Những băn khoăn của doanh nghiệp qua bước đầu thực hiện Nghị định 51 của Chính phủ về hóa đơn
Nghị định 51 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đã chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2011, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nộp thuế bắt đầu phát huy quyền tự chủ trong việc in, đặt in, quản lý và sử dụng hóa đơn. Tuy nhiên, bước đầu thực hiện, đã có một số phản hồi từ phía doanh nghiệp về số lượng hóa đơn đặt in, giá cả và tính bảo mật trên cuốn hóa đơn đặt in…
Giá tăng, giảm tùy theo số lượng
Theo nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, việc sử dụng hóa đơn đặt in theo Nghị định 51 của Chính phủ giúp cho doanh nghiệp được chủ động về số lượng hóa đơn sử dụng trong thời gian dài, tiết kiệm được chi phí đi lại, tiết kiệm được thời gian, nhân lực. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được phép đưa các thông tin như số điện thoại, địa chỉ email, lô gô thương hiệu lên hóa đơn… thuận lợi cho việc quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là giá thành của một cuốn hóa đơn đặt in cao hơn rất nhiều so với hóa đơn mua của cơ quan thuế như trước đây. Ông Nguyễn Văn Chức, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và vận tải Phước Hòa (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, doanh nghiệp đặt in 50 cuốn hóa đơn với giá thành hơn 84.000 đồng/cuốn, tổng cộng hơn 4 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với trước đây mua hóa đơn tại cơ quan thuế với giá chỉ 15.000 đồng/1 cuốn.
Cũng đồng quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ doanh nghiệp TNTM Hạnh Phương, kinh doanh hàng công nghệ thực phẩm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cho biết, hằng tháng công ty phải sử dụng từ 25-30 cuốn hóa đơn, với giá thành cao như hiện nay, công ty của chị phải đặt in với số lượng lớn để giảm giá thành mỗi cuốn hóa đơn đặt in. Có thể nói, chi phí in hóa đơn của doanh nghiệp cao gấp 4-5 lần so với trước đây, hơn nữa giá thành của hóa đơn đặt in lại không cố định, giá cao hay thấp phụ thuộc vào số lượng đặt in và sự thỏa thuận của doanh nghiệp với đơn vị đặt in… đang là khó khăn của nhiều doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp khác, đơn cử là doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, với khoảng 8-10 công trình được thực hiện mỗi năm, số lượng hóa đơn đầu ra viết thanh toán công trình rất ít, có khi cả năm chưa hết một cuốn hóa đơn. Nếu in hóa đơn với số lượng lớn để giảm giá thành thì những doanh nghiệp này phải sử dụng trong nhiều năm mới hết và nếu doanh nghiệp có sự thay đổi nào đó thì phải in lại cũng rất tốn kém. Rơi vào trường hợp này, ông Mai Tấn Lực, Giám đốc Công ty TNHH Công trình Thăng Long (TX. Buôn Hồ) cho biết, doanh nghiệp đã đặt in 10 cuốn hóa đơn với giá thành lên đến 400.000 đồng/cuốn. Mức giá cao như vậy, nhưng doanh nghiệp vẫn phải chịu vì số lượng hóa đơn đặt in ít. Vậy mà, theo ông Lực, với 10 cuốn hóa đơn ấy, công ty của ông cũng phải sử dụng từ 2-3 năm mới hết.
Nhiều doanh nghiệp băn khoăn trước quy định mới về hóa đơn. (Ảnh: L.N) |
Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có hơn 3.900 doanh nghiệp lớn nhỏ trong khi chỉ có 5 đơn vị đủ điều kiện đảm nhiệm việc in hóa đơn theo quy định. Theo quy định của Nghị định 51, từ năm 2012, tất cả các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, các doanh nghiệp ở địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn đều phải tự tạo hóa đơn để sử dụng. Như vậy, vào cuối 2011, số lượng doanh nghiệp đặt in hóa đơn sẽ tăng lên với số lượng hóa đơn cần in rất lớn. Bên cạnh đó, 31-3-2011 là thời điểm hết sử dụng hóa đơn Bộ Tài chính đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện được in hóa đơn để sử dụng. Nếu các doanh nghiệp không chủ động in hóa đơn ngay từ bây giờ mà đổ dồn vào các thời điểm nêu trên thì các nhà in sẽ không đủ khả năng đáp ứng kịp thời khối lượng lớn hóa đơn trong cùng thời điểm cho tất cả các doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp sẽ không có hóa đơn để sử dụng hoặc sẽ tốn thêm chi phí nếu đặt in ngoài tỉnh…
Doanh nghiệp In Thanh (TP. Buôn Ma Thuột) hiện đang xử lý hơn 150 hợp đồng đặt in hóa đơn của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Thanh, chủ doanh nghiệp này cho biết: “Nếu nhiều đơn vị đặt in cùng lúc, số lượng lớn hóa đơn sẽ tăng đột biến, chúng tôi khó có thể đáp ứng được”. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có động thái tích cực trong việc đặt in hóa đơn cho đơn vị mình, còn đang trong trạng thái thăm dò, chờ đợi, hy vọng sẽ được tiếp tục sử dụng hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành thêm một thời gian nữa. Ông Lê Đình Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Việt (TX. Buôn Hồ) thì cho rằng công ty ông gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn các nhà in đủ điều kiện để đặt in hóa đơn, không có nhiều sự lựa chọn và có rất ít thông tin về vấn đề này.
Băn khoăn về tính bảo mật
Một trong những điều băn khoăn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là tính bảo mật thông tin đối với hóa đơn tự in. Khi doanh nghiệp tự phát hành hóa đơn, nghĩa là doanh nghiệp phải nộp thuế trên số hóa đơn đó và phải chịu trách nhiệm về hóa đơn đã in. Nhưng, chị Hạnh, doanh nghiệp TNTM Hạnh Phương, lo lắng “theo tôi nghĩ tính bảo mật này chỉ có trong phạm vi trong tỉnh, còn ra ngoài tỉnh thì tính bảo mật sẽ không cao vì TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội đều có thể có doanh nghiệp mang tên Hạnh Phương, cơ quan thuế thì không thể nào quản lý hết được”. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn cho rằng, mặc dù giữa doanh nghiệp và đơn vị thiết kế có quy ước, ký hiệu bảo mật riêng nhưng cũng chưa làm các doanh nghiệp cảm thấy yên tâm. Cùng với nỗi băn khoăn của chị Hạnh, ông Nguyễn Văn Chức, bày tỏ: “Tình hình tội phạm công nghệ cao đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn đặt in là một sự mạo hiểm, không mang lại sự an toàn cao cho doanh nghiệp”. Vì thế, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị đối với những trường hợp không thể in hóa đơn, cơ quan thuế nên bán hóa đơn cho các đơn vị muốn mua.
Có thể khẳng định, chế độ hóa đơn theo Nghị định 51 của Chính phủ là quy định mới thay đổi hoàn toàn thói quen sử dụng hóa đơn lâu nay của các doanh nghiệp, phù hợp với xu hướng mới, chấm dứt tình trạng “bao cấp hóa đơn cho doanh nghiệp” cũng như cơ chế xin, cho khi mua hóa đơn. Doanh nghiệp được trao quyền tự chủ trong thiết kế, in, phát hành và sử dụng hóa đơn. Do vậy, để quy định mới này sớm đi vào cuộc sống, thiết nghĩ điều kiện đầu tiên là phải có sự hợp tác chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tự bản thân mỗi doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm của mình, lựa chọn đối tác in tin cậy, có kinh nghiệm trong in ấn, chống làm giả và cùng đối tác in thiết kế dấu hiệu phát hiện hóa đơn giả.
Hy vọng, với sự nỗ lực của ngành thuế và các doanh nghiệp, chế độ hóa đơn mới theo Nghị định 51 của Chính phủ sẽ từng bước được ổn định và phát huy được hiệu quả tích cực đối với mục tiêu thực hiện cải cách các thủ tục hành chính thuế mà ngành Thuế đề ra.
Ý kiến bạn đọc