Đổi đời nhờ nghề làm chổi đót
Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Tiến (Krông Pak) giới thiệu: “Nhiều người gọi thôn 3, xã Hòa Tiến là làng chổi đót, và hầu như gia đình nào cũng có nhà ngói, ti vi, xe máy… nhờ nghề làm chổi đót”.
Thôn 3, xã Hòa Tiến, huyện Krông Pak có 230 hộ, phần lớn là những người quê Hà Nam, Thái Bình, Nam Định di cư vào từ những năm sau giải phóng. Trước đây, vùng này là đồi núi hoang vu, đất khô cằn, trong khi người dân ở đây chỉ biết làm lúa nước nên cuộc sống cứ mãi nghèo khó. Nhìn những triền đót bạt ngàn cao lút đầu, người đầu tiên mạnh dạn hái đót về bó chổi đem bán là bà Đinh Thị Nguyệt. Lúc đầu, bà Nguyệt chỉ làm chổi vào thời điểm đót trổ bông với số lượng ít rồi đem đi bán dạo, kiếm tiền đong gạo. Dần dần, bà phát triển nghề làm chổi thành nghề chính của gia đình, gom đót nguyên liệu dự trữ để đủ làm quanh năm, bỏ mối nhiều nơi trong tỉnh. Nhờ thu nhập từ cây đót mà bà đã xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi 4 người con khôn lớn. Thấy nghề làm chổi đót không khó, thu nhập khá, nhiều người trong thôn cũng học theo và hình thành nên “làng đót thôn 3, Hòa Tiến” như bây giờ.
Bà Phạm Thị Thúy đang rẽ đót làm chổi. |
Tuy nhiên, hiện nay nghề làm chổi đót ở đây đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn đầu tư mua đót nguyên liệu, trong khi giá đót, xăng, và dây kẽm, cao su bó chổi tăng lên, nên nghề làm chổi lời không nhiều. Ông Trần Công Huy, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho biết: chính quyền địa phương đang có kế hoạch xây dựng làng nghề chổi đót thôn 3 thành Làng nghề thủ công để thúc đẩy sự phát triển của nghề này. Theo ông Huy, khi được công nhận làng nghề thì người làm chổi đót sẽ thuận lợi hơn trong việc tìm nguồn vốn, phát triển thị trường và quy hoạch vùng nguyên liệu đót. Hy vọng trong tương lai, thương hiệu “Chổi đót thôn 3, Hòa Tiến” sẽ được khẳng định, những người làm nghề ở đây sẽ có một nghề ổn định để phát triển cuộc sống.
Ý kiến bạn đọc