Xã Khuê Ngọc Điền (Krông Bông): Phát triển kinh tế bền vững với các mô hình đa cây, đa con
Xã Khuê Ngọc Điền (Krông Bông) là một xã thuần nông, nhưng diện tích đồi núi đã chiếm 2/3 diện tích tự nhiên; chưa kể đất sản xuất nằm ở vùng trũng, thường xuyên bị ngập lụt gây thiệt hại cho hoa màu của nông dân. Đối mặt với khó khăn này, những năm qua, nông dân ở xã Khuê Ngọc Điền đã nhạy bén, chủ động trong việc tìm loại cây trồng, vật nuôi thích hợp để phát triển kinh tế.
Phá thế độc canh, nhiều nông dân ở Khuê Ngọc Điền đã phát triển kinh tế theo mô hình đa cây, đa con để đem lại hiệu quả kinh tế bền vững. Bằng cách này, hộ ông Phạm Tấn Chương ở thôn 3 đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Gia đình ông Chương đã phát triển chăn nuôi gà thả vườn với số lượng trên 400 con; nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khâu chọn giống, sử dụng thuốc thú y, chủ động phòng tránh tác hại của môi trường dịch bệnh, đàn gà của gia đình ông luôn phát triển ổn định, mỗi lứa thu nhập từ 10-12 triệu đồng. Gia đình ông Chương còn duy trì đàn heo thịt khoảng 25 con, mỗi năm cho thu nhập từ 50-60 triệu đồng. Về trồng trọt, sau nhiều năm thất bại với cây cà phê, cách đây một năm ông Chương đã quyết định phá bỏ 3,5 sào cà phê, giữ lại thân cây để làm trụ trồng chanh dây. Từ tháng 2-2011, vườn chanh dây bắt đầu cho thu hoạch mỗi tháng 9 tạ quả, với giá bình quân 8.000 đồng/kg, đã cho thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng. Ông còn mở dịch vụ xay xát lúa để tăng nguồn thu.
Nhiều hộ ở Khuê Ngọc Điền chuyển từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang hình thức trang trại. Gia đình anh Nguyễn Minh Sinh ở thôn 10 là một điển hình. Sau khi đi tìm hiểu thực tế ở một số nơi về lựa chọn con giống, cách làm chuồng trại, cũng như các kỹ thuật nuôi gà, anh đã mạnh dạn đầu tư gần 300 triệu đồng để xây dựng trại nuôi gà trên diện tích 200m2, thả nuôi 1.500 con gà siêu trứng. Nhờ được chăm sóc tốt, đàn gà phát triển ổn định, không bị mắc bệnh. Hiện tại mỗi ngày đàn gà đẻ được trên 1.300 quả trứng, mang lại cho gia đình anh thu nhập 60 triệu đồng mỗi năm. Cùng với việc thường xuyên nuôi 35 con heo, gia đình anh Sinh đã có nguồn thu nhập ổn định, trở thành hộ điển hình trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của xã.
Các cây trồng truyền thống của địa phương như lúa, ngô, đều đã được bà con nông dân Khuê Ngọc Điền gieo trồng bằng giống năng suất, chất lượng cao. Nhiều hộ đã lựa chọn cách làm giàu từ trồng mía, trồng sắn cao sản, chăn nuôi trâu, bò; có hộ chọn cách mở rộng quy mô ngành nghề, dịch vụ kinh doanh như xay xát, sản xuất gạch ngói cho thu nhập cao. Điển hình như hộ anh Phạm Văn Xuân ở thôn 9 đã nhiều năm đầu tư vào nghề sản xuất gạch ngói. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình anh còn thu lãi 150 triệu đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 10-15 lao động có thu nhập ổn định.
Đề cập về phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương, ông Trần Văn Sắc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khuê Ngọc Điền cho biết: Sản xuất kinh doanh giỏi là một trong 4 phong trào trọng tâm của Hội nhằm góp phần tích cực hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Chính vì vậy, Hội nông dân xã ngoài việc định hướng, tuyên truyền để nông dân thi đua lao động sản xuất còn tích cực phối hợp với các ngành chức năng, ngân hàng để chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện về vốn sản xuất cho bà con nông dân. Trong thời gian qua, Hội đã hợp đồng với các công ty phân bón giúp nông dân mua phân bón theo hình thức trả chậm, trị giá trên 720 triệu đồng; tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội hơn 3,7 tỷ đồng giúp nông dân vay vốn đầu tư cho sản xuất. Ngoài ra, Hội còn vận động nông dân xây dựng quỹ hội được 96 triệu đồng, để hỗ trợ hội viên khó khăn vay vốn, phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Trong những năm qua, đã 432 hộ nông dân trên địa bàn xã đăng ký tham gia phong trào sản xuất kinh doanh giỏi; trong đó có 250 hộ đã được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều hộ đã đạt mức thu nhập trên 200 triệu đồng.
Ý kiến bạn đọc