Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp: Cơ hội nâng cao hiệu quả kinh doanh

11:46, 31/10/2011

Đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất gắn với giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhằm mang lại hiệu quả cao, bền vững trong kinh doanh… là mục tiêu của việc áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp đang được ngành công thương khuyến khích ứng dụng trong cộng đồng doanh nghiệp. Đó cũng chính là xu hướng tất yếu vì sự phát triển bền vững.

Là doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến cà phê xuất khẩu, trong những năm qua Công ty Liên doanh Dak Man ý thức khá rõ về những tác động môi trường do hoạt động chế biến cà phê gây ra. Đó là tình trạng ô nhiễm bụi từ chế biến khô, ô nhiễm nước từ chế biến ướt… Để khắc phục tình trạng này, DN đã chủ động đầu tư trên 600 triệu đồng lắp hệ thống xử lý bụi và cũng  là một trong những đơn vị tiên phong của tỉnh trong ứng dụng “sản xuất sạch hơn” trong công nghiệp. Theo ông Phạm Ngọc Bằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty: hệ thống xử lý bụi không chỉ giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn góp phần hạn chế tối đa bụi cà phê trong quá trình chế biến gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động; tạo nên môi trường sạch trong hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, đơn vị còn thực hiện tốt công tác kiểm định, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình bảo trì, vận dụng an toàn thiết bị, nhất là đối với  máy nén khí, bình khí nén, giá nâng hàng kịp thời phát hiện và khắc phục những nguy cơ do lỗi thiết bị gây ra.

Đóng bao cà phê xuất khẩu tại Công ty liên doanh Dak Man.
Đóng bao cà phê xuất khẩu tại Công ty liên doanh Dak Man.
Ô nhiễm môi trường từ hoạt động chế biến tinh bột sắn cũng luôn là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư. Nguyên nhân là do mùi hôi thối sinh ra từ bể lắng cặn và tách protein; hiệu suất phân hủy từ các hồ sinh học lại càng không cao nên việc xử lý rất khó khăn. Khi nhà máy tăng công suất, hệ thống hồ sinh học lại càng không đáp ứng đủ và xảy ra hiện tượng quá tải của hồ kỵ khí, nước thải đầu ra tại cống thoát vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Nhà máy chế biến tinh bột sắn Krông Bông có công suất 60 tấn sản phẩm/ngày. Khi bước vào vụ sản xuất, mỗi ngày nhà máy thải ra môi trường hàng chục tấn nước thải, phế phụ phẩm khác, gây ô nhiễm môi trường cả khu vực dân cư xã Hòa Thành. Khắc phục tình trạng này, năm 2008, nhà máy đã đầu tư trên 2 tỷ đồng xây dựng hệ thống hầm biogas để thu gom toàn bộ nước thải, chất thải phục vụ sản xuất khí gas. Nhà máy cũng lắp đặt các thiết bị chuyển hệ thống khí gas này sang đốt lò sấy tinh bột sắn, chạy điện thắp sáng thay cho việc sử dụng dầu diesel, điện lưới quốc gia; mỗi tháng tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng. Cũng từ đó, hệ thống nước thải của nhà máy được qua nhiều bể lắng lọc nên không còn mùi hôi thối (đạt chất lượng nước loại B theo TCVN), có thể dùng làm nước tưới cho cây trồng, dùng để nuôi cá. Ngoài ra, đơn vị thường xuyên tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức về SXSH cho công nhân, chú trọng tới chất lượng sản phẩm và ý thức tiết kiệm nguyên vật liệu, điện... trong sản xuất. Với việc tiên phong đầu tư công nghệ, áp dụng SXSH, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Krông Bông không chỉ khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường, mà còn góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế. Nhà máy chế biến tinh bột sắn Ea Kar cũng đã đầu tư 9 tỷ đồng để xây dựng mới một số hạng mục công trình xử lý chất thải, mua sắm trang thiết bị chuyên dụng thay thế những thiết bị cũ, mở rộng quỹ đất  để xây dựng hồ sinh học và khu xử lý chất thải rắn. Hệ thống xử lý này đã tăng khả năng xử lý nước thải, giảm thiểu tối đa ô nhiễm do quá trình sản xuất gây ra, góp phần đáp ứng yêu cầu giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, ngành Công nghiệp của tỉnh có sự phát triển nhanh chóng, có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, góp phần đắc lực trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển công nghiệp cũng đối mặt với áp lực về  ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy những nỗ lực của DN trong việc chủ động áp dụng SXSH đã tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất công nghiệp, cải thiện đáng kể năng suất và hiệu suất hoạt động, giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường. Việc áp dụng SXSH trong công nghiệp không chỉ là cơ hội cho các doanh nghiệp thụ hưởng chương trình đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh doanh, mà còn góp phần nâng cao nhận thức về SXSH cho cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh; hướng tới mục tiêu vì một nền công nghiệp xanh theo xu hướng phát triển của thế giới.

Yên Ninh

Ý kiến bạn đọc