Multimedia Đọc Báo in

Bất cập trong quản trị ngân hàng

10:00, 17/08/2011

Vài năm gần đây, không ít quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, mang nặng tính hành chính, đối phó, khiến hoạt động trên thị trường tiền tệ trở nên mù mờ, lộn xộn…

Biện pháp điều hành chưa phù hợp?
Theo số liệu tổng hợp của UBND tỉnh, tính đến cuối tháng 7-2011, tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 14.500 tỷ đồng, tăng gần 3% so với tháng trước, xấp xỉ 20% so với đầu năm; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế hơn 29.100 tỷ đồng, tăng 0,3% so với tháng trước và 0,11% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay phi sản xuất hơn 4.673 tỷ đồng, chiếm hơn 16%/tổng dư nợ, giảm xấp xỉ 13% so với tháng trước. So với mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 18% mà ngành ngân hàng tỉnh đã xây dựng nhằm triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ hồi đầu năm cho thấy, “cửa” tăng trưởng tín dụng từ nay đến hết năm vẫn rộng mở.

Doanh nghiệp thì thiếu vốn nghiêm trọng, trong khi đó, ngân hàng lại “xài” không hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao. Điều này có vẻ không phù hợp, thậm chí có thể xem là nghịch lý đối với một địa phương mà nhu cầu vốn rất lớn như Dak Lak? Về vấn đề này, lãnh đạo một số tổ chức tín dụng (TCTD) cho biết, nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ chính sách điều hành ở tầm vĩ mô chưa thật phù hợp. Chẳng hạn như chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra con số khoảng 18%, áp dụng cho tất cả các ngân hàng nên sau mấy tháng thực hiện đã nảy sinh nghịch lý “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Một số ngân hàng có nguồn vốn, dự án đầu tư khả thi, thanh khoản tốt thì không thể cho vay do đã sử dụng hết hoặc sắp hết chỉ tiêu được giao; một số khác thì ngược lại, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được phép còn nguyên thì lại gặp khó khăn trong huy động nên không có vốn cho vay.

Tương tự, các quy định về lãi suất cũng vậy. NHNN quy định trần lãi suất huy động đồng Việt Nam không quá 14%/năm cho tất cả các ngân hàng thương mại (NHTM) khiến những ngân hàng nhỏ, mới ra đời gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Trong hoàn cảnh đó, để huy động được vốn, các ngân hàng này đã tìm mọi cách để nâng lãi suất lên cao. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng phá rào lãi suất huy động trong thời gian qua. Việc hạn chế cho vay lĩnh vực phi sản xuất cũng thế, đùng một cái, NHNN yêu cầu thực hiện giảm tỷ trọng dư nợ cho vay xuống tối đa là 22% vào thời điểm cuối tháng 6-2011, và đến cuối tháng 12-2011, tỷ lệ này giảm còn không quá 16%. Trường hợp TCTD không thực hiện được tỷ trọng này theo lộ trình sẽ bị buộc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp 2 lần và hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh 6 tháng cuối năm và năm 2012. Đành rằng, nguyên nhân trực tiếp của việc áp đặt tỷ lệ cho vay phi sản xuất (mà chủ yếu là cho vay bất động sản và chứng khoán) là do vấn đề lạm phát. NHNN đã đúng khi cho rằng quá nhiều tín dụng vào bất động sản và chứng khoán có thể góp phần làm cho lạm phát tăng cao và làm tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, việc yêu cầu các NHTM phải giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống trong thời gian chưa đầy bốn tháng là nhiệm vụ bất khả thi với nhiều ngân hàng, bởi vì tín dụng bất động sản thường là trung, dài hạn và tỷ lệ cho vay là bao nhiêu còn tùy thuộc vào chiến lược của từng ngân hàng.

Khách hàng giao dịch tại Vietinbank Dak Lak  (ảnh minh họa).
Khách hàng giao dịch tại Vietinbank Dak Lak (ảnh minh họa).
Không nên “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”
Gần đây, khi cuộc đua lãi suất huy động diễn ra trên diện rộng, không chỉ đối với đồng Việt Nam mà còn với cả USD thì trên các diễn đàn xuất hiện 2 quan điểm về loại hình ngân hàng nào có lỗi trong cuộc đua này. Người nói các ngân hàng quy mô lớn, kẻ khác bảo tại các ngân hàng nhỏ. Trong thực tế, cả 2 quan điểm trên đều đúng nhưng cần xem xét ở những góc cạnh cụ thể. Diễn biến trên thị trường cho thấy, các NHTM nhỏ do quản trị kém, năng lực tài chính hạn chế, mức độ rủi ro thanh khoản cao nên thường phá rào trước, đầu tiên là lôi kéo khách hàng và dần dà dẫn dắt thị trường trong các cuộc chạy đua lãi suất, buộc các NHTM lớn cũng phải dâng mặt bằng lãi suất lên nếu không sẽ mất khách. Ngược lại, NHTM lớn bị chỉ trích, cho rằng ỷ thế vốn lớn, lãi suất bình quân thấp đã “bắt chẹt” các NHTM nhỏ khi cho vay trên thị trường liên ngân hàng với mặt bằng lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất huy động từ dân cư và các tổ chức khác. Trong thực tế đã từng xảy ra tình trạng một số ngân hàng không muốn cho vay đối với hoạt động sản xuất kinh doanh vì mức chênh lệch lãi suất thấp, dễ gây rủi ro cao nên chỉ tập trung vào huy động vốn để cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Ngân hàng nhỏ trong cuộc đua này thường bị lép vế nhưng chẳng ai dám ra mặt kêu ca mình bị “chặt chém”. Theo lãnh đạo một số TCTD, những lộn xộn trên thị trường tiền tệ trong thời gian qua bắt nguồn từ việc thiếu cơ chế cho từng ngân hàng cụ thể. Những chính sách quản lý của NHNN đối với hệ thống NHTM từ năm 2008 đến nay cho thấy không có sự phân biệt quy mô, mức độ rủi ro, thanh khoản... của từng ngân hàng. Điển hình như việc NHNN áp dụng mức trần tăng trưởng tín dụng cũng như tỷ lệ dự trữ giống nhau cho các ngân hàng, bất kể chất lượng tín dụng, tính thanh khoản các ngân hàng này như thế nào.

Tình trạng nói trên là do các ngân hàng chưa được phân loại thành từng nhóm. Do vậy, khi cần nhanh chóng áp dụng các biện pháp quản lý, NHNN bắt buộc phải áp dụng quy định chung cho tất cả hệ thống. Hệ quả là các ngân hàng thường chạy đua với nhau, từ chuyện tăng trưởng tín dụng cho đến lãi suất, cho dù đây có thể là những cuộc đua... xuống đáy!

Thực tiễn trên thị trường tiền tệ đặt ra đòi hỏi NHNN sớm nghiên cứu, xây dựng biện pháp quản trị cho phù hợp; nên phân ngân hàng ra thành từng nhóm tùy thuộc vào quy mô, mức độ rủi ro, thanh khoản… Tương ứng với từng quy mô, chỉ được hoạt động trên một phạm vi và cung ứng những sản phẩm nhất định nhằm ngăn chặn các cuộc đua tranh như đã từng xảy ra, hạn chế rủi ro cho toàn hệ thống.

Trần Sáu

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.