Multimedia Đọc Báo in

Niên vụ cà phê 2010-2011: Khan hiếm nhân công hái cà phê

15:31, 04/12/2010

Đã thành thông lệ, hằng năm cứ đến mùa thu hái cà phê là người từ các tỉnh, thành phía bắc lại “nườm nượp” khăn gói vào Dak Lak hái cà phê thuê kiếm tiền về quê ăn tết. Thế nhưng, hiện nay tại Dak Lak nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung đang bước vào thời điểm chính vụ thu hoạch song người hái thuê cà phê vẫn “bặt vô âm tín” nên việc thu hoạch của người dân đang lâm vào tình thế khó khăn trăm bề.

Hiện nay đang vào vụ thu hoạch nhưng nhiều hộ có diện tích cà phê lớn rất khó khăn trong việc thuê nhân công thu hái cà phê mặc dù giá thuê lên đến 100.000 - 120.000 đồng/người/ngày. (Ảnh: Nam Sơn)
Hiện nay đang vào vụ thu hoạch nhưng nhiều hộ có diện tích cà phê lớn rất khó khăn trong việc thuê nhân công thu hái cà phê mặc dù giá thuê lên đến 100.000 - 120.000 đồng/người/ngày. (Ảnh: Nam Sơn)

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Dak Lak hiện là một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn nhất cả nước, với trên 185.000ha (trong đó trên 172.000ha cà phê kinh doanh), sản lượng trung bình ước đạt 400.000 tấn/năm (cà phê nhân chiếm gần 90% giá trị kim ngạch xuất khẩu). Hiện nay, đang bước vào thu hoạch đại trà nhưng nhiều chủ vườn vẫn chưa tìm đâu ra người phụ giúp thu hái cà phê, mặc dù giá nhân công đã tăng hơn năm trước từ 15-25%. Được biết, trên 85% diện tích cà phê hiện nay là của các nông hộ. Diện tích, sản lượng cà phê mỗi năm một tăng, trong khi đó lượng người hái thuê cà phê ngày một khan hiếm bởi đa phần những người trong độ tuổi lao động hiện không mấy ai “mặn mà” ở nhà làm cà phê. Mỗi người đều tìm mọi cách để thoát ly, có người đến các thành phố lớn kiếm sống với lý do đơn giản “tỷ phú nhà quê không bằng ngồi lê thành thị”.

Theo một số hộ trồng cà phê tại huyện Cư M’gar thì mỗi ha cà phê cần ít nhất 5 nhân công thu hái liên tục trong vòng 1 tháng, đó là chưa kể thu hoạch theo kiểu chọn quả chín như khuyến cáo của chính quyền địa phương. Bà Lê Thị Mai (thôn 6, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) cho biết: “Như mọi năm, đến thời điểm này gia đình tôi đã thuê được 3 nhân công để chuẩn bị thu hái. Thế nhưng năm nay tôi đã điện thoại cho những “mối” quen ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và đưa ra mức “lương” xấp xỉ 3 triệu đồng/tháng (bao ăn, ở) mà vẫn không tìm đâu ra người thuê”.

Vì khan hiếm nhân công nên các chủ vườn đang gặp khó khăn trong thu hoạch.
Vì khan hiếm nhân công nên các chủ vườn đang gặp khó khăn trong thu hoạch.

Tại Bến xe liên tỉnh, dọc quốc lộ 14, nơi tập kết lao động từ các tỉnh phía bắc vào tìm việc trong vụ thu hoạch cà phê, hằng năm nườm nượp người người balô con cóc, nhưng năm nay người hái thuê vẫn “bóng chim, tăm cá”. Anh Đoàn Văn Hân (thị trấn Phước An, huyện Krông Pak) trồng được 3 ha cà phê, nhưng nhà chỉ có hai vợ chồng là lao động chính nên phải thuê thêm khoảng 5 nhân công phụ giúp thu hoạch. Hằng ngày, anh tranh thủ đến các bến xe, các điểm thường có người từ quê vào để tìm nhân công phụ giúp hái cà phê bởi vườn cà đã chín rộ, cần người để thu hoạch nhưng đến thời điểm này anh vẫn chưa thuê được ai, chủ yếu là gia đình tự hái. Anh lo lắng cho biết: “Nếu không có người thu hái sớm sẽ dễ bị mất trộm vì xung quanh nhiều nhà đã thu hoạch xong”. Ngoài ra, anh còn nhờ một số người quen tìm nhân công giúp và anh sẽ trả tiền “phát hiện” cho người dắt mối nhưng vẫn không tìm đâu ra. Do giá cà phê thời gian gần đây liên tục tăng nên nạn trộm cắp thường xuyên diễn ra. Bên cạnh đó, tâm lý người trồng cà phê ai cũng muốn thu hoạch trước để khỏi bị mất cắp và chính điều đó đã làm cho tình hình thiếu nhân công càng trở nên "trầm trọng”. Trước tình hình “cung” không đủ “cầu” nên người hái thuê “làm mình, làm mẩy” với chủ. Nếu chủ quá khắt khe về giờ giấc, tiền công là họ sẵn sàng bỏ đi với chủ khác. Và đã từng có trường hợp chủ phải “năn nỉ” người hái thuê ở lại phụ giúp nên người hái thuê nghiễm nhiên trở nên “đắt giá”, là “thượng đế”. Anh La Văn Tuấn (xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo) cho biết: “Giá thuê nhân công đã tăng cao gần gấp rưỡi năm ngoái, thế nhưng vẫn không có người để thuê. Năm ngoái gia đình tôi thuê khoảng 50.000-60.000đồng/người/ngày, nay đã tăng lên 100.000-120.000 đồng/ngày/người. Với giá đó mà vẫn không tìm đâu ra người hái thuê”.

Vì khan hiếm nên đã có trường hợp tranh giành nhân công. Nhiều người vì lợi ích trước mắt đã đưa ra mức “lương” cao hơn những hộ khác làm mất đi tình làng nghĩa xóm bấy lâu nay. Thiết nghĩ, không nên vì khan hiếm nhân công mà thuê với giá quá cao và thuê những người không rõ lai lịch vì đã có nhiều vụ án đau lòng do người làm thuê gây ra đối với chủ.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.