Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ Chương trình phát triển kinh tế -xã hội các buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Lak

10:09, 09/08/2011

Trên cơ sở Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội các buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ đến năm 2010, xây dựng chương trình thực hiện giai đoạn 2011 – 2015, năm 2006 Huyện ủy Lak đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở triển khai thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn huyện. Đến nay, sau 5 năm triển khai, chương trình đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo nên những chuyển biến tích cực về tình hình kinh tế - xã hội tại các buôn đồng bào DTTS trên địa bàn.

Huyện Lak có 11 xã, thị trấn, với 123 thôn, buôn, trong đó có 86 buôn đồng bào DTTS tại chỗ và 4 buôn đồng bào DTTS  phía Bắc di cư; dân số là 61.918 khẩu, trong đó có 63% là người DTTS; số hộ nghèo trong đồng bào DTTS tại chỗ chiếm 35,56%. Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, đến nay, 100% buôn, thôn trong huyện đã có chi bộ Đảng,  thu nhập bình quân đầu người trong đồng bào DTTS (theo giá hiện hành) đạt gần 6 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2 triệu đồng so với năm 2006; tỷ lệ lao động phổ thông là người DTTS được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, nghiệp vụ, ngành nghề đạt khoảng 30%; số hộ đồng bào DTTS được định canh định cư đạt 90%; 85% hộ đồng bào DTTS đã được kéo điện sinh hoạt.

Trong 5 năm qua, nhiều mô hình phát triển kinh tế đã được triển khai tại các buôn đồng bào DTTS, tiêu biểu như: mô hình chăn nuôi bò theo hộ, nhóm hộ; nuôi cá; trồng cỏ chăn nuôi; trồng cây công nghiệp; cây ăn quả; ngô lai; cải tạo vườn tạp... đã tạo nên nhiều sự chuyển biến, đổi thay trong phương thức canh tác sản xuất nông nghiệp của bà con. Các hoạt động ứng dụng KHKT như: hỗ trợ cho các hộ trồng điều ghép cao sản với diện tích 10 ha, đầu tư mua 3 bộ thụ tinh nhân tạo cho bò để cải tạo giống bò cho các hộ đồng bào DTTS ở các xã vùng III, triển khai đề tài ứng dụng KHKT với 2 ha trồng tre lấy măng, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích lúa 1 vụ sang trồng ngô nếp vụ đông xuân và trồng lúa vụ hè thu... đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, qua đó giúp nông dân tiếp thu tiến bộ KHKT để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, nâng cao năng suất.

Phát triển chăn nuôi bò ở xã Cư M’ta, huyện M’Drak.                                         Ảnh: Tôn Thất Tường
Phát triển chăn nuôi bò ở xã Cư M’ta, huyện M’Drak. (Ảnh: Tôn Thất Tường)
Việc giải quyết đất ở và đất sản xuất, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ nước sinh hoạt được triển khai hiệu quả; trong đó hoàn thành 100% kế hoạch về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo chương trình đề ra. Trong 5 năm, huyện đã làm mới được 926 căn nhà, sửa chữa 410 căn nhà cho các hộ đồng bào DTTS, hoàn thành việc xây dựng nhà ở cho đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn trước thời gian quy định 2 năm. Đã có 203 hộ nghèo được giải quyết đất ở với tổng diện tích 3,68 ha, hỗ trợ tiền cho 28 hộ với tổng số tiền 1,522 tỷ đồng, vận động 114 hộ tự nguyện san sẻ trong cộng đồng; trong đó đa số các hộ dân được giải quyết đất ở đã làm nhà ở trên diện tích được giao, sử dụng có hiệu quả, không có hiện tượng đất bị bỏ hoang. Các cấp, ngành đã triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nên có nhiều hộ dân chủ động san sẻ, không nhận tiền đền bù, góp phần tiết kiệm cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Huyện cũng đã giải quyết đất sản xuất cho 562 hộ nghèo với diện tích 199,12 ha, phần lớn các hộ đã sử dụng có hiệu quả diện tích đất được cấp. Việc giải quyết đất sản xuất đã giúp các địa phương thuận lợi trong việc quản lý địa bàn, bảo vệ rừng, góp phần bảo vệ an ninh trật tự buôn, thôn, củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước.  Nước sinh hoạt được hỗ trợ cho 1.234 hộ, số hộ còn lại được xây bể để chứa nước, chất lượng nước của phần lớn các công trình cấp nước tập trung bảo đảm hợp vệ sinh, không có hiện tượng cạn nước vào mùa khô. Công tác kéo điện sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS đã thực hiện được 1.822 hộ, đạt 60,64% với tổng kinh phí 4,699 tỷ đồng. Các chính sách xóa đói, giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, lồng ghép các chương trình dự án trong và ngoài nước. Tính đến năm 2010, dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho đồng bào dân tộc thiểu số đạt 1,490 tỷ đồng, với 298 hộ. Tổng vốn thực hiện giải ngân Chương trình 135 giai đoạn II đến cuối năm 2010 là 27,002 tỷ đồng, đạt 72,40% kế hoạch.

Bên cạnh đó, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng không ngừng được quan tâm, chú trọng.  Huyện đã đầu tư hỗ trợ 495 con bò cái sinh sản cho 596 hộ; 3.125 kg giống lúa lai nhị ưu cho 265 hộ; 1.346 kg ngô lai cho 235 hộ; 20.000 cây cà phê cho 56 hộ; 32 dàn máy sản xuất cấp cho 32 nhóm hộ. Tổng nguồn vốn thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng, đầu tư Trung tâm cụm xã từ năm 2006 – 2010 là 22,313 tỷ đồng, thực hiện đầu tư được 17 công trình giao thông, 8 công trình thủy lợi, 11 công trình xây dựng dân dụng, 1 dự án quy hoạch với tổng mức đầu tư là 15,228 tỷ đồng. Ngoài ra, trong 5 năm qua huyện cũng đã đầu tư xây dựng 11 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, nâng cấp sửa chữa 2 công trình thủy lợi để phục vụ tưới tiêu cho 297 ha lúa 2 vụ, 70 ha cà phê với tổng kinh phí đầu tư 31 tỷ đồng.

Chương trình trợ giá, trợ cước cũng là một trong những nội dung được chú trọng nhằm giúp các hộ đồng bào DTTS nâng cao đời sống, ứng dụng KHKT, chuyển đổi cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Trong 5 năm qua, huyện Lak đã đầu tư hỗ trợ cây trồng, vật nuôi cho 2.881 hộ đồng bào DTTS tại chỗ nghèo tại các xã, buôn, thôn đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 5,597 tỷ đồng. Chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và khuyến công được triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn huyện, đã tổ chức được 345 lớp tập huấn  cho hơn 9.200 lượt nông dân tham gia, triển khai 39 mô hình và 30 cuộc hội thảo về các loại giống cây trồng, vật nuôi, chuyển giao kỹ thuật thu hút hơn 1.290 lượt nông dân tham gia.

Các mục tiêu về phát triển văn hóa, xã hội cũng đã cơ bản  đạt được các chỉ tiêu đề ra. Trong 5 năm qua, huyện Lak đã đầu tư xây dựng được 80 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho các buôn đồng bào DTTS. Công tác sưu tầm, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc Tây Nguyên được quan tâm đầu tư, các lễ hội dân tộc, hoạt động văn hóa thể thao được tổ chức thường xuyên. 100% buôn, thôn đồng bào DTTS có cán bộ y tế và được trang bị túi thuốc, tủ thuốc sơ cấp cứu  phục vụ việc khám bệnh, sơ cấp cứu ban đầu cho đồng bào.  Chính sách hỗ trợ học sinh con hộ nghèo đi học được đặc biệt quan tâm, đã hỗ trợ cho 1.924 em học sinh con hộ nghèo đi học với tổng kinh phí 9,637 tỷ đồng. Ngoài các chương trình trên, trong 5 năm 2006-2010, huyện Lak còn thực hiện  nhiều chính sách hỗ trợ khác đối với đồng bào dân tộc thiểu số như: miễn giảm học phí, miễn giảm các khoản đóng góp, hỗ trợ vở viết, sách giáo khoa, trợ cấp xã hội và học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng. Cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm viện phí và hỗ trợ tiền ăn trong suốt thời gian nằm viện...cho bệnh nhân là đồng bào DTTS theo Quyết định 139 và Nghị định 63/2005/NĐ-CP của Chính phủ.

Xuân Kiên

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.