Ea H’leo phát triển hiệu quả mô hình trồng xen ca cao dưới tán điều
Từ năm 2009 với sự hỗ trợ của Dự án Phát triển ca cao tại nông hộ thông qua tổ chức phi chính phủ ACDI/VOCA Việt Nam, huyện Ea H’leo đã triển khai thực hiện chuyển đổi diện tích điều kém hiệu quả sang trồng ca cao, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.
Cùng với cao su, cà phê, tiêu, điều thì ca cao là một loại cây mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Bắt đầu năm 1998, cây ca cao đã được một số người dân ở Ea H’leo đem về trồng, nhưng còn mang tính tự phát. Mãi đến năm 2009, được sự hỗ trợ của Dự án Phát triển ca cao bền vững tại các nông hộ (Success Alliance) của Sở NN – PTNT Dak Lak thông qua tổ chức phi chính phủ ACDI/VOCA, cây ca cao được huyện Ea H’leo xác định là loại cây có thể tạo ra hướng phát triển mới cho nền nông nghiệp địa phương, bởi nó phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại đây. Gia đình ông Nông Văn Nình (thôn 8, xã Cư Mốt) là một trong những người có kinh nghiệm trồng ca cao lâu năm tại địa phương, năm 2007 được Dự án hỗ trợ, chọn làm mô hình trình diễn với diện tích 0,6 ha. Đến nay, vườn ca cao đã cho thu hoạch và cho kết quả khá bất ngờ: năng suất, sản lượng, chất lượng không thua kém gì so với những cây ca cao được trồng ở những nơi khác. Với 0,6 ha ca cao, trong năm thu hoạch đầu tiên, gia đình ông Nông Văn Nình đã thu được khoảng 20 triệu đồng. Chính sự thành công đầu tiên từ mô hình trình diễn này đã tạo được niềm tin cho người nông dân khi quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn điều kém hiệu quả sang trồng ca cao. Với những kiến thức tích lũy từ nhiều năm cộng với quá trình tham gia các lớp tập huấn do dự án tổ chức, ông trở thành cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chia sẻ cùng các thành viên trong CLB ca cao thôn 8. Từ mô hình này, huyện đã nhân rộng, phát triển thành 19 CLB ca cao, là nơi để các thành viên trao đổi kinh nghiệm, tham quan học tập lẫn nhau.
Cán bộ khuyến nông đang hướng dẫn người dân chăm sóc cây ca cao. |
Cây ca cao phù hợp với điều kiện khí, hậu thổ nhưỡng của Ea H’leo sẽ mở ra những hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp nơi đây. Ngành nông nghiệp của địa phương cũng xác định đây là loại cây góp phần nâng cao thu nhập người nông dân trong chương trình xóa đói giảm nghèo. Theo quy hoạch: đến năm 2020, toàn huyện phấn đấu phát triển khoảng 2.000 ha ca cao, trở thành một trong những vùng chuyên canh ca cao bền vững của tỉnh.
Ý kiến bạn đọc