Ngăn chặn “cuộc đua” lãi suất: Cần cơ chế và biện pháp phù hợp
Mặc dù trần lãi suất huy động Việt Nam đồng (VNĐ) đã được “luật hóa” tại Thông tư 02/2011/TT-NHNN, ngày 03-3-2011 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhưng vẫn bị phá vỡ bởi hàng loạt chiêu thức. Thực trạng này đặt ra yêu cầu: NHNN cần có giải pháp điều hành phù hợp và cương quyết thì mới có thể lập lại trật tự trên thị trường tiền tệ
Trần lãi suất huy động đã bộc lộ những bất cập
Theo báo cáo của NHNN về diễn biến lãi suất huy động VNĐ những ngày đầu tháng 5-2011 thì thị trường vẫn ổn định. Cụ thể: lãi suất huy động không kỳ hạn từ 2,4%-4,2%; lãi suất huy động có kỳ hạn phổ biến ở mức 13,5%-14%. Tại Dak Lak, theo số liệu của chi nhánh NHNN tỉnh, lãi suất huy động VNĐ của các ngân hàng thương mại trong những tháng đầu năm 2011 cũng chỉ giao động ở mức 13,5%-14%/năm; riêng hệ thống quỹ tín dụng nhân dân khoảng 13,8%-14,5%/năm. Tuy nhiên, thực tế trên thị trường tiền tệ thì hoàn toàn khác. Lãnh đạo nhiều tổ chức tín dụng cho biết: tình trạng lách trần lãi suất huy động VNĐ đã âm ỉ diễn ra từ nhiều tháng nay và thực sự “nóng” từ những ngày đầu tháng 5-2011 đến nay. Diễn biến trên thị trường tiền tệ ngày càng nhanh chóng và phức tạp hơn bao giờ hết, trần lãi suất tiền gửi VNĐ liên tiếp bị “xé rào”, lãi suất huy động thực tế không còn ở các mức mà cơ quan quản lý Nhà nước đã công bố. Các ngân hàng nhỏ thì tìm đủ mọi cách để huy động vốn phục vụ cho mục đích của mình; các ngân hàng lớn không thiếu vốn nhưng cũng chẳng thể “ngồi im” nhìn khách hàng rút tiền chuyển sang gửi ở ngân hàng khác, nên cũng tăng theo. Cứ như vậy, lãi suất huy động VNĐ liên tục bị đẩy lên. Lãnh đạo một số tổ chức tín dụng vì bức xúc trước tình trạng cạnh tranh giành giật vốn lẫn nhau nên đã phản ánh với lãnh đạo chi nhánh NHNN địa phương, nhưng đến nay thị trường vẫn chưa có sự cải thiện nào
Nhiều ý kiến khẳng định: trần lãi suất huy động đơn thuần chỉ là biện pháp hành chính, mang tính áp đặt, không phù hợp với thực tiễn hiện nay. Sự khập khiễng giữa thực tiễn và chính sách đã mặc nhiên làm cho yêu sách lãi suất tiền gửi vượt trần, trở thành hiện tượng phổ biến. Trong lúc lãi suất đầu vào bị khống chế thì lãi suất đầu ra lại thả nổi, nghịch lý này không những khiến cho cung - cầu vốn càng bị “lệch pha”, mà còn ảnh hưởng xấu đến quá trình thực thi chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt nhằm ổn định vĩ mô. Bởi vì: một khi người dân buộc phải cân nhắc việc gửi vốn vào ngân hàng chỉ vì lãi suất bất hợp lý, thì khả năng thu hút khối lượng lớn tiền mặt ra khỏi lưu thông bị cản trở càng làm tăng thêm áp lực lên chỉ số giá cả, và đến lượt nó lại là nguyên nhân gây ra vòng đua lãi suất dường như bất tận, không có điểm dừng.
Khách hàng gửi tiết kiệm tại Chi nhánh Ngân hàng Đông Á Dak Lak. (Ảnh minh họa) |
Cơ chế phù hợp và biện pháp quản lý
Qua diễn biến của thị trường tiền tệ, có thể dự báo cuộc đua lãi suất sẽ không có điểm dừng, hoặc thị trường vốn sẽ tiếp tục duy trì trạng thái “mù mờ”, biến tướng và méo mó, trừ khi cơ quan chức năng có những quyết sách mới phù hợp với tình hình thực tế hơn. Cho đến nay, có thể nói cơ chế trần lãi suất huy động VNĐ đã không thành công, DN sản xuất vẫn khó tiếp cận nguồn vốn và vẫn phải vay với lãi suất cao; còn ngân hàng bị chỉ trích không chia sẻ khó khăn chung với doanh nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng: để ngăn chặn có hiệu quả các “cuộc đua” lãi suất trong hệ thống, NHNN nên ban hành ngay chính sách áp dụng cả trần lãi suất tiền gửi và trần lãi suất cho vay VNĐ. Khoảng cách chênh lệch giữa hai trần này nên giao động từ 3,5% đến 5%/năm để tạo sự cạnh tranh giữa các ngân hàng; đồng thời có sự phân biệt về lãi suất cho vay đối với khách hàng vay (khách hàng có nguy cơ rủi ro cao phải chịu lãi suất cao)… Có như vậy mới bảo đảm điều kiện cho sự tồn tại và phát triển lành mạnh của ngân hàng. Một số ý kiến khác lại đề xuất: NHNN chỉ cần quy định trần lãi suất cho vay ở mức khoảng 18%-19%/năm là phù hợp. Tùy tình hình thực tế, có thể chỉ áp dụng trần lãi suất cho vay đối với các ngân hàng thương mại Nhà nước hoặc áp dụng cho tất cả các ngân hàng. Khi lãi suất cho vay bị khống chế ở mức tối đa 18%/năm thì tự các ngân hàng sẽ kéo lãi suất huy động xuống mức phù hợp.
Áp dụng trần lãi suất cho vay hay không và áp dụng như thế nào là vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng ở nhiều góc độ. Có một điều cần phải lưu ý là thêm một biện pháp hành chính chưa chắc xử lý triệt để “căn bệnh” lãi suất ở các ngân hàng thương mại hiện nay. Nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, thì việc ngân hàng lách luật lại vẫn sẽ xảy ra, khiến thị trường hỗn loạn, thiếu minh bạch. Chính vì thế, vấn đề quan trọng hiện nay là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành phải tìm cho được nguyên nhân dẫn đến tình trạng chạy đua lãi suất huy động trong thời gian qua để có biện pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời, phù hợp. Đa số ý kiến đề nghị: trong bối cảnh hiện nay, NHNN phải tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý những bất ổn nội tại ở các ngân hàng thương mại nhỏ thông qua các công cụ lãi suất hay các nghiệp vụ của NHNN. Kế đến, ý thức chấp hành pháp luật cũng phải được xem trọng, mạnh tay xử lý những ngân hàng quản trị yếu kém, để qua đó sàng lọc, chấn chỉnh hệ thống ngân hàng một cách nghiêm túc.
Thông tư 02 quy định: tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động vốn bằng VNĐ của các tổ chức (trừ tổ chức tín dụng) và cá nhân bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức không vượt quá 14%/năm; riêng các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ấn định lãi suất huy động vốn bằng VNĐ không vượt quá 14,5%/năm. Mức lãi suất huy động vốn tối đa này áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ; đối với các phương thức trả lãi khác, phải được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ tương ứng với mức lãi suất huy động vốn tối đa. Tổ chức tín dụng niêm yết công khai lãi suất huy động vốn bằng VNĐ tại các điểm huy động vốn. Nghiêm cấm tổ chức tín dụng thực hiện khuyến mại huy động vốn bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác không đúng với quy định của pháp luật và Thông tư này. |
Ý kiến bạn đọc