Multimedia Đọc Báo in

Vàng đang bị làm giá?

15:32, 13/08/2011

Những ngày gần đây, giá vàng trong nước và thế giới liên tục “lồng lên” như ngựa bất kham, kỷ lục xô đổ kỷ lục. Diễn biến bất thường của giá vàng đã và đang gây xáo trộn mạnh tới thị trường được xem là rất nhạy cảm này.

Bong bóng giá vàng
Nhiều cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh cho biết: dù không đổ xô đi mua vàng như một số tỉnh thành khác, nhưng lượng khách mua vẫn áp đảo lượng khách bán ra. Tại Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Kim Ngân, lượng vàng mua vào chỉ bằng khoảng 30% số bán ra. Tương tự, tại Chi nhánh SJC Buôn Ma Thuột, mỗi ngày giao dịch khoảng vài trăm lượng, nhưng cũng chủ yếu là bán ra. Ở một số tiệm vàng khác, khách hàng đến dò giá để mua vào là chính. Ông Nguyễn Thanh Sơn (TP. Buôn Ma Thuột), vừa rút tiền tiết kiệm mua 50 lượng vàng với giá trên 45 triệu đồng/lượng cho biết, nghe mọi người nói giá vàng sẽ còn tiếp tục lên cao nên mua vàng cất trữ, chờ lên giá bán kiếm lời(!)

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), từ đầu tháng 7-2011 đến nay, giá vàng thế giới liên tục tăng, từ 1.494 USD/ounce (ngày 01-7-2011) đã lên 1.716 USD/ounce (ngày 8-8-2011). Nguyên nhân do lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công tại Mỹ và Châu Âu. Đặc biệt là việc Standard & Poor’s (S&P) hạ mức xếp hạng tín nhiệm nợ công của Mỹ đã khiến giá vàng thế giới lập mức kỷ lục mới. Cùng với biến động của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng tăng theo. Tuy nhiên, nếu như trước đây, tốc độ tăng của giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới, thì từ đầu tháng 8-2011 đến nay lại ngược lại, giá vàng trong nước tăng đột biến và có thời điểm cao hơn giá vàng thế giới. Lợi dụng tình hình này, giới đầu cơ trên thị trường vàng trong nước cũng tiến hành đầu cơ, làm giá để trục lợi, gây tâm lý bất ổn trong nhân dân. Còn theo giới kinh doanh vàng, giá vàng trong nước tăng cao một phần vì giá vàng thế giới tăng đột biến, song cũng không loại trừ khả năng vàng đang bị một số đơn vị “thổi giá”. Mấy ngày gần đây, giá vàng tăng giảm loạn xạ nhưng lực mua bán không đáng kể. “Đó chỉ là giá ảo. Bởi vì, khi thị trường tăng giá, các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng phải tăng theo để bảo đảm an toàn hệ thống, chứ không phải vì giao dịch tăng. Bằng chứng là giá tăng rất nhanh rồi giảm chớp nhoáng trong vòng vài giờ đồng hồ, trong khi đó, tình hình giao dịch vẫn khá trầm lắng, không có tình trạng tranh mua bằng mọi giá” - chủ một cơ sở kinh doanh vàng cho biết. Còn một nguyên nhân nữa có thể tác động làm giá vàng tăng cao là do các doanh nghiệp trong nước đã tập trung xuất khẩu vàng từ mấy tháng trước nên dẫn đến tình trạng cầu lớn hơn cung. Vì thế, khi giá vàng thế giới đột ngột tăng cao buộc họ phải nâng giá lên để giữ quỹ vàng. Động thái này khiến những người không có kinh nghiệm, thiếu kiến thức về thị trường vàng nhầm lẫn vàng đang tăng giá.

 Khách hàng mua vàng tại Chi nhánh Ngân hàng NN& PTNT Kim Ngân.
Khách hàng mua vàng tại Chi nhánh Ngân hàng NN& PTNT Kim Ngân.
Giảm “sức nóng” từ vàng: cần đồng bộ trong điều hành
Đặc điểm của thị trường vàng  Việt Nam khác với thế giới, đó là chủ yếu giao dịch vàng vật chất, không có vàng kinh doanh trên tài khoản. Giao dịch bằng vàng vật chất phải thanh toán tiền đầy đủ, trong khi vàng tài khoản chỉ cần thanh toán trước 7%.  Vì vậy, một khi nhiều người cùng đổ xô vào mua vàng rất dễ dẫn đến tình trạng đồng loạt rút tiền gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng, nếu điều này không được ngăn chặn kịp thời, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc huy động, cho vay nền kinh tế. Chính vì thế, yêu cầu cấp bách hiện nay là phải điều hành chính sách vĩ mô về lãi suất tiết kiệm, cho vay, tỷ giá… một cách đồng bộ.

Từ đầu năm đến nay, trước tình trạng “chảy máu” vàng, đã có nhiều ý kiến cho rằng NHNN nên mua vàng để bình ổn thị trường khi cần thiết. Tuy nhiên, mặc cho vàng “xuất ngoại”, ứng xử của nhà điều hành vẫn là chờ doanh nghiệp xuất khẩu vàng bán lại ngoại tệ cho mình. Vì thế, đến khi nguồn cung bị hạn chế, cơ quan quản lý gần như trở tay không kịp, thị trường trở nên hỗn loạn, cung cầu mất cân đối. Trong cuộc chơi này, phần thua thiệt chắc chắn thuộc về những người đầu cơ theo tâm lý bầy đàn. Với quyết định cho nhập khẩu vàng mà NHNN vừa đưa ra, có thể giá vàng sẽ hạ nhiệt. Nhưng cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ phải cân nhắc kỹ bởi nếu cho nhập vàng sẽ gây áp lực lên tỷ giá và nhập siêu. Trong mấy ngày gần đây, giá USD và vàng gần như song hành về tốc độ tăng. Đầu tháng 8, tỷ giá ở mức 20.610 VNĐ/USD thì đến ngày 8-8 đã tăng lên 20.800 VNĐ/USD. Nhập siêu trong tháng 7 vừa qua đã giảm nhưng chưa bền vững, bởi kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so với nhập khẩu là do xuất vàng. Nay nếu lại cho nhập vàng, có khả năng nhập siêu sẽ tăng trở lại, đe dọa mục tiêu bình ổn kinh tế vĩ mô. Hơn nữa, trong nhiều năm qua, cứ mỗi lần giá vàng có biến động lớn, dường như cơ quan điều hành chính sách chỉ sử dụng phương thức cấp giấy phép nhập vàng để hạ nhiệt thị trường, mà chưa có giải pháp căn cơ nào khác.

Với hiện tượng làm giá khá trắng trợn trong mấy phiên gần đây, thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần giám sát chặt hơn thị trường vàng để giá vàng phản ánh đúng thực tế cung cầu. Trong trường hợp cần thiết, nên bỏ giấy phép xuất nhập khẩu,  áp dụng chế độ tự do đối với xuất nhập khẩu vàng như nhiều nước trên thế giới đã làm. Như vậy, một mặt sẽ tạo ra được sự cân bằng giữa giá trong nước và quốc tế, mặt khác hiện tượng xuất nhập khẩu vàng lậu sẽ không tồn tại. Điều này góp phần làm giảm nhập siêu, Nhà nước vẫn thu được thuế, ngân hàng vẫn quản lý được nguồn thu ngoại tệ, trong khi hoạt động doanh nghiệp sẽ minh bạch hơn.

Lê Ngọc

Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.