Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất có chứng nhận, kiểm tra: Giải pháp để phát triển cà phê bền vững

09:26, 12/03/2011

Những năm gần đây, nhiều nông dân trong tỉnh bắt đầu làm quen với thuật ngữ “cà phê bền vững có chứng nhận, kiểm tra”. Đó chính là một số chương trình chứng nhận cà phê bền vững như UTZ Certified, 4C, Thương mại công bằng (Fairtrade), Liên minh rừng mưa (Rainforest Alliance) đã được ứng dụng trên địa bàn tỉnh và ngày càng thu hút sự quan tâm của người nông dân cũng như các doanh nghiệp (DN)…

Y Suyn Êban bấm tỉa cành cà phê theo hướng dẫn của quy trình phát triển cà phê bền vững.
Y Suyn Êban bấm tỉa cành cà phê theo hướng dẫn của quy trình phát triển cà phê bền vững.

Doanh nghiệp và nông dân cùng có lợi
Công ty Liên doanh Chế biến và Xuất khẩu Cà phê Man-Buôn Ma Thuột (Dak Man) là một trong những DN đi đầu trong phát triển sản xuất cà phê bền vững tại tỉnh ta. Năm 2007, Dak Man được tổ chức 4C cấp chứng nhận, sau đó là Liên minh rừng mưa (RFA), Thương mại công bằng và UTZ Certified. Hiện nay, Công ty này đã thành lập một liên minh sản xuất cà phê bền vững ở xã Ea Tu (TP.Buôn Ma Thuột), 2 tổ liên kết, 10 tổ hợp tác (5 nhóm nông hộ với 29 câu lạc bộ), thu hút khoảng 2.500 nông hộ tham gia, với diện tích trên 3.700 ha, năng suất khoảng 10.000 tấn/năm. Trong đó, chương trình chứng nhận 4C có 865 hộ, 1.393 ha; RFA có 1.087 hộ, 1.482 ha; UTZ 421 hộ, 648 ha và Thương mại công bằng là 137 hộ, 243 ha, được triển khai tại địa bàn TP.Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar và Krông Pak. Ông Phạm Ngọc Bằng, Tổng Giám đốc Dak Man khẳng định: “Tham gia sản xuất cà phề bền vững có chứng nhận, kiểm tra là hướng đi có lợi cho cả DN và nông dân, bởi yêu cầu của người tiêu dùng rất khắt khe về chất lượng sản phẩm, và đòi hỏi sản phẩm đó phải có thể truy nguyên được nguồn gốc, phải sản xuất theo phương thức bảo đảm yếu tố xã hội và môi trường. Vì thế, đối với DN tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận, kiểm tra không chỉ đáp ứng yêu cầu của khách hàng mà uy tín thương mại của DN còn được nâng cao, nhờ đó mà việc kêu gọi đầu tư, tài trợ thuận lợi hơn. Trong thời gian qua, Dak Man đã được nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) thông qua Dự án cạnh tranh nông nghiệp Dak Lak… tài trợ vốn giúp nông dân sản xuất cà phê theo hướng bền vững.

“Nâng cao trách nhiệm xã hội của DN và mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho nông dân” cũng là những nhận định của ông Nguyễn Văn Thiết, đại diện Tổ chức UTZ Certified tại Việt Nam, về hiệu quả của các chương trình chứng nhận cà phê tại Dak Lak trong thời gian qua. Ông cho biết thêm: “Những năm gần đây, doanh nghiệp và nông dân trồng cà phê đã nhận thức rõ hơn về những quyền lợi có được khi tham gia chứng nhận UTZ. Bên cạnh việc được hưởng thêm giá thưởng do người mua sản phẩm được chứng nhận UTZ chấp nhận trả thêm ngoài giá thị trường, nông dân sản xuất cà phê còn được hưởng nhiều lợi ích lâu dài khác như: được tập huấn cách canh tác bền vững, chuyên nghiệp; năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên; có ý thức về bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường sạch, sử dụng hóa chất hợp lý, chú ý về an toàn lao động… Với chứng nhận UTZ Certified, người trồng cà phê ở mọi quy mô đều có thể thực hành nông nghiệp tốt, áp dụng các biện pháp canh tác hiệu quả và sản xuất có trách nhiệm. UTZ Certified là chương trình chứng nhận nông sản bền vững tiếp cận sớm nhất với sản xuất cà phê ở Việt Nam và Dak Lak, từ năm 2001. Bộ nguyên tắc UTZ Certified Good Inside là bộ các tiêu chí được quốc tế công nhận về sản xuất có trách nhiệm trong 3 lĩnh vực: kinh tế, môi trường và xã hội. Đến năm 2010, tại Dak Lak đã có 12 công ty được chứng nhận UTZ với tổng diện tích hơn 14.000 ha, sản lượng 39.672 tấn.

Anh Y Suyn Êban, một nông dân ở buôn Dhă Prông, xã Cư Êbur (TP.Buôn Ma Thuột) tham gia Liên minh sản xuất cà phê bền vững của Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 cũng bộc bạch: “Lâu nay đồng bào làm cà phê theo kinh nghiệm là chính. Đặc biệt, trong chăm sóc, cứ tận dụng có gì bón nấy, có tiền nhiều thì bón phân, tưới nước nhiều, không có thì ít hơn. Cách làm này cho năng suất không cao, chất lượng thấp, cây lại hay bị bệnh. Từ khi tham gia liên minh, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình, đồng bào mới biết tháng nào làm cành, tháng nào bón phân, tưới nước, tỷ lệ như thế nào là phù hợp với nhu cầu của cây. Trong sơ chế cũng vậy, lâu nay phần lớn bà con đều phơi cà phê trên sân đất hoặc ủ thành đống nên dễ bị đen, mốc… Từ khi được cán bộ hướng dẫn, giải thích, bà con mới biết sân phơi có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nên đã đầu tư xây dựng sân phơi đúng tiêu chuẩn”.

Nhiều nông dân đã biết tự sản xuất phân vi sinh từ vỏ cà phê để thay thế phân hóa học sau khi tham gia các tổ chức sản xuất cà phê bền vững.
Nhiều nông dân đã biết tự sản xuất phân vi sinh từ vỏ cà phê để thay thế phân hóa học sau khi tham gia các tổ chức sản xuất cà phê bền vững.

Nhưng... vẫn còn nhiều cái khó
Theo đại diện các chương trình phát triển cà phê bền vững có chứng nhận, và các DN thì: cái khó trong mở rộng những chương trình này là phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đã được chứng nhận. Khối lượng cà phê Việt Nam được chứng nhận theo chương trình UTZ Certified bán được theo chứng nhận chỉ khoảng 40%; các chương trình khác cũng ở mức tương tự hoặc ít hơn. Ông Phạm Ngọc Bằng chia sẻ: “Hiện chưa thể khẳng định về lợi nhuận kinh tế của những chương trình này, bởi khối lượng bán được theo chứng nhận chưa nhiều. Hiệu quả dễ thấy nhất là uy tín thương mại của doanh nghiệp tăng lên, tạo được tín nhiệm trong khách hàng và người tiêu dùng. Về lâu dài, nếu việc sản xuất cà phê có chứng nhận mở rộng hơn, nông dân sẽ hình thành cách sản xuất, chế biến chuyên nghiệp, chất lượng sản phẩm được nâng cao, giá cả được cải thiện (cà phê xuất khẩu sẽ được cộng thêm hoặc giữ nguyên giá chứ không còn bị trừ lùi như bây giờ), thì hiệu quả kinh tế sẽ thấy rõ hơn”.

Nỗ lực tìm kiếm thị trường cũng đang là hướng đi của các chương trình chứng nhận cà phê bền vững. Ông Nguyễn Văn Thiết cho biết thêm: “UTZ Certified đang tập trung phát triển thị trường ở các nước Châu Âu, Nhật Bản và Mỹ. Có thể nói, với khối lượng bán được theo chứng nhận là 40%, cà phê Việt Nam đang có đầu ra khả quan hơn tình hình chung của thị trường thế giới (chỉ ở mức khoảng 30%). Một cái khó trong phát triển cà phê ở Việt Nam nói chung và Dak Lak nói riêng là diện tích sản xuất nhỏ lẻ quá nhiều, nông dân muốn tham gia vào các chương trình chứng nhận này phải thông qua các công ty, nên khó chủ động. UTZ đang xây dựng thử nghiệm mô hình các nhóm nông dân độc lập tự quản, theo đó họ tự tổ chức, tự quản lý, được hướng dẫn kỹ thuật theo đúng tiêu chuẩn của UTZ.

Sản xuất và thương mại cà phê bền vững có chứng nhận, kiểm tra là chiến lược phù hợp mang lại lợi ích thiết thực cho các bên tham gia vào thị trường cà phê toàn cầu ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt. Để phát triển và mở rộng hơn các chương trình trên, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức không chỉ cho nông dân, mà cả cán bộ quản lý nông nghiệp địa phương. Cần nhận thức rằng: việc xây dựng các mô hình sản xuất cà phê bền vững của DN cũng là một hình thức đầu tư, dù gián tiếp nhưng mang lại hiệu quả, ý nghĩa rất lớn nên cần được khuyến khích, hỗ trợ. Theo nhiều DN sản xuất cà phê, cái họ cần nhất là chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến người sản xuất; tổ chức, điều hòa việc xây dựng mô hình hài hòa, tránh trùng lắp theo kiểu nhiều DN cùng tập trung xây dựng mô hình tại một địa phương, trong khi đó lại “bỏ trắng” địa phương khác.

 

Hoàng Ngọc Thủy

 


Ý kiến bạn đọc