Gian lận thuế vẫn chưa có dấu hiệu giảm
Thành lập doanh nghiệp (DN) nhưng không kinh doanh mà chỉ buôn bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, tiếp tay cho DN khác trốn thuế; kê khai khấu trừ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng không liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị v.v… đang được không ít DN sử dụng để gian lận thuế.
Trong năm 2010, Phòng Kiểm tra thuế (Cục Thuế tỉnh) đã tiến hành giám sát, kiểm tra hơn 5.000 hồ sơ khai thuế (tăng gần 130% so với năm trước) và đã phát hiện nhiều thiếu sót, sai phạm của người nộp thuế. Qua đó, đã yêu cầu giải trình 282 trường hợp, nộp bổ sung vào ngân sách Nhà nước các sắc thuế VAT, thu nhập DN, thuế tài nguyên… tổng cộng 645 triệu đồng; đề nghị kiểm tra tại 23 DN có giải trình, chứng minh nhưng không đúng, qua đó truy thu thuế và phạt hơn 3,1 tỷ đồng. Ngoài ra, trong quá trình giám sát hồ sơ khai thuế VAT đã phát hiện nhiều sai phạm về hình thức thanh toán qua ngân hàng đối với hồ sơ đã hoàn thuế, xử lý thu hồi và phạt vi phạm hành chính hơn 2,5 tỷ đồng. Thông qua công tác kiểm tra còn phát hiện một số DN có dấu hiệu gian lận, trốn thuế với mức độ nghiêm trọng, tinh vi, như trường hợp một công ty xuất nhập khẩu nông sản trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có hành vi tiếp tay trong hoạt động mua bán ảo và lập chứng từ thanh toán qua ngân hàng với các hóa đơn VAT để được khấu trừ thuế… Phòng Thanh tra (Cục thuế tỉnh) đang tiếp tục xử lý sự việc này theo chức năng. Hoặc như trường hợp của một Công ty Cổ phần đứng chân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, tuy chỉ có vài cổ đông nhưng lại thành lập nhiều đơn vị trực thuộc, hoạt động chủ yếu là cung cấp các dịch vụ vận chuyển, lao động nhưng không có năng lực thực tế và chây ỳ trong nghĩa vụ nộp thuế. Sau khi bị các cơ quan chức năng thu hồi giấy phép hoạt động, DN này đã “biến” thành một DN khác và tiếp tục có hành vi gian lận hóa đơn, thuế.
Nhiều DN xây dựng cơ bản lợi dụng đặc trưng của nghề để gian lận thuế. (ảnh minh họa) |
Theo Cục Thuế tỉnh, tình trạng gian lận, trốn thuế hiện vẫn chưa được xử lý dứt điểm, thậm chí có dấu hiệu gia tăng dưới nhiều hình thức và ngày càng diễn biến phức tạp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số chi cục thuế chưa có biện pháp theo dõi, giám sát chặt chẽ người nộp thuế nên chưa nắm được chính xác các trường hợp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chuyển địa bàn, chia tách, sáp nhập… Từ đó, việc thu thập thông tin từ người nộp thuế cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan chưa tốt nên thiếu căn cứ để xem xét tính trung thực, chính xác trong việc kê khai của họ. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, nội dung còn chung chung, không thu hút được người nộp thuế. Trước thực trạng này, trong năm 2011, ngành thuế đã đề ra giải pháp tập trung thu thập cơ sở dữ liệu, sàng lọc, phân tích các thông tin để đánh giá mức độ tuân thủ của các đối tượng phải nộp thuế, từ đó lựa chọn DN có dấu hiệu vi phạm để lập kế hoạch thanh tra, tập trung vào các DN “3 lớn”: quy mô, lỗ và hoàn thuế lớn, trong đó “ưu tiên” thanh, kiểm tra các DN lỗ nhiều năm liên tục nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Ý kiến bạn đọc