Multimedia Đọc Báo in

“Sáng lại” dòng điện cho các thôn, buôn

11:17, 30/12/2011

Để bảo đảm nguồn điện thông suốt, an toàn, ổn định phục vụ sinh hoạt của người dân, đặc biệt trước thềm năm mới, Công ty Điện lực Dak Lak đã tiến hành kiểm tra, nâng cấp, cải tạo nhiều tuyến đường dây, trạm biến áp… trên địa bàn.

Thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc bàn giao lưới điện cho ngành Điện quản lý, từ năm 2008, Công ty Điện lực Dak Lak đã tiếp nhận mạng lưới điện từ 42 hợp tác xã và 1 công ty cổ phần trên địa bàn. Sau khi tiếp nhận bàn giao, hầu hết các mạng lưới điện hạ áp nông thôn đều đã qua hơn 15 năm sử dụng, lưới điện cũ nát, tiết diện dây dẫn nhỏ, xuống cấp, hư hỏng đến 30%. Trước tình trạng đó, ngành Điện đã tiến hành sửa chữa, cải tạo, mở rộng mạng lưới điện áp nông thôn hiện có, từng bước cung cấp điện ổn định, an toàn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Trong năm 2010, đã tiến hành thay  mới, cải tạo 306 km đường dây hạ áp, xây thêm nhiều trạm biến áp, lắp công tơ mới cho gần 28.000 khách hàng.

Công nhân Công ty Điện lực Dak Lak đang tiến hành sửa chữa đường dây tại xã Ea Kly.
Công nhân Công ty Điện lực Dak Lak đang tiến hành sửa chữa đường dây tại xã Ea Kly.

Về xã Ea Kly (huyện Krông Pak) những ngày này, tấp nập xe cộ ra vào chở thiết bị, kéo đường dây, những dáng áo công nhân điện lực đang gấp rút hoàn thành khâu cuối cùng của công tác sửa chữa, cải tạo đường dây, trạm biến áp quá tải, thay công tơ mới đến từng nhà dân…. Đường dây mới bảo đảm công suất tiêu thụ điện năng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân địa phương đã chính thức đi vào hoạt động, niềm vui vỡ òa trên từng khuôn mặt người. Vậy là sau bao nhiêu năm chịu cảnh điện yếu phập phồng, người dân ở đây đã có đường dây điện chiếu sáng ổn định. Vui nhất có lẽ là hơn 15 hộ dân xóm 3, thôn 3A, xã Ea Kly. Do đường dây lâu ngày hư hỏng, tiêu hao điện, bên cạnh đó, trạm biến áp lại đặt quá xa, dẫn đến điện yếu không thể thắp sáng được, nhất là vào giờ cao điểm nên mười mấy năm nay, người dân ở đây phải chịu cảnh “có điện  cũng như không”. Anh Dương Công Việt (xóm 3, thôn 3A) không giấu nổi niềm vui mừng nói, có đường dây mới, vậy là từ nay không còn phải chịu cảnh nhà tối om om hoặc bóng đèn leo lét mỗi khi mặt trời tắt. Vì ở xã trạm biến áp, đường dây lâu lắm rồi chưa có điều kiện tu sửa nên điện rất yếu, nhiều hôm bật quạt điện, mô- tơ không chạy nổi, cắm nồi cơm hơn 1 giờ đồng hồ vẫn chưa thể chín được. Vợ chồng anh cũng sắm được một số đồ dùng trong nhà, song nguồn điện ở đây đâu có thể sử dụng được. May, có đường dây mới, giờ thì mọi thứ đã tạm ổn, công suất điện năng đã được nâng cao rất nhiều. Chung niềm vui như anh Việt, anh Phạm Văn Tuấn (thôn 3 A), cũng cho biết thêm, điều làm anh vui nhất là đã có nguồn điện ổn định để các cháu học bài vào ban đêm, chứ trước đây tội nghiệp mấy đứa nhỏ đi học, tối đến, đèn điện không đủ sáng, cứ than nhức mắt hoài. Vừa được lắp đặt xong công tơ mới,  anh Đỗ Văn Tuân (xóm 2) cho hay, hầu như trước đây, nhà nào cũng dự trữ vài ba bình ắc quy, tranh thủ giờ thấp điểm trong ngày nạp điện để tối đến cùng có cái để dùng chứ điện lưới không thể bật đèn lên được hoặc có sáng cũng rất mờ. Bên cạnh đó, do nguồn điện không ổn định nên mấy bóng điện nhà anh cứ cháy, phải thay liên tục. Hiện, đường dây mới đã kéo về tận ngõ, mấy bình ắc quy giờ không còn cần thiết nữa. Theo anh Nguyễn Văn Đức, chuyên viên Công ty Điện lực Dak Lak cho biết, tuy khối lượng công việc nhiều, nhưng hầu hết đều được thực hiện một cách nghiêm túc và đúng tiến độ thi công, bảo đảm khả năng cung ứng điện phục vụ sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, trong quá trình lắp đặt công tơ đến từng nhà, các nhân viên trong đội đều hướng dẫn bà con cách sử dụng điện an toàn, hợp lý.

Giữa trưa nắng gắt, trên cao vẫn màu áo công nhân nghiêng bóng xuống nền đất đỏ, miệt mài nối từng cột sứ, chỉn chu chỉnh sửa từng múi điện... tất cả nhằm hướng đến một dòng điện mới ổn định, bảo đảm công suất, phục vụ tốt nhất nhu cầu sinh hoạt của bà con trên địa bàn, đặc biệt trong dịp Xuân về.

 

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.