Multimedia Đọc Báo in

Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng: Doanh nghiệp cần được tiếp sức

08:47, 28/03/2011

Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (QLCL) tiên tiến là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, hoạt động QLCL ở các DN vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo đánh giá của Sở Khoa học - Công nghệ, tỉnh ta có quá ít đơn vị thực hiện QLCL theo hệ thống phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Trong số hơn 4.000 DN trên địa bàn, chỉ có 23 DN được chứng nhận ISO 9001:2000, 2 DN được chứng nhận ISO 14000, 2 DN được chứng nhận đạt tiêu chuẩn HACCP. Theo Hiệp định Hàng rào kỹ thuật thương mại của WTO, các tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa liên quan mật thiết với môi trường. Nhưng khảo sát thực tế cho thấy, một trong những khó khăn mà DN hay “vướng” nhất là tiêu chí về môi trường. Nói chung các DN chưa đủ nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu xử lý môi trường. Theo cơ quan quản lý môi trường, hiện có rất ít đơn vị có đủ năng lực tư vấn, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường, không đủ đáp ứng nhu cầu của các DN ra đời ngày càng nhiều. Cung cầu mất cân đối đẩy chi phí đầu tư xây dựng hệ thống này lên quá cao so với các hạng mục xây dựng khác nên DN thường tìm mọi cách để “né”, không làm, hoặc làm qua loa, không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật. Đơn cử, như ngành chế biến cà phê nhân có đặc thù là các thiết bị gây tiếng ồn, lượng bụi phát sinh lớn, nhưng đa số DN không quan tâm, cũng không đủ nguồn lực tài chính đầu tư cho xử lý môi trường, hoặc nếu có đầu tư thì cũng chỉ giảm thiểu phần nào, vì hệ thống không đồng bộ ngay từ khâu xây dựng ban đầu. Mặt khác, các DN nói chung có quy mô nhỏ, công nghệ và thiết bị sản xuất khá lạc hậu, vừa ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng sản phẩm, vừa gây ô nhiễm môi trường. Điều đó phần nào lý giải một nghịch lý là các dự án kinh tế trên lý thuyết đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường, được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, nhưng khi triển khai lại không tuân thủ đúng quy định, làm nảy sinh nhiều vấn đề về môi trường cần phải xử lý, khắc phục…

Công nghệ sản xuất tác động không nhỏ đến môi trường lao động.
Công nghệ sản xuất tác động không nhỏ đến môi trường lao động.
Đại diện một DN hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp cho biết: bên cạnh việc áp dụng hệ thống QLCL theo TCVN, hiện DN còn áp dụng Hệ thống Quản lý môi trường 14001: 2004 với mục tiêu “Thân thiện môi trường để phát triển bền vững”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để được cấp chứng chỉ ISO 14001, phải đầu tư không nhỏ về nhân lực, kinh phí, thời gian cho việc thực hiện các yêu cầu của pháp luật về môi trường (quản lý, theo dõi các nguồn xả thải rắn, nước, khí và tiếng ồn, độ rung...), thỏa mãn nhu cầu và điều kiện của khách hàng các nước phát triển. Với thực trạng quy mô, tiềm lực của phần lớn DN như hiện nay, điều này rất khó thực hiện. Phần lớn DN có biểu hiện “hụt hơi” trước những yêu cầu ngày càng khắt khe về bảo vệ môi trường. Những năm trước, khi Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức Giải thưởng Chất lượng Việt Nam, lần nào Dak Lak cũng có DN tham gia và đoạt giải, chủ yếu là DN sản xuất. Từ năm 2009, Giải thưởng này phát triển lên thành Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, với những yêu cầu, tiêu chí cao hơn hẳn, không chỉ về mặt bảo đảm chất lượng và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa mà còn cả về mặt môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động, thì hầu như chỉ còn rất ít DN đủ sức đáp ứng. Năm qua, trong số 3 DN của tỉnh tham dự Giải thưởng, chỉ có 1 DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đoạt giải.

Ngoài yếu tố môi trường, còn rất nhiều yếu tố tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hiệu quả thực hiện hệ thống QLCL trong DN. Theo đánh giá của Cục QLCL, tư duy về quản lý, đặc biệt là QLCL của đội ngũ lãnh đạo, quản lý DN chưa đáp ứng kịp với yêu cầu ngày càng cao và sự biến đổi nhanh chóng của thị trường sau khi VN gia nhập WTO. Đơn cử, hiện nay việc DN đạt chứng chỉ ISO 9001 không còn được coi là ưu thế cạnh tranh, mà chỉ là điều kiện tiên quyết để chứng tỏ năng lực QLCL của mình. Nhưng ở nhiều DN, do lãnh đạo thiếu quan tâm nên việc thực hiện QLCL chỉ mang tính hình thức, đặt nặng vào việc nhận chứng chỉ hơn là tính hiệu lực và hiệu quả của hệ thống. Bên cạnh đó, chất lượng lao động tại DN cũng là điều đáng bàn. Các DN trong tỉnh đang sử dụng hơn 100.000 lao động, nhưng phần lớn là lao động phổ thông, trình độ văn hóa không đồng đều, số người có tay nghề và thợ bậc cao còn ít, ý thức tổ chức kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp chưa cao, phần nào ảnh hưởng đến việc cải tiến quy trình làm việc…

Hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng liên quan đến nhiều yếu tố, nhưng trong bối cảnh của nền kinh tế nước ta hiện nay cần chú trọng hơn các nội dung: nâng cao chất lượng lao động, chất lượng quản lý, trình độ kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ… Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020”. Một trong những mục tiêu của Chương trình là quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với 100% các nhóm sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Hiện nay, Bộ Khoa học - Công nghệ đang lập kế hoạch triển khai chi tiết Chương trình này. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, DN sẽ có cơ hội thuận lợi hơn trong áp dụng QLCL tiên tiến nhằm thúc đẩy việc nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Hoa Hồng

 


Ý kiến bạn đọc