Multimedia Đọc Báo in

Những con đường hình thành từ sức dân

07:29, 22/08/2011

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những năm gần đây, người dân phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) đã tự nguyện đóng góp tiền của và ngày công để xây dựng nhiều công trình giao thông liên thôn thông thoáng, sạch đẹp.

Phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột), hiện có 5.325 hộ, 22.483 khâu, với 12 dân tộc anh em sinh sống; đời sống của đại đa số người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm trước đây, hệ thống đường giao thông dẫn vào các tổ dân phố (TDP) của phường hầu hết là đường đất, mùa nắng thì bụi mù mịt, mùa mưa thì nhiều đoạn lầy lội gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại; vận chyển hàng hóa nông lâm sản… Trước tình trạng trên, nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đi lại của bà con, lãnh đạo địa phương đã tranh thủ nguồn đầu tư của Nhà nước và vận động nhân dân đóng góp tiền của tu sửa, nâng cấp hệ thống đường giao thông trong phường. Nhờ vậy, hệ thống giao thông nông thôn ở địa phương đã và đang được đầu tư xây dựng thông thoáng, sạch đẹp. Trong vòng 7 năm (từ năm 2004 đến nay), cùng với sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, phường đã vận động nhân dân đóng góp trên 2 tỷ đồng để xây dựng nhiều công trình có giá trị như đường giao thông liên TDP 1, 2, 3, 4; đường TDP 8, 11, 12, 13  và các trục đường tại buôn ERang.

Người dân TDP 3 tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Người dân TDP 3 tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Tính riêng năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011 đã có 3 con đường vào các khu dân cư ở TDP 12, 15 và 3 đã được nhựa, bê tông hóa với tổng chiều dài hơn 1.155 m, với tổng kinh phí do nhân dân đóng góp hơn 600 triệu đồng. Tháng 5-2011, tại TDP 3 đã khởi công xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn, chiều dài 300 m, rộng 3 m, mặt đổ nhựa, tổng kinh phí xây dựng hơn 100 triệu đồng, số tiền này do 23 hộ dân sinh sống hai bên tuyến đường đóng góp. Đặc biệt, con đường liên xã nối liền giữa xã Hòa Xuân với phường Khánh Xuân do nhân dân TDP 12 đóng góp tiền của và ngày công xây dựng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2010, tổng chiều dài gần 500 m, tổng kinh phí trên 30 triệu đồng. Dẫu mới chỉ là những con đường giao thông ở vùng nông thôn nhưng nó đã tạo điều kiện thuận tiện trong việc đi lại, học hành, sản xuất, giao thương kinh tế, vận chuyển hàng hóa nông sản… mang lại niềm vui cho người dân địa phương. Ông Nguyễn Văn Ân (Tổ trưởng TDP 3) là người dân đã sống ở đây lâu năm hồ hởi nói: “Chúng tôi rất vui vì đường sá ngày càng thông thoáng, sạch đẹp, bà con đi lại, chở nông sản thuận lợi hơn”. Bên cạnh tự góp tiền làm đường giao thông, người dân còn góp tiền của và vật dụng khác như dây điện, bóng đèn chiếu sáng… lắp đặt dọc hai bên các tuyến đường trong phường để thắp sáng vào ban đêm, góp phần hạn chế tình trạng tai nạn giao thông diễn ra trên đường làng, ngõ xóm.

Ông Nguyễn Hữu Danh, Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân cho biết, nhờ sự đầu tư của Nhà nước và nguồn lực tại chỗ của nhân dân, hệ thống đường giao thông nông thôn ở phường đã được nâng cấp, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế địa phương cũng như việc đi lại của người dân. Điều đáng mừng là khi kêu gọi người dân cùng góp công sức, tiền của để làm đường thì đã được mọi người hưởng ứng nhiệt tình và sẵn sàng tham gia, kể cả việc hiến đất... mà không đòi hỏi một sự đền bù nào.”.

Thế Hùng

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.