Chuyển biến tích cực trên thị trường tiền tệ
Sau gần 1 tháng tích cực triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ và các văn bản có liên quan của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, thị trường tiền tệ trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực, cho thấy tín hiệu thành công bước đầu về chính sách tiền tệ…
Thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ và Chỉ thị 01 của NHNN Việt Nam, ngành Ngân hàng (NH) tỉnh ta đã tích cực triển khai nhiều giải pháp như hạ tỷ lệ tăng trưởng tín dụng xuống còn khoảng 18%/năm (trước đây là 20%-25%/năm); yêu cầu các tổ chức tín dụng điều chỉnh cơ cấu cho vay, tập trung vốn phục vụ sản xuất và chấp hành nghiêm túc các quy định về lãi suất, tỷ giá… Ngoài ra, ngành còn phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thanh, kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, cho vay ngoại tệ trên diện rộng. Nhờ đó, thị trường tiền tệ đã có những chuyển biến tích cực, nổi bật là lãi suất huy động và cho vay tương đối ổn định, đúng định hướng, đặc biệt là thị trường lãi suất huy động không còn tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh. Cụ thể, đối với đồng Việt Nam, hiện lãi suất huy động có kỳ hạn dao động ở mức 13,5%-14%/năm, riêng huy động không kỳ hạn khoảng 3,5%-4%/năm; lãi suất cho vay ở mức 16%-19%/năm, trong đó, cho vay lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn từ 16%-18,5%/năm, cho vay sản xuất kinh doanh 14,5%-18%/năm, cho vay tiêu dùng 18%-20,5%/năm. Đối với USD, lãi suất cho vay bình quân từ 6,5%-7%/năm (ngắn hạn), 7%-8,4%/năm (dài hạn); lãi suất huy động có chiều hướng giảm nhẹ, hiện dao động quanh mức 3,5%-4%/năm. Các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do không còn hoạt động công khai như trước đây và giá mua bán cũng giảm tương đối lớn, kéo về gần sát với giá của các NH. Tỷ giá USD giảm cũng tác động đến thị trường vàng, thời gian gần đây, giá vàng trên địa bàn tương đối ổn định, phù hợp với diễn biến của giá vàng thế giới.
Khách hàng chọn mua vàng tại Chi nhánh NHNN&PTNT Kim Ngân. |
Liên quan đến việc giảm cơ cấu tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn khái niệm “cho vay tiêu dùng”. Bởi, cho vay tiêu dùng đô thị thì cần giảm chứ không nên giảm cho vay tiêu dùng nông thôn. Về lãi suất huy động cũng nên có quy định rõ hơn đối với loại không kỳ hạn, nhằm tránh việc một số NH đưa mức lãi suất này lên quá cao. Tương tự, đối với thị trường vàng cũng cần sớm có cơ chế quản lý cho phù hợp. Siết chặt quản lý kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do là một chủ trương đúng, thay đổi thói quen của người dân, hướng nguồn vốn vào làm lợi cho xã hội, song muốn thực hiện có hiệu quả cần có lộ trình để người dân và giới kinh doanh quen dần.
Ý kiến bạn đọc