Multimedia Đọc Báo in

10 dự báo kinh tế thế giới năm 2011 và tương lai gần

18:06, 20/02/2011

Từ năm 1985, Hiệp hội tương lai học Thế giới (WFS) đã đưa ra những dự báo liên quan đến các lĩnh vực diễn ra trên quy mô toàn cầu dựa trên nghiên cứu tổng quan, các số liệu thường xuyên được cập nhật, mang tính thời sự và có độ chính xác cao. Dưới đây là một số dự báo có liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tiền tệ thế giới năm 2011 và những năm sau được đăng tải trên tạp chí The Futurist (Nhà tương lai học) của WFS.

1. Kinh tế châu Á sẽ phát triển sôi động trong vòng 4 thập kỷ tới
Theo một nghiên cứu kinh tế mang tên Consumer Trends in Three Different Worlds (Xu hướng tiêu dùng trong ba thế giới khác nhau) do Hiệp hội các nhà tương lai học thế giới thực hiện thì trong vòng 3 thập kỷ tới kinh tế khu vực châu Á sẽ phát triển sôi động, Trung Quốc sẽ trở thành một nền kinh tế mạnh, dự kiến đến năm 2035 sẽ vượt Mỹ. Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ cũng được xem là nền kinh tế có tốc độ phát triển tương đối nhanh, thậm chí có thể vượt cả Trung Quốc, điều này chứng tỏ trong vòng vài thập kỷ tới, kinh tế khu vực châu Á sẽ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế chung của toàn cầu. Lao động châu Á sẽ trở thành đội ngũ lao động có nhiều kinh nghiệm và sẽ được đào tạo bài bản.

2. Ngành du lịch thế giới sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020
Dự báo trong thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21 ngành công nghiệp không khói sẽ làm ăn phát đạt. Theo đó, lượng khách du lịch toàn cầu sẽ tăng từ 842 triệu lượt người năm 2006 lên 1,6 tỷ người vào năm 2020, có nghĩa là tăng gấp gần 2 lần, và Trung Quốc sẽ là thị trường đến và đi sôi động nhất thế giới.

3. Các hãng sản xuất sẽ phải thuê các đạo diễn điện ảnh để điều hành công việc
Trong tương lai ngành công nghiệp in ấn, đặc biệt là các ấn phẩm sách, sẽ trở thành sản phẩm đa phương tiện dạng số được nhiều người tìm đọc nhất. Các hãng xuất bản sẽ cho ra đời nhiều ấn phẩm trực tuyến và miễn phí thay vì in trên giấy như hiện nay. Việc thiết kế và cho ra đời những ấn phẩm dùng trong giáo dục (sách giáo khoa) yêu cầu phải có chất lượng cao, cả về hình thức lẫn nội dung hay còn gọi là sách giáo khoa đa phương tiện. Việc chuyển đổi từ ấn phẩm in sang ấn phẩm đa phương tiện buộc các nhà văn tương lai phải bắt tay với các nhà thiết kế trang web, chuyên gia phần mềm và cả những chuyên gia nghiệp dư giống như đạo diễn phim. Bước tiếp theo các nhà xuất bản cũng phải hòa nhập cùng độc giả để lắng nghe ý kiến phản hồi tạo ra những quy trình in  mới, đưa ra mức giá phù hợp để hài lòng "thượng đế" và đây cũng là cách giúp các nhà xuất bản tồn tại và làm ăn có lãi trong bối cảnh ngành công nghiệp đa phương tiện phát triển sôi động.

4. Nhóm người nghỉ hưu tương lai sẽ tiếp tục làm việc
Trong tương lai gần, tại Mỹ cũng như ở các nước công nghiệp phát triển, nhóm người nghỉ hưu sẽ không "nghỉ" mà quay lại làm việc, ít nhất từ 2-3 năm nữa, cho chính doanh nghiệp của mình. Theo dự báo thì cứ 5 người Mỹ nghỉ hưu sẽ có 1 người hoặc có thể lên tới 40% sẽ tiếp tục làm việc cho đến khi không thể làm được nữa. Cũng qua khảo sát cho thấy gần 2/3 người Mỹ lo lắng cho công việc của mình sau này khi nghỉ hưu, đặc biệt là tầng lớp trung lưu. Làm việc sau hưu có nhiều tác dụng đối với nhóm người cao niên, ngoài lý do thu nhập thì làm việc sẽ giúp cho nhóm người này cảm thấy không bị thừa, vui vẻ và có lợi cho sức khỏe.

5. Người giàu sẽ giàu tiếp vì "bong bóng” bất động sản
Theo dự báo mang tên World Trends & Forecasts công bố mới đây thì doanh thu ròng của 2% số gia đình giàu nhất ở Mỹ trong giai đoạn từ 1984-2005 tăng gấp đôi, từ 1,07 triệu lên 2,1 triệu USD/đầu người trong khi đó doanh thu của 5% số gia đình nghèo nhất lại âm từ nợ 1.000 USD (1984) lên 9.000 USD vào năm 2005 (nợ nhiều hơn là tài sản có) phần lớn sự tăng và giảm nói trên đều có nguồn gốc từ “bong bóng” bất động sản, nhất là bong bóng ngắn hạn.

6. Tương lai người tiêu dùng sẽ có quyền như các CEO
Thế giới kinh doanh trong tương lai, người tiêu dùng sẽ có quyền như các CEO (tổng giám đốc), điều này có được là do tác động của ngành công nghiệp Internet phát triển, nó tạo điều kiện cho mọi người tiêu dùng có khả năng tiếp cận, chia sẻ thông tin thay vì phụ thuộc vào thông tin một chiều như trước đây. Ngoài ra, để tiêu thụ được hàng các công ty sẽ áp dụng nhiều chiêu tiếp thị mới mang tính thân thiện và nhờ khách hàng làm kênh quảng cáo hàng hoá cho mình theo cách bán hàng đa cấp có thù lao và khách hàng trong tương lai sẽ được coi là thượng đế đích thực.

7. Năm 2025 thế giới sẽ có khoảng 1 tỷ tỷ phú
Theo một dự báo mang tên The Extreme Future thì nhờ chính sách toàn cầu hóa và thành quả trong lĩnh vực cải tiến khoa học kỹ thuật mà cuộc sống của con người trong tương lai sẽ được cải thiện đáng kể, số người giàu lên sẽ đông và người nghèo cũng không nhỏ. Trước tiên là ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa mà có tới 2/3 dân số thế giới sẽ bị tác động, trong khi đó lại có tới 1 tỷ người trở thành tỷ phú giàu có.

8. Nạn tiền giả lộng hành buộc con người phải nghĩ đến công nghệ trao đổi "phi tiền mặt"
Phải nói ngay rằng trong những năm gần đây công nghệ tin học điện tử phát triển, ra đời những kỹ thuật quét quang học cực kỳ hiện đại mà giới làm tiền giả đã không làm ngơ, vào cuộc cho ra đời nhiều loại tiền giả như thật, thật đến nỗi người dùng không thể phát hiện được. Để đối phó với tình trạng này hiện nay, người ta đã và đang đưa ra áp dụng nhiều công nghệ mới dùng để hạn chế sử dụng tiền mặt và giảm thiểu mức độ tổn thất do nạn làm giả gây ra và tương lai việc giao dịch dùng tiền mặt sẽ chấm dứt.

9. Giao dịch phi tiền mặt sẽ chấm dứt giai đoạn ân hạn (grace periods)
Giai đoạn ân hạn trong giao dịch tài chính (grace periods - tạm dịch là thời gian khách hàng chỉ trả lãi vay chứ chưa phải trả vốn gốc cho ngân hàng), có nghĩa là giao dịch tài chính sẽ được tự động thực hiện từ người bán đến người mua mà người ta quen gọi là phương án giao dịch real-time fractal (giao dịch trực tiếp tự động) thông qua các thiết bị vô tuyến cầm tay vừa bảo đảm tiến độ lại có độ tin cậy cao.

10. Thiếu lao động tay nghề cao một cách trầm trọng
Do chuyển dịch từ kinh tế chế tạo sang kinh tế dịch vụ và công nghệ cao mà trong tương lai đặc biệt là đến giữa thế kỷ 21 nhiều quốc gia, kể cả các nước công nghiệp phát triển sẽ bị thiếu nhân lực trầm trọng, đặc biệt là công nhân kỹ sư có nhiều kinh nghiệm và tay nghề cao. Điều này cho thấy ngay từ bây giờ các nước cần phải có kế hoạch đào tạo cũng như chính sách đãi ngộ phù hợp để tránh tình trạng chảy máu chất xám trong những ngành công nghiệp yêu cầu có hàm lượng chất xám cao.

Khắc Hùng (Theo TFF- 12/2010)

 


Ý kiến bạn đọc