Multimedia Đọc Báo in

Chỉ số giá tiêu dùng quý I tăng hơn 6%

18:55, 27/03/2011

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 đã tăng 2,17% so với tháng 2, đưa mức tăng chung của quý I/2011 lên 6,12%.

Nhóm giao thông có mức tăng giá kỷ lục
Nhóm giao thông có mức tăng giá kỷ lục

CPI tất cả 11 nhóm hàng hóa chủ chốt đều có mức tăng từ 0,02 - 6,69%. Trong đó, tăng mạnh nhất là nhóm giao thông, do ảnh hưởng trực tiếp từ việc tăng giá xăng dầu nên có mức tăng kỷ lục: 6,69%. Tiếp đến là các nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có mức tăng 3,67%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,98%; nhóm thiết bị và đồ dụng gia đình tăng 1,22%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1%; nhóm giáo dục tăng 0,9%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,98%. Đáng chú ý, sau nhiều tháng giảm liên tiếp, trong tháng 3/2011, nhóm bưu chính viễn thông đã quay đầu tăng nhẹ ở mức 0,02%.

Dù không đưa vào rổ hàng hóa để tính CPI, nhưng giá vàng và USD luôn được người dân quan tâm. Trong tháng 3, giá vàng tăng 5% so với tháng 2, đưa giá vàng quý I tăng 4,58% so với tháng 12/2010 và tăng 37,07% so với bình quân cùng kỳ 2010. Giá USD tự do quý I/2011cũng tăng 10,53% so với bình quân cùng kỳ 2010.
 
Với CPI cả nước trong tháng 3 tăng 2,17% so với tháng 2, CPI quý I/2011 đã tăng tới 6,12% so với tháng 12/2010 và tăng 12,79% so với bình quân cùng kỳ 2010. Theo Tổng cục Thống kê, nếu loại trừ năm bất thường 2008, CPI tháng 3 và CPI quý I/2011 đã lập kỷ lục về mức tăng cao nhất so với các tháng 3 và quý I cùng kỳ của 15 năm lại đây. Như vậy, chỉ tiêu kiềm chế lạm phát cả năm ở mức 7% như đã đề ra sẽ khó thực hiện được .

Nguyên nhân chính khiến cho CPI tăng cao kỷ lục là do lực đẩy giá mạnh mẽ của nhiều hàng hóa và dịch vụ thiết yếu như: xăng dầu, xi măng, sắt thép, dịch vụ vận chuyển, thuốc chữa bệnh… dẫn đến việc giá các mặt hàng khác tăng theo. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô như quản lý thị trường vàng, ngoại tệ, tỷ giá USD/VND, lãi suất cho vay đã dẫn đến những biến động ở phía cung và cầu, cũng như có những tác động trực tiếp khiến nhiều nhóm hàng hóa thiết yếu mà Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tăng giá mạnh.
tiếp tục diễn biến
Giá cả hàng hóa, dịch vụ gia tăng gây tác động nhiều mặt đến đời sống người dân
Trong các tháng tiếp theo, giá cả hàng hóa dịch vụ sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do tâm lý tăng giá đón đầu như tăng lương, lãi suất vay vốn cao, dịch bệnh trên gia súc trong các tháng hè có nguy cơ xuất hiện... Vì vậy, các cơ quan quản lý cần triển khai các giải pháp đồng bộ kiểm soát chặt thị trường, nhất là 8 nhóm hàng thiết yếu để hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tới đời sống người dân.

H.H (Tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc