Multimedia Đọc Báo in

Xuất hiện 16 loài dịch hại trên cây cà phê

08:55, 10/08/2011

Dak Lak là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất nước với trên 190.000 ha, trong đó có gần 180.000 ha cà phê kinh doanh. Tuy nhiên hiện nay do độ ẩm không khí và đất trong đầu mùa mưa tăng cao làm xuất hiện nhiều dịch bệnh gây hại trên cây cà phê.

 

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Dak Lak, tình trạng sâu bệnh hại cây trồng trong tỉnh đang ở mức báo động, đặc biệt là trên cây cà phê. Bệnh rệp sáp hại quả chiếm tỷ lệ khá cao từ 10- 25%; rệp sáp mềm xanh 10- 20%; bệnh gỉ sắt 10- 25%; bệnh thối rụng quả từ 4- 17%… tập trung nhiều nhất tại các huyện Cư M’gar, Ea Súp, Krông Ana, Lak, M’Drak, Ea Kar, Krông Bông… Tình hình trên chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng cà phê trong vụ 2011. Theo phản ánh của nhiều người trồng cà phê trong tỉnh, do thời tiết năm nay có nhiều biến động, hạn hán kéo dài, mùa mưa đến sớm dẫn đến độ ẩm cao (từ 80- 85%) nên tỷ lệ sâu bệnh trên cây cà phê hiện tăng lên 25- 30% (năm 2010 là 15- 20%).

 

s
Tăng cường các biện pháp chăm sóc cây cà phê sẽ giúp phòng tránh phát sinh mầm sâu bệnh hại cây.
Chi cục Bảo vệ thực vật Dak Lak cũng cho biết, đã phát hiện 16 loài dịch hại, tập trung ở 12 họ của 6 bộ côn trùng, trong đó có những loài sâu hại thường xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây cà phê như rệp sáp mềm xanh, rệp sáp hại quả, rệp sáp hại rễ, rệp muội, sâu đục thân, mọt đục cành và quả cà phê. Bên cạnh đó, từ năm 2005 đến nay, dịch ve sầu hại trên cây cà phê đang có xu hướng tăng khá mạnh và lan rộng khắp trên tất cả các địa phương trong tỉnh. Nặng nhất là tại các huyện Krông Buk, Krông Pak, Cư M’gar, Buôn Đôn, Krông Năng và TP. Buôn Ma Thuột, hàng ngàn ha cà phê đang ngày ngày bị ve sầu phá hoại, với mật độ tại các vùng biến động từ 85- 92 con/gốc cà phê, tỉ lệ cây bị hại chiếm 94,3%. Riêng trong thời điểm từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2010, một số vùng còn bị dịch ve sầu phá hoại với mật độ từ 500 đến 800 con/gốc cà phê.

Trước tình trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh đã cảnh báo trong mùa mưa năm nay, tình trạng sâu bệnh vẫn có nguy cơ tăng cao, nhiều loại cây trồng rất có khả năng mất trắng. Vì vậy bà con cần sớm phun thuốc phòng ngừa, tăng cường các biện pháp chăm sóc cà phê hợp lý để tăng sức kháng sâu bệnh cho cây và tránh lây lan ra diện rộng.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc