Multimedia Đọc Báo in

Mô hình nông dân góp vốn giúp nhau phát triển kinh tế gia đình

09:35, 04/07/2011

Thôn 9, xã Cư Mốt (huyện Ea H’leo) mới được thành lập năm 2004, cả thôn hiện có 122 hộ, 540 nhân khẩu, trong đó phần lớn người dân thuộc diện di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào, sống bằng nghề nông nên gặp không ít khó khăn, nhất là tiền vốn đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi… Trong gian khó đã “ló ”cái khôn, bà con nông dân thôn 9 không trông chờ vào nguồn vốn vay từ các ngân hàng mà tự góp vốn, giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình.

Người có công khởi xướng và đi đầu trong phong trào này là ông Nguyễn Hồng Ký, Chi hội trưởng Hội Nông dân của thôn. Sau nhiều lần suy tính, bàn luận cặn kẽ với bà con, năm 2005 ông Ký vận động được 30 gia đình có đời sống kinh tế tạm ổn góp 2 triệu đồng/hộ để giúp những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong thôn vay đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Khi đã có quỹ, ông cùng các thành viên trong tổ bầu chọn những người thật sự có nhu cầu cần vốn để cho vay không tính lãi, mỗi hộ từ 15 - 20 triệu đồng/quí và cứ lần lượt luân phiên nhau, hộ này trả nợ xong đến lượt hộ khác được vay. Nhờ đó các gia đình nghèo, khó khăn về kinh phí đã có nguồn vốn vay để đầu tư chăm sóc rẫy vườn, giải quyết những việc cần thiết nhất trong gia đình.

Thấy việc góp vốn giúp nhau xóa đói, giảm nghèo đem lại lợi ích thiết thực, nhiều hội viên nông dân thôn 9 cũng tích cực tham gia và cùng hưởng lợi. Khi mới thành lập, quỹ của Hội chỉ có vài trăm triệu đồng, nhưng đến ngày 15-6-2011 tổng nguồn vốn “Quỹ Tín dụng” của bà con nông dân thôn 9 đã lên tới 2,5 tỷ đồng, do 70 thành viên trong Chi hội đóng góp, giải quyết cho 95 lượt hộ vay, mỗi hộ từ 30 đến 50 triệu đồng/quí và không tính lãi. Biết quí trọng đồng vốn của bà con trong tổ, hầu hết các hộ sau khi được vay tiền đã đầu tư đúng mục đích, có hiệu quả, trả lại vốn đúng kỳ hạn, tạo điều kiện thuận lợi để hộ khác vay. Từ phong trào này, nhiều hộ gia đình nông dân ở thôn 9 đã mua sắm được đầy đủ phương tiện dùng cho sản xuất, sinh hoạt trong gia đình. Đến nay thôn 9 không còn hộ đói nghèo, phần đông số hộ đều có đời sống kinh tế ổn định và khá giả; 100% gia đình đều có ti vi, xe gắn máy và kiên cố hóa được nhà ở, không còn cảnh nhà tranh vách nứa như khi mới thành lập. Trong đó, điển hình như trường hợp của anh Nguyễn Văn Tứ. Tuy có sức khỏe và chịu khó làm ăn, nhưng do thiếu kinh phí mà nhiều năm qua vợ chồng anh Tứ cùng 2 con nhỏ phải sống trong ngôi nhà tạm bợ. Tháng 8-2010, anh Tứ được vay 60 triệu đồng của “Quỹ Tín dụng” nông dân thôn 9, cùng với số tiền vay thêm của anh em họ hàng, anh đã xây được ngôi nhà khang trang với kinh phí 200 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Tứ phấn khởi cho biết: “Vợ chồng tôi có được ngôi nhà như thế này là nhờ có đồng vốn nghĩa tình, thiết thực của Chi hội Nông dân thôn 9. Nếu không có sự chung tay góp sức, chia sẻ của bà con thì chẳng biết đến khi nào vợ chồng tôi mới xây được nhà”.

Có thể nói, trong khi nguồn vốn của Nhà nước còn hạn hẹp, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân ở vùng sâu, vùng xa, thì hình thức tự góp vốn giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình như Chi hội Nông dân thôn 9 là một cách làm thiết thực, mang lại hiệu quả, có tác động tích cực, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Ngọc Tài

 


Ý kiến bạn đọc