Nuôi bò vỗ béo giúp nông dân thoát nghèo bền vững
10 năm trước, nguồn thu nhập chính của người dân thôn Chư Cúc (xã Ea Kmút, Ea Kar) chủ yếu từ việc đi lấy măng trong rừng, nên còn có tên gọi là xóm măng. Người dân nơi đây cho biết cứ khoảng 3-4 giờ sáng mỗi ngày, hàng chục hộ mang dao, cuốc, xà beng vượt gần 30 km sang những cánh rừng ở xã Ea Sô hái măng đem ra chợ bán. Vất vả, thu nhập chỉ được 50.000-70.000 đồng/ngày, nhưng nhiều người vẫn phải làm. Công việc này diễn ra mấy tháng mùa mưa, còn lại thì ai kêu gì làm nấy. Trước tình hình đó, để giúp các hộ từng bước thay đổi nhận thức từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún chuyển sang sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng, năm 2005 Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar đã xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt tại thôn Chư Cúc, với sự tham gia của 5 hộ. Ông Hoàng Công Nhiên, nguyên cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar nhớ lại, đất của thôn Chư Cúc cằn cỗi, diện tích ít (mỗi hộ khoảng 3.000 m2) là bài toán khó cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng-vật nuôi. Sau nhiều lần khảo sát, tham khảo ý kiến của người dân và đánh giá nhu cầu thị trường, Trạm Khuyến nông quyết định chọn nuôi bò vỗ béo để giúp bà con phát triển kinh tế.
Người dân tham quan mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình chị Trần Thị Hà (thôn Chư Cúc, xã Ea K'mút, huyện Ea Kar). |
Thực ra lâu nay bà con vẫn nuôi bò, nhưng là giống địa phương và chăn thả ngoài đồng, với quy mô 1-2 con nên hiệu quả kinh tế không cao. Cùng với tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn về phương pháp chăm sóc, vỗ béo bò thịt; chế biến một số loại thức ăn bổ sung và các biện pháp phòng bệnh cho đàn bò, đến nay 100% số hộ đã áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc, quản lý đàn bò. Bên cạnh việc bổ sung thức ăn tinh, các hộ đã tận dụng sản phẩm phụ nông nghiệp sẵn có để dự trữ và chế biến các loại thức ăn, đặc biệt là dành một phần đất trồng một số loại cây thức ăn giàu đạm và các loại cỏ cao sản để khắc phục tình trạng thiếu thức ăn xanh. Ban đầu chỉ có 5 hộ triển khai áp dụng, nhưng sau khi thấy hiệu quả kinh tế của chăn nuôi bò vỗ béo khá rõ rệt, nhiều hộ đăng ký tham gia câu lạc bộ. Hiện nay, toàn thôn có 18 hộ chăn nuôi theo hướng này, bình quân mỗi hộ nuôi từ 7-8 con.
Cũng như nhiều hộ trong thôn, vợ chồng chị Trần Thị Hà từng phải vào rừng đào măng gần 10 năm ròng. Năm 2006, nhận thấy các hộ trong thôn nuôi bò vỗ béo có thu nhập cao, vợ chồng quyết định đầu tư toàn bộ số tiền ít ỏi tích góp được nuôi bò thịt vỗ béo. Nhờ áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là kết hợp với các loại thức ăn tổng hợp, nên đàn bò tăng trọng nhanh, trung bình một tháng lãi ròng hơn 1 triệu đồng/con. Nhờ đó, sau vài lứa bò thịt vỗ béo, gia đình chị đã thoát nghèo. Tiền lãi từ nuôi bò, cộng thêm thu nhập từ nhiều nguồn khác, cuối năm 2009, vợ chồng chị Hà đã xây được căn nhà trị giá gần 300 triệu đồng. Chị Hà vui mừng nói: “Nuôi bò thịt vỗ béo mỗi lứa chỉ mất từ 3-5 tháng. Thời gian chăn nuôi ngắn, nguồn vốn quay vòng nhanh và độ rủi ro cũng thấp hơn so với nuôi bò theo cách truyền thống, nhất là trong tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, muốn bò tăng trọng nhanh, người nuôi cần chủ động nguồn thức ăn cho bò, đặc biệt là cỏ tươi vì trung bình mỗi con bò vỗ béo cần 1 kg tinh bột và 20 kg cỏ mỗi ngày”. Về đầu ra của sản phẩm, ông Nguyễn Đăng Cường, Chủ nhiệm câu lạc bộ nuôi bò vỗ béo thôn Chư Cúc khẳng định: “Thương hiệu bò vỗ béo Ea Kar đã được khẳng định trên thị trường. Hiện nay, cung không đủ cầu và giá bán của bò thịt khá ổn định. Đây là thế mạnh để bà con nông dân yên tâm gắn bó với nuôi bò vỗ béo.”.
Ý kiến bạn đọc