Cuộc chiến giành thị phần cà phê
Chỉ còn hơn một tháng nữa là Tây Nguyên bước vào vụ thu hoạch cà phê năm 2011. Các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang ráo riết chuẩn bị cho một cuộc chiến thương trường không khoan nhượng nhằm chiếm lĩnh thị phần cà phê xuất khẩu.
Thế thượng phong rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài
Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh cho biết, hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài đến Tây Nguyên thu mua cà phê đều thắng lợi bởi vì họ có sự đồng nhất cao trong mua và bán. Hơn 10 doanh nghiệp nước ngoài vài năm nay đã thâm nhập mạnh vào thị trường cà phê Tây Nguyên; năm 2010 các doanh nghiệp nước ngoài đã thâu tóm khoảng 60% thị phần cà phê trên địa bàn tỉnh Dak Lak. Việc các doanh nghiệp nước ngoài nhanh chóng nắm thế thượng phong trong thu mua cà phê, theo ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất khẩu Cà phê Tây Nguyên lý giải thì các doanh nghiệp nước ngoài chỉ phải trả lãi suất ngân hàng là 3,5%/năm, trong khi các doanh nghiệp trong nước phải chịu lãi suất 25%/năm (cao gấp 6 lần); chính vì vậy doanh nghiệp nước ngoài “mạnh” vốn hơn doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp trong nước, để mua được 100 tấn cà phê nhân thì mất một khoản đầu tư không nhỏ: bình quân khoảng 80 triệu đồng/ha (đầu tư chăm sóc, tưới, phân bón..) (năng suất bình quân 4 tấn nhân/ha) trong khi đó các doanh nghiệp nước ngoài không phải bận tâm với các khoản trên. Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia thu mua cà phê đều xác định khá chính xác tổng diện tích, năng suất… ở mỗi khu vực; thậm chí họ biết khá rõ về cách thức thu mua cà phê của các doanh nghiệp trong nước để đi trước một bước.
Điều nghịch lý khác là, khi bước vào vụ thu hoạch cà phê, các doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực vốn mạnh đã gom hàng ồ ạt và khá nhanh chóng hoàn thành chỉ tiêu. Trong khi đó, theo các nhà doanh nghiệp trong nước, thời điểm thu hoạch rộ cà phê ở Tây Nguyên cũng là thời điểm mà các ngân hàng thắt chặt việc cho vay tín dụng và lãi suất lại tăng cao; dẫn đến các doanh nghiệp trong nước không đủ tiền thu mua hàng. Và tất nhiên, những lô hàng mà các doanh nghiệp trong nước chưa kịp mua sẽ về tay của các doanh nghiệp nước ngoài. Chính vì thế, không ít các doanh nghiêp xuất nhập khẩu cà phê trong nước buộc phải mua vào với giá cao hơn xuất đi bởi lẽ nguồn cà phê đã bị các doanh nghiệp nước ngoài gom hết, buộc các doanh nghiệp trong nước phải chạy đua theo sau để có hàng giao theo hợp đồng đã ký.
Nông dân thu hoạch cà phê niên vụ 2010-2011. |
Bị các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh thu mua cà phê, không ít doanh nghiệp trong nước đã lâm vào cảnh bị động và bể hợp đồng vì thiếu hàng.
Qua tìm hiểu của chúng tôi tại một số đại lý thu mua cà phê ở huyện Krông Pak thì được biết, hầu hết các đại lý ở đây đều cho rằng các doanh nghiệp nước ngoài mua bán sòng phẳng hơn doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp nước ngoài mua hàng với số lượng lớn và mua tới đâu, thanh toán tiền sòng phẳng dứt điểm đến đó; không chậm thanh toán tiền như các doanh nghiệp trong nước.
Ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất khẩu Cà phê Tây Nguyên cho biết: Năm 2010, công ty thu mua được 140.000 tấn cà phê, năm 2011 dự đoán cao lắm cũng chỉ thu mua được 100.000 tấn. Cũng theo ông Tiến, việc các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thu mua cà phê trước mắt có thể có lợi cho người sản xuất song không loại trừ khả năng một khi các doanh nghiệp nước ngoài nắm toàn bộ thị trường cà phê sẽ quay trở lại ép giá nông dân. Việc các doanh nghiệp nước ngoài trả giá cao hơn thị trường để nhanh chóng gom hàng đã kích thích người dân và đại lý đua nhau bán nên khi giá vượt trội tới ngưỡng cao nhất thì nông dân hết hàng.
Các chuyên gia hàng đầu về xuất khẩu cà phê ở Dak Lak cho rằng các doanh nghiệp thu mua cà phê trong nước có nguy cơ sẽ bị phá sản trong một vài năm tới vì sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp nước ngoài. Đáng lo ngại hơn là khả năng sau khi “đánh bại” các doanh nghiệp trong nước để thâu tóm thị trường cà phê Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ ép giá cà phê Việt Nam rớt xuống mức thấp nhất làm cho nông dân cũng phải khốn đốn theo.
Để cải thiện tình hình ảm đạm của ngành xuất khẩu cà phê, các chuyên gia đầu ngành cà phê nhận định: Việc trước tiên là giải ngân vốn kịp thời, hỗ trợ vốn với lãi suất vừa phải; đồng thời Chính phủ cần đưa ra chính sách mua tạm trữ cà phê đúng thời điểm… góp phần giúp doanh nghiệp trong nước không lâm vào tình trạng vừa chống đỡ với giá vừa chống đỡ với lãi suất ngân hàng mà vẫn không thu mua đủ số lượng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cà phê trong nước cũng cần xây dựng được vùng nguyên liệu cà phê bền vững, tăng cường củng cố lại hệ thống thu mua…
Ý kiến bạn đọc