Thu mua cà phê xuất khẩu gặp khó: Giải pháp nào cho doanh nghiệp trong nước?
Câu chuyện nhãn hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, Cà phê Dak Lak bị hai doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ độc quyền tại nước họ và một số nước khác đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ gặp trở ngại xuất khẩu ra thế giới. Trong lúc đó, các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đang gặp khó khăn trong việc thu mua cà phê xuất khẩu vì bị doanh nghiệp nước ngoài tranh mua.
Sẽ mất thị trường sân nhà?
Theo Sở Công Thương cho biết, 10 tháng đầu niên vụ 2010 - 2011, toàn tỉnh có 12 DN xuất khẩu được 223.407 tấn cà phê ra 51 nước và vùng lãnh thổ. Trong lúc đó, hiện có 6 DN vốn đầu tư nước ngoài đang thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh gồm: Công ty Dakman, Công ty Amazaro Việt Nam, Chi nhánh Công ty Newman Group, Chi nhánh Công ty Olam Việt Nam, Chi nhánh Công ty Hà Lan Việt Nam và Chi nhánh Công ty Vĩnh An. Năm tháng đầu năm 2011, các DN nói trên đã thu mua khoảng 195.000 tấn cà phê. Ông Võ Thanh, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Hiện các DN nước ngoài vẫn thực hiện đúng Nghị định 23/2007 của Chính phủ và chưa phát hiện DN nào thu mua trực tiếp từ người nông dân (theo Nghị định 23, DN nước ngoài chỉ được thu mua cà phê thông qua các DN hoặc đại lý của người Việt Nam)”.
Toàn tỉnh có khoảng 180.000 ha cà phê và sản lượng bình quân đạt 400.000 tấn nhân xô/niên vụ. Hiện nay, chưa tới nửa niên vụ nhưng gần 1/2 sản lượng cà phê Dak Lak đã rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài và DN của tỉnh sẽ thiếu hàng xuất khẩu là điều chắc chắn. Ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển cà phê An Thái, cho rằng: “Trước mắt, các DN nước ngoài tranh mua cà phê sẽ tạo ra sự cạnh tranh và người dân được hưởng lợi về giá. Hầu hết các DN trong tỉnh đều phải vay ngân hàng để thu mua cà phê, trong lúc đó tỷ suất lợi nhuận xuất khẩu cà phê chỉ đạt khoảng 0,05%/lần quay vốn (một DN nhiều nhất cũng chỉ đạt 10 lần quay vốn/năm - PV) và lãi suất ngân hàng đang cao nên làm DN trong tỉnh gặp khó khăn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ đẩy nhiều DN trong tỉnh rơi vào nguy cơ phá sản vì không thể cạnh tranh nổi với DN nước ngoài.”
Cả Hiệp hội Cà phê - Ca cao lẫn các DN xuất khẩu cà phê trong nước đều nhận ra nguy cơ khi DN nước ngoài (có vốn lớn, lãi suất vay USD chưa tới 6%/năm - PV) tranh mua hết nguyên liệu, ép DN trong nước phải phá sản và độc chiếm thị trường. “Khi họ độc chiếm thị trường, sẽ quay lại ép giá người dân và thao túng ngành cà phê nước ta”, ông Nguyễn Xuân Lợi cảnh báo.
Chế biến cà phê xuất khẩu. |
Mặc dù các DN trong nước gặp khó khăn trong việc thu mua cà phê chủ yếu là do thiếu vốn, song theo một số chuyên gia thì nguyên nhân sâu xa vẫn là những tồn tại trong cơ chế quản lý. Ông Phan Trọng Hiền, Giám đốc Nhà máy cà phê Chi nhánh Công ty Olam Việt Nam tại Dak Lak cho rằng: “Trước đây, các DN trong nước xuất khẩu theo hình thức ủy thác, vốn Nhà nước và độc quyền về giá nên lợi nhuận đạt cao nhưng nông dân lại bị thiệt. Khi gia nhập WTO, những yếu kém nội tại trên mới phát sinh. Tỷ suất lợi nhuận xuất khẩu mặt hàng cà phê rất thấp (khoảng 0,05%), trong lúc bộ máy các DN trong nước lại cồng kềnh, tốn nhiều chi phí cho nhân lực và sản xuất, vì thế lợi nhuận sẽ càng thấp và thiếu vốn tái đầu tư.” Trước tình trạng đó, một số DN trong nước muốn tồn tại đã phải cải tổ bộ máy, chuyển từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu tinh mới cạnh tranh nổi với DN nước ngoài. Những năm trước 2001, Công ty Cổ phần Đầu tư – Phát triển Cà phê An Thái cũng tham gia xuất khẩu cà phê nhân với khối lượng khoảng 50.000 tấn/năm. Nhưng khi có sự xuất hiện của DN nước ngoài, việc xuất khẩu cà phê nhân của công ty gặp khó khăn và họ phải chuyển sang hướng xuất khẩu cà phê tinh. “Sau thời điểm 2001, nhiều DN tư nhân trong ngành xuất khẩu cà phê đã phá sản vì thiếu vốn và không có chiến lược kinh doanh mới. Chỉ có những doanh nghiệp trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam mới tồn tại được mặc dù họ kinh doanh thua lỗ. Chúng tôi tồn tại được cũng nhờ chuyển hướng xuất khẩu tinh và hiện mỗi năm xuất khẩu được khoảng 3.000 tấn cà phê bột, cà phê hòa tan”, ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc công ty tâm sự. Câu chuyện của Công ty An Thái là một trong những con đường tồn tại và phát triển của DN xuất khẩu cà phê Dak Lak những năm đầu thế kỷ 21.
Bước sang năm 2010, các DN nước ngoài ồ ạt tranh mua hơn 50% sản lượng cà phê của tỉnh với giá cao hơn, đẩy các DN xuất khẩu cà phê trên địa bàn vào cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn. Ông Đỗ Quyết, Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu 2-9 Dak Lak (Simexco Dak Lak) chia sẻ: “Các DN nước ngoài có vốn lớn, vay dễ nên họ mua cà phê với giá cao hơn và nông dân, đại lý ưu tiên bán cho họ. Đầu tiên các DN nước ngoài mua từ các DN trong nước và đại lý, còn bây giờ họ đặt các trạm thu mua trực tiếp tại vùng nguyên liệu. Thậm chí, họ còn thuê công nhân Việt Nam lập các trạm điểm trực thuộc thu mua và chở về công ty của họ để tránh việc vi phạm Nghị định 23/2007 của Chính phủ”. Không thể cạnh tranh nổi với DN nước ngoài, năm nay Simexco Dak Lak phải giảm mua xuất khẩu khoảng 2.000 tấn và tìm cách bán trực tiếp cho các nhà rang xay thế giới. “Muốn bán trực tiếp cho các nhà rang xay, DN phải có uy tín, thương hiệu và chất lượng cà phê phải cao. Hiện chúng tôi đã tiếp cận được một số nhà rang xay châu Âu và bán trực tiếp được khoảng 5.000 tấn cà phê nhân. Đó là cách giành lại thị trường từ DN nước ngoài và tự cứu mình”, ông Quyết cho biết.
Rõ ràng, tỉnh cũng không thể ngăn cấm được việc các DN tranh mua cà phê trực tiếp từ người dân vì đó là xu hướng và quy luật phát triển thị trường khi gia nhập WTO. Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương vào ngày 3-6, ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng thừa nhận: “Các DN nước ngoài khi được thu mua cà phê trực tiếp từ người dân sẽ tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DN trong và ngoài nước, qua đó người dân sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất đối với cơ chế giá cạnh tranh. Đây cũng là động lực để các DN trong nước nâng cao năng lực, hoàn thiện bộ máy, mở rộng thị trường… Từ đó, DN trong nước sẽ học hỏi được phương thức sản xuất, kinh doanh và quản lý DN.” Nhưng theo ông Hiếu, các DN nước ngoài mua khoảng 50% sản lượng cà phê Dak Lak nhưng chủ yếu là để xuất khẩu thô nên chưa làm tăng giá trị gia tăng của cà phê, đóng góp thuế rất thấp và thu hút lao động trong tỉnh chưa nhiều.
Song nguy cơ lớn nhất là việc DN nước ngoài tranh mua cà phê sẽ đẩy nhiều DN trong nước phá sản, thao túng thị trường cà phê và quay lại ép giá nông dân. Nhiều nước sản xuất cà phê ở châu Á, Bắc Phi đã vấp phải mối nguy này và DN trong nước phải đi làm thuê cho DN nước ngoài, còn nông dân bị ép giá. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại của Sở Kế hoạch – Đầu tư cho rằng: Để DN trong nước cạnh tranh nổi với DN nước ngoài, Chính phủ phải hỗ trợ “mềm” cho họ cả về lãi suất và điều kiện tiếp cận vốn. Khi các DN trong nước đủ mạnh và đủ sức cạnh tranh, lúc đó chúng ta mới cho DN nước ngoài thu mua cà phê trực tiếp từ người dân.
Ý kiến bạn đọc