Multimedia Đọc Báo in

Lãi vay “quay” doanh nghiệp!

18:19, 14/08/2011

Từ đầu năm đến nay, lãi suất tiền vay đồng Việt Nam liên tục tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp (DN) rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”: Mở rộng sản xuất kinh doanh cũng … dở, mà thu hẹp hoạt động cũng… chẳng xong!

Giám đốc một công ty TNHH hoạt động trong lĩnh vực cơ khí cho biết: tình trạng lãi suất ngân hàng (NH) liên tục tăng cao trong những tháng đầu năm, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp không ít khó khăn. Về phần DN, do thiếu vốn nên chỉ sản xuất cầm chừng theo kiểu có bao nhiêu đầu tư bấy nhiêu, cốt là để giữ chân người lao động vì trong lĩnh vực cơ khí tuyển được lao động thạo việc là rất khó. Cũng chính vì lãi suất NH quá cao, DN ngại vay vốn nên nhiều bạn hàng của công ty chậm thanh toán công nợ, khiến vòng quay đồng vốn chậm, DN càng khó khăn hơn. 6 tháng đầu năm, tháng nào công ty cũng lỗ hoặc may mắn lắm là hòa vốn. Để cân đối nguồn vốn, cầm cự để sản xuất, công ty ông đã phải đưa ra một số thay đổi như: không nhập nguyên liệu cho cả năm như trước mà nhập theo quý hoặc tháng, chỉ sản xuất khi có đơn đặt hàng nhằm hạn chế tối đa hàng tồn kho... “Với mức lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh trên 20%/năm như hiện nay thì ít có DN nào chịu đựng nổi vì không nhiều ngành nghề có thể kiếm được mức lợi nhuận cao hơn mức đó. Vì vậy, chỉ có những DN quá khó khăn về vốn mới dám vay vốn NH” - vị giám đốc này tâm sự. Cùng cảnh ngộ không kham nổi lãi suất tiền vay cao ngất ngưởng, giám đốc một DN tư nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh đồ gỗ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã sử dụng đến phương án “dở” nhất trong kinh doanh là thu hẹp sản xuất. Từ một DN có đến mấy chục lao động, giờ chỉ còn 2 “lao động” chính là kế toán và giám đốc, chia nhau đi thu hồi công nợ và mua bán gỗ tròn. Theo tính toán của DN này, nếu năm nay đi vay, với tỷ lệ chừng 60%-70% vốn để sản xuất kinh doanh, DN cầm chắc phần lỗ. Còn nếu dùng 100% vốn vay, chắc chắn không thể tồn tại được, bởi mọi chi phí đều tăng cao nhưng giá bán sản phẩm khó có thể tăng tương ứng. Ông giám đốc DN này than thở: “Khách hàng, thị trường đều có sẵn nhưng không dám sản xuất vì lãi suất tiền vay quá cao. Năm ngoái, vay 2 tỷ đồng với lãi suất 14%/năm nhưng lợi nhuận thu được chẳng bao nhiêu. Năm nay, lãi suất tiền vay đã vượt 20%/năm thì làm sao có lãi được!”

Không ít DN đang gặp khó khăn vì lãi suất tiền vay quá cao (ảnh minh họa)
Không ít DN đang gặp khó khăn vì lãi suất tiền vay quá cao (ảnh minh họa)

Đại diện nhiều DN cho biết: họ đã áp dụng rất nhiều biện pháp nhằm ứng phó với tình trạng thiếu vốn, như: cắt giảm chi phí, cơ cấu lại danh mục đầu tư, củng cố lại hệ thống phân phối, tích cực huy động vốn từ người thân…, song tình hình cũng chẳng cải thiện được là bao, bởi DN Dak Lak hầu hết là nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính không lớn, hoạt động chủ yếu dựa vào vốn NH. Trong bối cảnh cả nước đang tập trung kiềm chế lạm phát, việc thắt chặt tín dụng là cần thiết, song các NH cũng phải biết chia sẻ để DN có thể phát triển được, qua đó góp phần ổn định và thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững hơn. Tình trạng lãi suất tiền vay liên tục tăng trong thời gian qua khiến không ít DN lao đao, thậm chí có nguy cơ phá sản, trong khi đó, nhiều NH lại lãi rất cao, là điều bất hợp lý; cho thấy các NH chưa tích cực thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Bản chất của lãi suất là giá cả, thuộc phạm vi điều hành giá nên cần phải được quản lý chặt chẽ chứ không nên thả nổi như hiện nay. Hiện lãi suất huy động được khống chế ở mức 14%/năm, nhưng lãi suất cho vay được thả nổi, vô hình chung tạo ra kẽ hở để các NH tùy tiện tăng lãi suất cho vay. Trong tình hình hiện nay, không thể ngồi chờ các NH tự giác điều chỉnh giảm mà các cơ quan chức năng phải tính toán ngay việc khống chế lãi suất cho vay để sớm giúp DN có mặt bằng lãi suất “dễ thở” hơn. Khống chế lãi suất tiền vay không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân các DN mà còn cho cả nền kinh tế. Bởi vì, với lãi suất cao như hiện nay, không chỉ DN đang trực tiếp sản xuất ra vật chất cho xã hội gặp khó khăn, mà các NH và nền kinh tế cũng đối mặt với nhiều rủi ro. Thực tế cho thấy: khi lãi suất cao, nguồn vốn dễ bị chảy vào khu vực mang tính đầu cơ và các dự án có độ rủi ro lớn, chưa kể khả năng tạo ra hàng hóa cũng bị tác động tiêu cực sẽ gây ra nguy cơ tăng áp lực lạm phát. 

Từ đầu năm đến nay, lãi suất tiền vay bằng đồng Việt Nam tăng mạnh ở tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, đầu tháng 1-2011, lãi suất cho vay ngắn hạn nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu ở mức 12,5%-14,5%/năm; các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác 15%-18%/năm; phi sản xuất 18-20%/năm. Đến cuối tháng 6-2011, lãi suất cho vay đồng Việt Nam đối với nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu phổ biến ở mức 16,5%-20%/năm; các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác từ 18%-21%/năm; phi sản xuất từ 22%-25%/năm.

 

Trần Sáu

 


Ý kiến bạn đọc