Multimedia Đọc Báo in

Quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột: Cần một chiến lược “dài hơi” (Kỳ 1)

09:19, 12/09/2011

Là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cà phê, Dak Lak xác định: sản xuất và thương mại cà phê luôn là mũi nhọn trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Nhằm bảo hộ quyền lợi chính đáng cho người sản xuất và người tiêu dùng, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm tham gia thị trường trong nước cũng như thị trường thế giới, từ năm 2005, tỉnh đã đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân và đã được Bộ Khoa học - Công nghệ đăng bạ xuất xứ, ghi nhận tên gọi xuất xứ Buôn Ma Thuột là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ.

Quảng bá sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.
Quảng bá sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.
 Kỳ 1: Định vị thương hiệu

Xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho sản phẩm nông sản được xem là một hướng đi có hiệu quả nhằm bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị cho hàng Việt Nam. Sau khi đã xác lập được quyền bảo hộ CDĐL cho sản phẩm, nhiệm vụ bức thiết là xây dựng và vận hành có hiệu quả hệ thống quản lý để phát huy giá trị và bảo đảm quyền sử dụng hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện sử dụng CDĐL.

Cộng đồng sản xuất, kinh doanh cà phê góp sức quản lý, phát triển CDĐL
Được sự hỗ trợ của “Chương trình Hỗ trợ tài sản trí tuệ Quốc gia”, Dak Lak đã triển khai thực hiện Dự án “Hỗ trợ và phát triển CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột”. Đây là dự án điểm, khởi đầu cho việc đưa Luật SHTT vào thực tiễn. Dưới sự chủ trì của Sở Khoa học - Công nghệ, Dự án đã tiến hành các bước thiết lập hệ thống tổ chức quản lý chất lượng và thương mại nhằm phát triển, quảng bá CDĐL, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê mang CDĐL Buôn Ma Thuột. Một trong những nội dung đầu tiên là thành lập tổ chức tập thể các nhà sản xuất kinh doanh sản phẩm mang CDĐL - đó là Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Buonmathuot Coffee Association) - nhằm đưa CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột thực sự trở thành một tài sản trí tuệ có giá trị phục vụ trước hết cho lợi ích của cộng đồng sản xuất và kinh doanh cà phê trong vùng địa danh. Với sự tham gia của gần 100 thành viên, trong đó có nhiều doanh nghiệp cà phê hàng đầu của tỉnh, Hiệp hội đang tổ chức, phối hợp có hiệu quả các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh cà phê nhân Robusta, phát triển CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột trên thị trường trong và ngoài nước; tham gia cùng cơ quan Nhà nước trong việc quản lý, phát triển CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột. Đây chính  là cơ hội để cộng đồng sản xuất, kinh doanh (SXKD) cà phê góp tiếng nói chung về phát triển tài sản trí tuệ địa phương và cùng hưởng lợi từ tài sản quý giá này. Ông Trần Ngọc Phước, quyền Giám đốc Công ty Cà phê TNHH MTV Cà phê Tháng 10 cho biết: “Với vai trò là một đơn vị sản xuất, là thành viên của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột và cũng là một trong những đơn vị được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân robusta, đơn vị sẽ thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ cũng như trách nhiệm thành viên, trách nhiệm với cộng đồng SXKD cà phê để góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột. Những nỗ lực của đơn vị trong việc sản xuất cà phê có chứng nhận kiểm tra theo tiêu chuẩn UTZ cũng chính là việc làm cụ thể và tích cực nhất để góp phần không ngừng nâng cao phẩm chất Cà phê Buôn Ma Thuột. ”

Theo TS. Trịnh Đình Minh, Phó Giám đốc Sở KH-CN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Chủ nhiệm Dự án “Hỗ trợ và phát triển CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột”: việc quản lý và phát triển CDĐL là một vấn đề mới mẻ, phức tạp, đòi hỏi sự đầu tư lớn về công sức, trí tuệ, thời gian, kinh phí cũng như sự tham gia phối hợp của nhiều ban ngành liên quan. Để bảo đảm tính an toàn và hiệu quả trong quá trình thực hiện, dự án chỉ tiến hành từng bước  với quy mô thí điểm áp dụng cho một khu vực nhỏ thuộc vùng CDĐL. Vùng địa danh rộng hơn 100 ngàn ha, nhưng mới triển khai thí điểm ở quy mô nhỏ, sau đó trên cơ sở đánh giá tổng kết sẽ mở rộng dần quy mô áp dụng trên toàn vùng. Khi Dự án thành công, các đối tượng hưởng lợi trực tiếp sẽ được sử dụng các kết quả cụ thể: hướng dẫn và giám sát thực hiện các quy trình từ sản xuất đến khi đưa ra thị trường với chất lượng bảo đảm; sử dụng lô gô, tem, nhãn sản phẩm, bao bì sản phẩm do dự án xây dựng nên chứng nhận đáp ứng yêu cầu về chất lượng; được hỗ trợ trong việc sản xuất, tiêu thụ thông qua các kênh thương mại do dự án xây dựng; được pháp luật bảo vệ khi quyền và lợi ích bị xâm phạm…Người tiêu dùng cũng được hưởng lợi gián tiếp, đó là được sử dụng sản phẩm cà phê mang CDĐL Buôn Ma Thuột đúng nguồn gốc và có chất lượng bảo đảm.  Thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát việc cấp quyền sử dụng CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột cho các tổ chức sản xuất kinh doanh có đủ điều kiện và đẩy mạnh việc tập huấn phổ biến về CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột đến các hộ nông dân trồng cà phê trong tỉnh.

Thu hoạch Cà phê trong vùng CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột.
Thu hoạch Cà phê trong vùng CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột.

Tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm Cà phê Buôn Ma Thuột
Sau khi được cấp Chứng nhận đăng bạ về công nhận và bảo hộ CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Dak Lak đã ban hành Quy chế quản lý, sử dụng CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột đối với sản phẩm cà phê nhân Robusta sản xuất trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất cà phê nhân mang thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột phải nằm trong vùng địa danh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ, gồm: Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Ana, Cư Kuin, Krông Bông, Krông Năng, Krông Pak, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột. Về điều kiện thổ nhưỡng, đất trồng cà phê phải là đất đỏ bazan; địa hình có độ cao so với mặt biển từ 400- 800m; có biên độ giao động ngày đêm từ tháng 9 đến tháng 10 là 11,3oC trở lên, từ tháng 11 đến tháng 12 là 13,5oC trở lên... Về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và chế biến: sản phẩm cà phê nhân phải được thực hiện toàn bộ các công đoạn chế biến khép kín (sơ chế, phơi, sấy, đánh bóng, phân loại, đóng gói) trong vùng địa danh; sản phẩm cà phê nhân được thực hiện một phần các công đoạn chế biến nằm trong vùng địa danh hoặc chế biến ở ngoài vùng địa danh phải truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu từ vùng địa danh mang thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột. Đặc thù chất lượng sản phẩm mang thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột phải đảm bảo các đặc tính cơ bản: màu xanh xám, xanh lục hoặc xám lục nhạt; kích thước hạt dài 10 -11mm, rộng 6 - 7mm, dày 3 - 4mm; khi rang đến độ chín thích hợp có hương thơm đặc trưng của cà phê; vị nước cà phê có vị đắng, dịu, nhẹ, không chát; hàm lượng cafein từ 2- 2,2% chất khô; phân loại chất lượng cà phê theo tiêu chuẩn TCVN 4193 – 2005.
Với giá trị tổng sản lượng chiếm tỷ trọng khoảng 2% GDP, ngành cà phê đã có đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, là nguồn thu nhập chủ yếu của hàng trăm nghìn hộ nông dân trồng cà phê, góp phần quan trong trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị-xã hội tại nhiều địa phương. Tuy vậy, thực tế phần tăng lên về giá trị của cà phê Việt Nam nói chung và Dak Lak nói riêng không tương xứng với thị phần mà nó chiếm lĩnh trên thị trường thế giới. Do đó, tổ chức sản xuất cà phê theo CDĐL Buôn Ma Thuột trong cộng đồng doanh nghiệp và người trồng cà phê chính là yếu tố tiên quyết để nâng cao giá trị của sản phẩm cà phê . Khảo sát của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột bước đầu đã xác nhận một số cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn đáp ứng các điều kiện theo quy chế và đã tiến hành làm các thủ tục cần thiết đề nghị Sở Khoa học - Công nghệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL. Đến nay, đã có 8 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân Robusta (hiệu lực 3 năm), với tổng diện tích trên 8.852 ha và tổng sản lượng cà phê đạt 26.047 tấn/năm. Đây là những doanh nghiệp cà phê đáp ứng các tiêu chí sản xuất cà phê có trách nhiệm, có hệ thống quản lý chất lượng đạt chuẩn quốc tế, có uy tín trong xuất khẩu cà phê. Sản phẩm cà phê có chứng chỉ chất lượng quốc tế của các doanh nghiệp như Công ty Cà phê Thắng Lợi, Công ty Cà phê Phước An, Công ty TNHH MTV XNK 2-9 …được cung cấp trực tiếp đến nhà rang xay hàng đầu với giá cao gần gấp đôi giá thị trường.

Buôn Ma Thuột chính thức được xem như thủ phủ cà phê của cả nước từ khi sự kiện CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột là tài sản quốc gia được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn công bố tại Lễ hội Cà phê lần thứ nhất năm 2005. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được đưa vào một trong những hoạt động trọng điểm của Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia đã thu hút sự quan tâm, ủng  hộ tích cực của cộng đồng SXKD cà phê. Qua 3 lần tổ chức, số lượng đơn vị, tổ chức tham gia đã tăng gấp đôi, trong đó có đông đảo doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài. Thương hiệu  Cà phê Buôn Ma Thuột đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng, góp phần nâng cao vị thế Cà phê Buôn Ma Thuột trên thị trường trong nước cũng như thế giới.

Tên gọi xuất xứ cà phê Buôn Ma Thuột (nay là chỉ dẫn địa lý) được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận đăng bạ số 0004, theo Quyết định 806/QĐ-SHTT ngày 14-10-2005, công nhận và bảo hộ quốc gia chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột đối với sản phẩm cà phê nhân Robusta.

Theo Luật sở hữu trí tuệ: Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột là tài sản quốc gia, do UBND Dak Lak là chủ sở hữu. Sở Khoa học và Công nghệ Dak Lak là cơ quan được UBND tỉnh ủy quyền quản lý và cấp quyền sử dụng.

Nhóm PV

 

 


Ý kiến bạn đọc