09:02, 14/10/2011
Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của các cấp hội, nhiều hội viên nông dân TP. Buôn Ma Thuột đã chủ động khai thác lợi thế đất đai, thị trường, nguồn nhân lực, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, mạnh dạn đầu tư và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh (SXKD), đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình SXKD giỏi, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Là người làm nông nghiệp lâu năm nên bà Nguyễn Thị Thu Nhơn (phường Tân An) nhận thấy ngoài cà phê thì bơ là một loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương, dễ trồng, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, bà có ý tưởng tìm giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế của cây bơ. Năm 2006, khi Dự án “Phát triển chuỗi giá trị bơ Dak Lak” do Tổ chức hợp tác kỹ thuật GTZ của Đức triển khai, bà quyết định tham gia nhằm xây dựng thương hiệu Bơ DAKADO. Bà thành lập Công ty TNHH Thu Nhơn, liên kết với 200 hộ dân trồng bơ nhằm tạo ra một kênh phân phối bơ trái chất lượng cao. Khi tham gia dự án, các hộ nông dân sẽ phải đầu tư chi phí sản xuất, chăm bón và tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình thu hái, bảo quản, phân phối sản phẩm. Cũng do quy trình nghiêm ngặt như vậy, nên sau một thời gian ngắn, các hộ nông dân lần lượt rời bỏ dự án. Vì niềm đam mê của mình, bà Nhơn chấp nhận mọi rủi ro, tiếp tục đầu tư kinh phí, triển khai các hoạt động như nghiên cứu, phát triển, tiếp thị, quảng bá, mở rộng thị trường, nâng cao chuỗi giá trị Bơ DAKADO. Nhờ vậy, sản phẩm Bơ DAKADO đã có mặt tại hầu hết các siêu thị lớn trong cả nước như Metro, Co.op Mart, big C, Vinatext, Fivimart… Sau thành công trên, hơn 300 hộ nông dân trồng bơ trên địa bàn tỉnh đã tin tưởng, cùng liên kết với bà thành lập Liên minh sản xuất bơ sáp DAKADO và cùng tham gia Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ kinh phí nhằm tiếp tục phát triển chuỗi giá trị của quả bơ. Các thành viên tham gia Liên minh được hướng dẫn thực hành nông nghiệp tốt, được cung cấp công cụ thu hái, bảo quản và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn từ 25-30% giá thị trường. Năm 2010, Công ty đã đầu tư xây dựng nhà xưởng để bảo quản, đóng gói bơ DAKADO và hướng đến xây dựng nhà máy chế biến quả bơ thành dầu bơ, bột bơ dùng trong ngành thực phẩm và mỹ phẩm nhằm đưa quả bơ Dak Lak ra thị trường thế giới. Sản phẩm Bơ sáp DAKADO đã đạt được nhiều giải thưởng như Cúp vàng sản phẩm chất lượng cao năm 2011, thương hiệu “Trâu vàng đất Việt” năm 2010… Theo bà Thu Nhơn, nếu chỉ sản xuất, kinh doanh độc lập, người nông dân sẽ không thể tạo ra giá trị gia tăng và nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản phẩm.
|
Sản phẩm Bơ DAKADO của bà Nguyễn Thị Thu Nhơn đã có tại các hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc. |
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Đại (xã Hòa Xuân) có 3 ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng phần lớn đều là đất sỏi đá, khô cằn nên chỉ mới canh tác được vài sào cà phê, số diện tích còn lại bỏ hoang nhiều năm liền. Làm thế nào tận dụng hết tiềm năng đất đai để SXKD với những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, mang tính bền vững, phù hợp với thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu là điều ông đã trăn trở trong nhiều năm liền. Ông tranh thủ đi tham quan các mô hình trồng cây ăn trái ở nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh để học hỏi nhưng vẫn chưa tìm được loại cây trồng phù hợp. Khi đến huyện Tân Phú (Đồng Nai), tận mắt thấy cây quýt đường, cam sành phát triển tốt trong điều kiện đất đai, khí hậu tương tự như vùng đất Dak Lak, lại có giá trị kinh tế cao nên ông quyết định cải tạo đất vườn và đưa hai loại cây trên về trồng thử nghiệm khoảng 6 sào vào năm 2007. Trong những năm đầu cây còn nhỏ, ông trồng xen các loại cây ngắn ngày như ngô, đậu… để “lấy ngắn nuôi dài”; tận dụng đất trồng xen canh cây bơ ghép, sầu riêng, mít nghệ, bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc. Đến nay, các loại cây trồng trên đều phát triển tốt, nhưng nguồn thu chủ yếu vẫn là cà phê và quýt đường. Theo tính toán, trong năm 2011 gia đình sẽ thu được khoảng 5 tấn cà phê, 15 tấn quýt, trừ chi phí thu lãi trên 380 triệu đồng. Sắp tới, gia đình ông sẽ trồng thêm 4 sào quýt đường nữa. Để cây quýt đường đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, lại tiết kiệm chi phí sản xuất ông đã tìm tòi, học hỏi được phương pháp cho cây ra hoa trái vụ và cách ủ phân vi sinh từ cá, cua đồng bón cho cây nhằm tăng cường chất dinh dưỡng. “Trồng cây quýt đường không khó lắm, chỉ cần theo dõi thường xuyên hiện tượng sâu bệnh để phòng trừ kịp thời, bảo đảm đủ lượng nước, phân bón cần thiết, loại bỏ bớt các trái nhỏ, dị dạng, thời gian thu hoạch có thể kéo dài trong 6 tháng và đầu ra cho sản phẩm rất ổn định. Qua thực tế sản xuất của gia đình, tôi nhận thấy việc chuyển đổi, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi hợp lý là “chìa khóa” thành công trong sản xuất nông nghiệp” - ông Đại chia sẻ. Từ mô hình này, nhiều hộ nông dân trong vùng đã đến học hỏi và được ông tận tình giúp đỡ, hướng dẫn cho 12 hộ trồng xen thành công cây quýt đường trong vườn cà phê.
|
Ông Nguyễn Văn Đại giới thiệu sản phẩm quýt đường tại Hội nghị Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi TP. Buôn Ma Thuột. |
Những năm qua, phong trào nông dân SXKD giỏi trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, với mức thu nhập bình quân từ 100 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/năm. Và gia đình bà Nhơn, ông Đại kể trên chỉ là 2 trong tổng số 7.519 hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp của thành phố. Các hộ SXKD giỏi đã thực sự nhạy bén, năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, chủ động ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh tập trung như lúa lai, cà phê, tiêu, sầu riêng, bơ, cá, động vật rừng… Nhưng trên hết, phong trào SXKD giỏi đã góp phần chuyển dịch kinh tế nông thôn giữa trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp theo hướng hiệu quả và phù hợp với thực tế. Tiêu biểu như nông dân xã Ea Kao đã mạnh dạn chuyển đổi hàng chục héc ta ruộng nước kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá nước ngọt, hình thành khu vực chăn nuôi thủy sản, cung cấp một lượng lớn thực phẩm cho địa bàn thành phố. Hay như hội viên nông dân người dân tộc thiểu số phường Tân Lập đã chuyển đổi trên 100 ha đất rẫy, vườn thu nhập thấp để liên kết với Công ty Đoàn Kết trồng cây sầu riêng. Nhiều nông dân đã chủ động phát triển các ngành nghề chế biến, kinh doanh nông sản, sản xuất máy nông nghiệp… góp phần tăng tỷ trọng ngành nghề nông thôn, chuyển dịch một bộ phận lao động nông nghiệp sang lĩnh vực khác. Có thể nói, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã khơi dậy không khí, thi đua lao động sản xuất, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, cải thiện đáng kể đời sống và bộ mặt nông nghiệp nông thôn.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc