Multimedia Đọc Báo in

Trồng rừng kinh tế - một hướng đi hiệu quả ở Buôn Ma Thuột

10:07, 14/06/2011

Những năm gần đây, trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột, trồng rừng kinh tế theo hướng nông lâm kết hợp là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt nhận thức của người dân về việc trồng và bảo vệ rừng đã được nâng lên… Nhờ vậy, công tác trồng rừng trên địa bàn thành phố ngày càng có chất lượng và hiệu quả hơn.

Mô hình chanh dây trên diện tích trồng rừng của hộ ông Phạm Ngọc Hồi – thôn 9 xã Hòa Phú  cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Mô hình chanh dây trên diện tích trồng rừng của hộ ông Phạm Ngọc Hồi – thôn 9 xã Hòa Phú cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Những năm trước đây, mặc dù nguồn kinh phí cho công tác trồng rừng  cũng được bố trí tương đối hợp lý nhưng rừng trồng vẫn không đạt hiệu quả bởi kinh phí cấp về qua khâu trung gian và người dân chưa thật sự gắn bó với rừng, chưa hiểu lợi ích sau này của rừng, trồng xong bỏ mặc không chăm sóc nên không hiệu quả. Song, 3 năm gần đây, chủ trương trồng rừng theo hướng mô hình nông lâm kết hợp... đã góp phần nâng cao chất lượng rừng trồng.

Theo kế hoạch, năm 2011 TP.Buôn Ma Thuột triển khai trồng 10 ha rừng tập trung tại xã Hòa Phú. Tính đến thời điểm này, đã có 45 hộ ở xã Hòa Phú và Trung đoàn 584 đăng ký trồng hơn 70 ha rừng tập trung, tăng 7 lần so với  kế hoạch. Cây giống chủ yếu là keo lá tràm, muồng đen, xoan, sao, cà chít, cẩm xe… Đây là năm thứ 3 công tác trồng rừng trên địa bàn xã Hòa Phú nói riêng và thành phố nói chung vượt kế hoạch đề ra.  Để có được kết quả đáng khích lệ như vậy, thành phố đã tạo ra nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân và các đơn vị, xã trồng rừng phát triển kinh tế từ rừng. Mỗi ha rừng trồng có tỷ lệ cây sống đạt 85% trở lên sẽ được thành phố cấp kinh phí hỗ trợ giống, công trồng và chăm sóc với mức hơn 5 triệu đồng/ha.

Cây hồ tiêu phát triển mạnh ở xã Hòa Phú
Cây hồ tiêu phát triển mạnh ở xã Hòa Phú
Đi đầu trong lĩnh vực trồng rừng ở xã Hòa Phú là hộ ông Phạm Ngọc Hồi ở thôn 9. Trên diện tích 3 ha đất, ông Hồi đã xây dựng một mô hình nông – lâm kết hợp rất điển hình. Sau khi trồng hơn 3.000 cây muồng đen, tận dụng đất trống vì cây rừng đang nhỏ, ông Hồi đã trồng cây bông và các loại hoa màu xen canh theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”; đồng thời đầu tư gần 200 triệu đồng để làm giàn và mua giống cây chanh leo về trồng. Hay mô hình trồng rừng xen cây cà phê của hộ bà Đoàn Thị Mai Hương ở thôn 5 cũng mang lại hiệu quả cao. Với  2,2 ha cà phê nằm trên địa hình thoai thoải gần sông Sêrêpốk rất thuận lợi cho việc tưới tiêu và chăm sóc, mỗi năm thu hoạch trên 8 tấn cà phê nhân..., bà Hương đã nhận trên 3.500 cây giống muồng đen trồng xen trên diện tích này. Hộ anh Đỗ Quốc Ngãi ở thôn 5 có 4 sào đất trồng rừng xen các loại hoa màu, mỗi năm thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng…

Có thể nói, việc trồng rừng theo hướng nông lâm kết hợp mang lại nhiều lợi ích: người dân vẫn canh tác và có thu nhập từ hoa màu, cây cà phê và các loại cây khác trên diện tích rừng trồng; cây rừng được chăm sóc kỹ lưỡng hơn nên phát triển nhanh; sau khi cây rừng lớn sẽ bố trí trồng cây hồ tiêu cho bò lên thân gỗ, không phải tốn tiền làm trụ tiêu mà cây rừng thì vẫn phát triển bình thường, trong lúc chờ khai thác gỗ muồng thì thu hoạch tiêu. Nhờ những lợi ích trên, mô hình trồng rừng nông lâm kết hợp sẽ góp phần tăng nhanh diện tích rừng trồng,  góp phần quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường.

 

Xuân Hậu

Ý kiến bạn đọc