Multimedia Đọc Báo in

Krông Buk: Điểm sáng về thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II

09:57, 10/05/2011

Những con đường nông thôn được kiên cố hóa, những phòng học khang trang, điện bừng sáng mọi nhà... đó là cuộc sống mới ở những thôn, buôn vùng sâu vùng xa của huyện Krông Buk. Những đổi thay ấy nhờ triển khai thực hiện tốt Chương trình 135.

Huyện Krông Buk có 2 xã Cư Pơng, Ea Sin và 5 thôn, buôn ở 2 xã Cư Né và Cư Kbô là những địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn được thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn II. Triển khai từ năm 2006, với tổng kinh phí đầu tư trên 19 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ học sinh con hộ nghèo, đào tạo cán bộ thôn buôn…, chương trình 135 đã trở thành một trong những chương trình xóa đói  giảm nghèo hiệu quả. Về xây dựng cơ sở hạ tầng, ngoài 1 trường tiểu học, 7 phòng học, nhà hiệu bộ được xây mới bằng nguồn vốn của Chương trình, nhiều trường mẫu giáo, tiểu học cũng được sửa chữa hằng năm, góp phần cải thiện điều kiện học tập của học sinh ở vùng sâu vùng xa. Đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, cứng hóa đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân. Đối với chương trình hỗ trợ sản xuất, qua 5 năm, đã triển khai hỗ trợ 6 máy sấy cà phê cho 6 nhóm hộ gia đình (60 hộ tham gia), hỗ trợ heo, bò giống sinh sản cho trên 320 hộ nghèo ở các xã Cư Pơng, Chư Kbô, Cư Né và 1.600 cây sầu riêng, 12.000 cây xoài, bơ ghép cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Sin… Chính từ sự hỗ trợ đầu tư của Chương trình, các xã đặc biệt khó khăn đã xây dựng được các công trình thiết yếu, các hộ dân trên địa bàn được tạo điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Đơn cử ở xã Cư Pơng, một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện, điều kiện kinh tế-xã hội, cuộc sống của nhân dân địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự hỗ trợ của Chương trình 135 đã giúp cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Với tổng kinh phí đầu tư  5,6 tỷ đồng cho giai đoạn 2006-2010, trên địa bàn xã có 7 công trình được xây dựng mới, gồm: nâng cấp đường giao thông nội vùng từ trung tâm xã đến buôn Đrây Huê, đường từ Trường Phạm Hồng Thái đến buôn Adrơng Cư Hiăm, đường giao thông nội vùng buôn Kbuôr và Ea Brơ; xây mới 12 phòng học cho các trường THCS:  Ngô Gia Tự, Phạm Hồng Thái, La Văn Cầu và 7 phòng học cho trường mẫu giáo Hoa Phong Lan. Hiện các công trình đã hoàn tất và đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả thiết thực. Đối với Chương trình hỗ trợ sản xuất, ngoài hỗ trợ cây, con giống, việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trạm Khuyến nông quan tâm đã góp phần thúc đẩy phong trào sản xuất, chăn nuôi phát triển; đời sống của người dân vì vậy ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Từ sự hỗ trợ của Chương trình 135 giai đoạn II, Trường THCS Ngô Gia Tự, xã Cư Pơng đã có thêm những phòng học khang trang, góp phần cải thiện điều kiện dạy và học nơi đây.
Từ sự hỗ trợ của Chương trình 135 giai đoạn II, Trường THCS Ngô Gia Tự, xã Cư Pơng đã có thêm những phòng học khang trang, góp phần cải thiện điều kiện dạy và học nơi đây.

Đánh giá về hiệu quả của Chương trình, ông Y Bier Niê, Chủ tịch UBND huyện Krông Buk khẳng định: “Ngay từ khi triển khai thực hiện, để Chương trình mang lại hiệu quả cao nhất, ngoài việc tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng, việc hỗ trợ phát triển sản xuất, thì tùy từng khu vực, vùng kinh tế khác nhau mà chính quyền địa phương lựa chọn loại cây, con giống hỗ trợ cho phù hợp. Qua 5 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II đã có nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học... được đưa vào sử dụng, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Diện mạo các xã đặc biệt khó khăn có nhiều thay đổi. Bên cạnh những chuyển biến trong đời sống của người dân, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân từng bước được nâng lên. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia khác để đầu tư có chiều sâu đối với từng hợp phần của Chương trình. Đặc biệt, huyện xác định chỉ đạo phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa đói - giảm nghèo cho đồng bào là nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở cùng với kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư xây dựng công trình cũng sẽ được tăng cường. Hy vọng rằng, với sự đầu tư của Nhà nước cùng những cố gắng, nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, cuộc sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số sẽ ngày càng phát triển ổn định, bền vững.”

Có thể nói, hiệu quả từ chương trình 135 giai đoạn II đã góp phần vào thành tích phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong những năm qua: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của huyện khoảng 9%/năm; cơ cấu nền kinh tế dần chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó kinh tế nông lâm nghiệp chiếm 85%; công nghiệp xây dựng chiếm 3% và thương mại dịch vụ chiếm 12%; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,6% năm 2010; mạng lưới điện Quốc gia về đến tất cả các xã; 10.500 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 47 thôn, buôn đạt danh hiệu thôn, buôn văn hóa năm 2010; mạng lưới trường lớp từng bước được mở rộng, chất lượng dạy và học ở các bậc học có nhiều tiến bộ, duy trì, giữ vững chuẩn phổ cập THCS, hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi… Hiệu quả từ chương trình 135 giai đoạn II đã tiếp tục khẳng định chủ chương đúng đắn của chính phủ là giúp người dân các xã vùng đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế -xã hội, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

 

Yên Ninh

 


Ý kiến bạn đọc