Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh cà phê

09:34, 04/07/2011

Xây dựng tỷ lệ thu nhập chịu thuế/doanh thu tối thiểu để làm cơ sở đánh giá mức độ chấp hành của người nộp thuế; phát hành bảng kê mua cà phê của người trực tiếp sản xuất theo mẫu chung; tăng cường công tác thanh, kiểm tra… đó là những biện pháp đang được ngành thuế triển khai nhằm chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với hoạt động kinh doanh cà phê.

Từ sự kê khống của DN
Đẩy mạnh công tác chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh cà phê những năm qua tuy có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng nhìn chung, tình trạng thất thu vẫn còn xảy ra. Cá biệt có những doanh nghiệp (DN) kê khai thuế chưa nghiêm túc, không phản ánh đúng kết quả kinh doanh, thậm chí là thường xuyên báo cáo lỗ nhằm trốn thuế. Thất thu thuế TNDN đối với hoạt động kinh doanh cà phê xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có lẽ, kẽ hở được nhiều DN lợi dụng nhất là quy định cho phép lập bảng kê thu mua hàng hóa là nông sản của người trực tiếp sản xuất bán ra. Theo quy định, đối với trường hợp này, DN được phép lập bảng kê thu mua kèm theo chứng từ thanh toán thì được xem là khoản chi phí hợp lý được khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế. Vin vào điều này, không ít DN kinh doanh cà phê không lập bảng kê và chứng từ kèm theo khi mua hàng theo quy định, mà chờ đến khi bán hàng đó ra mới tính toán lại giá mua để lập bảng kê và chứng từ mua vào. Với kiểu gian lận này, các DN dễ dàng “hô biến” lãi thành lỗ, lãi nhiều thành lãi ít. Ví dụ, DN A., mua cà phê của nông dân với giá 40.000 đồng/kg, nhưng không lập bảng kê, hoặc lập nhưng bỏ trống phần giá mua vào. Đến khi bán số cà phê này ra, với giá 50.000 đồng/kg thì DN mới điền giá mua vào ở mức 48.000 hoặc 49.000, thậm chí là 50.000 hoặc 51.000 đồng/kg. Như vậy, thực tế DN lãi khoảng 10.000 đồng/kg cà phê, nhưng trên sổ sách chỉ thể hiện từ 1000-2000 đồng/kg, hòa vốn hoặc lỗ để trốn thuế! Qua theo dõi của ngành thuế, ước bình quân trên 50% sản lượng cà phê toàn tỉnh được các DN thu mua qua người mua gom, nhưng DN đều lập bảng kê là mua trực tiếp của người sản xuất. Để qua mặt cơ quan thuế, các ghi chép trên chứng từ (phiếu chi tiền, phiếu nhập kho) như họ tên, địa chỉ, số lượng, giá mua đều được DN ghi chung chung, không rõ ràng, khiến cơ quan thuế không thể đối chiếu, xác minh thực tế được.

Theo Cục thuế tỉnh, số DN kinh doanh lỗ (chưa xác định được lỗ thật hay khai man) là tương đối lớn. Cụ thể, qua phân tích kết quả kinh doanh năm 2007 của 39 DN (chọn ngẫu nhiên) kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh cho thấy: có 20 DN có lãi, 19 DN lỗ; đặc biệt, 20 DN chỉ lãi hơn 4,2 tỷ đồng, nhưng 19 DN lỗ đến 23,7 tỷ đồng, tức số lỗ của 19 DN cao hơn 5 lần số lãi của 20 DN(?!) Tương tự, kết quả kinh doanh năm 2008 của 28 DN riêng địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, thể hiện: 17 DN có lãi, 11 DN lỗ; số lỗ của 11 DN gấp gần 3 lần số lãi của 17 DN. Trên quy mô rộng hơn, phân tích kết quả kinh doanh quý IV-2008 và 9 tháng đầu năm 2009 của 483 cơ sở kinh doanh nông sản trên toàn tỉnh (trừ huyện Ea H’leo) thì có tới 134 đơn vị kinh doanh lỗ, chiếm 28%. Công bằng mà nói, việc lãi hay lỗ trong hoạt động kinh doanh cà phê là hết sức bình thường. Song, tình trạng lỗ nhiều hơn lãi, nhưng không ít DN, chủ cơ sở kinh doanh (trong đó có những đơn vị báo cáo lỗ) vẫn mở rộng quy mô làm ăn, mua sắm phương tiện đi lại đắt tiền… là điều không bình thường.

Kinh doanh cà phê phải ghi chép trung thực với bảng kê mua hàng. (ảnh minh họa)
Kinh doanh cà phê phải ghi chép trung thực với bảng kê mua hàng. (ảnh minh họa)
Đến nỗ lực của ngành thuế
Theo đánh giá của ngành thuế, tình trạng thất thu thuế TNDN đối với hoạt động kinh doanh cà phê đã tồn tại và kéo dài từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm do những bất cập từ nhiều phía: Cơ quan thuế quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa có biện pháp phù hợp; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phần người nộp thuế chưa cao; chính sách thuế cũng còn nhiều bất cập...

Để giải quyết có hiệu quả tình trạng gian lận, trốn thuế, nhất là thuế TNDN đối với hoạt động kinh doanh cà phê, ngành thuế đã và đang triển khai nhiều biện pháp, trong đó tập trung kiểm soát việc sử dụng bảng kê mua hàng hóa từ người trực tiếp sản xuất, đồng thời, xây dựng tỷ lệ thu nhập chịu thuế/doanh thu tối thiểu để làm cơ sở “đo đếm” mức độ chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế. Với bảng kê mua hàng, cơ quan thuế các cấp sẽ trực tiếp in và đóng dấu của cơ quan thuế, phát hành miễn phí, tăng cường kiểm soát việc ghi bảng kê thu mua hàng hóa của DN. Qua đó, ngành thuế sẽ quản lý được số bảng kê DN đã hoặc chưa sử dụng, hư hỏng…, hạn chế được tình trạng thay đổi bảng kê, khắc phục được một phần tình trạng thay đổi giá, khối lượng hàng hóa mua bán. Đối với tỷ lệ thu nhập chịu thuế/doanh thu, hiện, ngành thuế xây dựng mức tối thiểu là 0,3%, tỷ lệ này có thể tăng lên vào những năm tới (trường hợp mua bán có hóa đơn thì tính theo giá thực tế ghi trên hóa đơn). Đây là ngưỡng mang tính kỹ thuật, mục đích của việc thiết lập ngưỡng này là nhằm phòng ngừa, kiểm soát, xử lý việc kê khai tăng giá mua nhằm gian lận thuế, nghĩa là, việc nộp thuế TNDN vẫn dựa trên kết quả kinh doanh như pháp luật đã quy định. Tuy nhiên, đối với những DN có tỷ lệ thu nhập chịu thuế/doanh thu thấp hơn 0,3% sẽ được ngành thuế “ưu tiên” theo dõi, tăng cường kiểm tra, giám sát, trong trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu DN giải trình nguyên nhân khiến tỷ lệ này đạt thấp. Dĩ nhiên, nếu việc giải trình của DN phù hợp, phản ánh chính xác hoạt động kinh doanh tại đơn vị thì vẫn được chấp nhận, dù tỷ lệ thu nhập chịu thuế/ doanh thu có ở mức nào. Cùng với các biện pháp trên, ngành thuế cũng sẽ tăng cường công tác phân loại, xử lý tờ khai thuế TNDN; kiểm tra, thanh tra tại DN; giao chỉ tiêu thu cụ thể cho từng đơn vị…

Đầu tháng 3-2011, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Chỉ thị 03/CT-UBND về việc chống thất thu thuế TNDN đối với hoạt động kinh doanh cà phê, nêu rõ: Cục Thuế tỉnh cần nhanh chóng triển khai Đề án tăng cường giám sát, chống gian lận thuế nói chung, thuế TNDN nói riêng; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn thuế giúp các tổ chức, cá nhân, người nộp thuế hiểu rõ chính sách thuế, giảm thiểu đối tượng vi phạm pháp luật thuế. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc cấp thường xuyên tổ chức kiểm tra việc niêm yết giá mua cà phê theo từng thời điểm; tăng cường kiểm tra tại các điểm mua cà phê, ngăn chặn hành vi lập bảng kê ghi giá mua cao hơn giá thị trường; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm khai tăng giá cà phê mua vào…

Lê Ngọc

 

 


Ý kiến bạn đọc