảo sát thực tế, Tỉnh ủy  quyết định thay đổi phương pháp chỉ đạo và điều hành, kết hợp lồng ghép tất cả các chương trình, dự án đầu tư, tổng hợp nguồn lực của địa phương, tập trung vốn hoàn thành dứt điểm từng dự án và cuốn chiếu theo địa bàn, khắc phục tình trạng rải vốn, triển khai không đồng bộ, kéo dài thời gian, chất lượng công trình thấp... Đặc biệt là cần phải phát huy được thế mạnh của từng tổ chức đoàn thể và sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội. Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội thôn, buôn; Nghị quyết số 57 ngày 14-12-2006 của HĐND tỉnh về chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2006-2010; Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội các huyện đặc biệt khó khăn… cùng nhiều văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh với 10 chính sách ưu đãi lớn cho người nghèo đã thể hiện sự quyết tâm, tập trung nguồn lực để xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

Triển khai thực hiện, các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở trong tỉnh đã phân công các thành viên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc… tại từng cụm xã; huy động cán bộ, đảng viên cùng vào cuộc, giao trách nhiệm cụ thể để mỗi đơn vị thực hiện xóa đói giảm nghèo theo thế mạnh của mình. Cụ thể: Hội Phụ nữ tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức cho hội viên, phối hợp với phòng kinh tế, trạm khuyến nông mở các lớp bồi dưỡng chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tổ chức các nhóm trao đổi kinh nghiệm làm ăn, kết hợp với việc tuyên truyền về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, giáo dục trẻ em. Hội Nông dân tăng cường vận động hội viên tích cực tham gia sản xuất, chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế gia đình; đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất chuyển đổi mùa vụ. Ủy ban MTTQ và các phường, xã tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền của, vật chất hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, giếng nước sạch, thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát… Ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết: Đoàn liên ngành (gồm các phòng, ban, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội) của huyện thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp với các hộ nghèo nhằm triển khai tốt các chính sách ưu đãi đúng nhóm đối tượng, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ để có hướng giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời, phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Qua những buổi đối thoại trực tiếp, người nghèo nắm được các chính sách ưu đãi Nhà nước dành cho mình, đặc biệt xác định rõ trách nhiệm của bản thân nỗ lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại. Ngoài ra, huyện còn phát động phong trào “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ tích cực của toàn xã hội. Cuộc vận động được các đoàn thể quần chúng xây dựng thành chương trình hành động cụ thể: Hội Chữ thập đỏ huyện đã quyên góp hỗ trợ hàng trăm con heo, bò giống để các hộ nghèo có điều kiện chăn nuôi và  tặng quà, làm nhà tình thương cho hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;  Đoàn Thanh niên phối hợp với các đơn vị liên quan mở hàng chục lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng sắn, tre lấy măng, điều cao sản cho các hộ gia đình trẻ, nhận đỡ đầu, giúp đỡ có địa chỉ hàng trăm gia đình thanh niên nghèo; Hội Phụ nữ các cấp vận động 149 hội viên có kinh tế khá, giúp trên 150 hội viên nghèo vay gần 1,5 tỷ đồng  không tính lãi hoặc với lãi suất thấp để đầu tư phát triển kinh tế… Bên cạnh đó đã có hàng chục nghìn địa chỉ nhân đạo nhận được sự giúp đỡ, góp phần đưa hàng nghìn hộ thoát nghèo bền vững. Chính vì vậy, sau 5 năm thực hiện Đề án xóa đói giảm nghèo (2006-2010), cả huyện đã giảm được trên 4.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 24% xuống còn chưa đến 10%...

Cơ sở hạ tầng, trường lớp được đầu tư cơ bản hoàn thiện ở các xã vùng 3. Trong ảnh: Lớp học ở Trường Tiểu học Lê Lai (xã Ea Hiao, huyện Ea H'leo).
Cơ sở hạ tầng, trường lớp được đầu tư cơ bản hoàn thiện ở các xã vùng 3. Trong ảnh: Lớp học ở Trường Tiểu học Lê Lai (xã Ea Hiao, huyện Ea H'leo).

Hỗ trợ, đỡ đầu từng thôn, buôn
Với những việc làm cụ thể, tác động liên tục của các tổ chức đoàn thể và sự hỗ trợ trực tiếp từng địa chỉ đã làm chuyển biến nhận thức của người dân nghèo và tạo cho họ những động lực, hướng phát triển để thoát nghèo. Nói về những việc làm thiết thực đó, ông Nguyễn Thế Thủy, Chủ tịch UBND xã Ea Sô (huyện Ea Kar) - xã vùng 3 với trên 50% là hộ nghèo, đã rất tâm đắc: “Đỡ đầu không có nghĩa là huy động tiền, của để bao cấp cho đồng bào. Trước đây, việc thăm hỏi, giúp đỡ cho bà con chỉ tập trung vào các dịp lễ, tết thì nay các tổ chức, đoàn thể đã thường xuyên về từng thôn, buôn tìm hiểu nhu cầu của địa phương, qua đó giúp bà con phương tiện sản xuất, giống cây, con phù hợp và trực tiếp hướng dẫn từng hộ về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt…”. Ông K’sơr BLok ở buôn Bir (buôn đặc biệt khó khăn của xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo) tâm sự: “Cho “con cá” hay “cần câu” mà không hướng dẫn cách thức sử dụng thì bà con cũng không thể làm ăn hiệu quả được. Đã nhiều năm nay, nhờ có cán bộ phòng kinh tế, trạm khuyến nông huyện bám sát buôn, chỉ dẫn từng gia đình nuôi trồng  cây, con gì phù hợp với địa hình, diện tích để cho năng suất cao nhất. Vì vậy, cùng với sự hỗ trợ vốn của Nhà nước, bà con trong buôn đã nhanh chóng thoát nghèo và ít xảy ra tình trạng tái nghèo.”

Chương trình xóa đói giảm nghèo của tỉnh đã đi vào chiều sâu, thu được kết quả khả quan với hơn 66.000 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 10%. Diện mạo các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã thay đổi rõ rệt, hệ thống điện, đường, trường, trạm cơ bản được hình thành. Tại kỳ họp thứ 15, khóa VII vào đầu tháng 12 vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh với mục tiêu phấn đấu trong 5 năm (2011-2015), giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới bình quân 3% mỗi năm. Theo đó là các giải pháp trọng tâm như: Tăng cường đầu tư hơn nữa cho công tác giảm nghèo, tập trung vào đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ người nghèo, xã nghèo tạo cơ hội về phát triển sản xuất để thoát nghèo thông qua các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, hỗ trợ sản xuất, tín dụng ưu đãi, dạy nghề tạo việc làm, khuyến nông, khuyến lâm; phát triển đa dạng các hoạt động dịch vụ đến tận thôn, buôn… Xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, mô hình liên kết doanh nghiệp với hộ nghèo, xã nghèo để phát triển kinh tế. Đặc biệt, tỉnh sẽ lồng ghép tốt hơn các nguồn vốn giữa Trung ương với địa phương; giữa ngân sách với huy động trong dân để thực hiện có hiệu quả hơn chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, coi đây là giải pháp then chốt để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững…

 

Minh Quân

 


Ý kiến bạn đọc