Multimedia Đọc Báo in

Hội Phụ nữ xã Ea Đar (huyện Ea Kar): Giúp hội viên sử dụng vốn vay hiệu quả

14:31, 18/11/2011

Xác định hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm những năm qua, Hội Phụ nữ (HPN) xã Ea Đar đã có nhiều biện pháp thiết thực giúp hội viên phát triển kinh tế.

Gia đình chị H’Lủi Êban ở buôn Sưk (xã Ea Đar) có 5 sào cà phê nhưng vì không có vốn đầu tư nên năng suất thấp, mọi chi tiêu, sinh hoạt, học hành của các con đều trông chờ vào việc làm thuê của 2 vợ chồng, cuộc sống luôn bấp bênh, thiếu thốn. Qua rà soát, đầu năm 2010, gia đình chị được HPN xã tín chấp vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để đầu tư chăn nuôi heo, bò. Chăm chỉ, biết chi tiêu tiết kiệm, lấy công làm lãi, đến nay, vợ chồng chị đã có trong tay một tài sản kha khá gồm 3 con bò và 5 con heo. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, vợ chồng chị vẫn đi làm thuê kiếm thêm thu nhập, nhờ vậy, cuộc sống gia đình cũng ổn định hơn trước. Mới đây, gia đình chị đã bán bớt bò, heo lấy tiền sửa lại căn nhà để có chỗ ở khang trang hơn. Chị H’Lủi chia sẻ, khi được vay vốn phải biết tính toán hợp lý và dùng số tiền vay đúng mục đích đã dự tính, nếu không sẽ hết cả vốn mà lại ôm một khoản nợ. Tương tự, từ nguồn vốn vay NHCSXH do HPN xã tín chấp, gia đình chị Nguyễn Thị Huyên ở thôn 2 cũng đầu tư chăn nuôi bò, heo thịt, trồng 2 sào lúa vừa “lấy ngắn nuôi dài” và có thêm vốn chăm sóc 1 ha cà phê. Nhờ vậy, sau 3 năm, gia đình chị đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của thôn, có điều kiện chăm lo cho 3 con ăn học.

Cán bộ HPN xã Ea Đar kiểm tra việc sử dụng vốn vay NHCSXH của gia đình chị Nguyễn Thị Huyên.
Cán bộ HPN xã Ea Đar kiểm tra việc sử dụng vốn vay NHCSXH của gia đình chị Nguyễn Thị Huyên.
Để đồng vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng, hằng năm, HPN xã đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương tiến hành rà soát các đối tượng hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn để bình xét hộ vay vốn, xây dựng kế hoạch và biện pháp hỗ trợ. Trên cơ sở đó, hội chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với NHCSXH triển khai thực hiện tốt việc giải ngân cho các đối tượng, thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ và kiểm tra quản lý, sử dụng vốn vay ở các tổ vay vốn. Bên cạnh đó, Hội chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học -  kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn và giới thiệu những điển hình làm kinh tế giỏi để hội viên học tập, áp dụng. Nhờ sự quan tâm, kiểm tra sát sao như vậy nên hầu hết các hộ đều có sự tính toán kỹ càng, thận trọng khi lựa chọn mô hình đầu tư nên nhìn chung nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, không còn tình trạng hao hụt vốn, không có trường hợp vay hộ. Nhờ đó, nhiều gia đình hội viên đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng. Từ năm 2006 đến nay, HPN xã đã ký ủy thác với NHCSXH trên 9,1 tỷ đồng giúp cho 450 lượt hội viên nghèo vay phát triển sản xuất, chăn nuôi; huy động 800 triệu đồng vốn nhàn rỗi trong chị em, xây dựng quỹ chi hội, thành lập 12 tổ tiết kiệm để giúp phụ nữ nghèo. Đồng thời, Hội tổ chức cho chị em tham quan mô hình cải tạo vườn cà phê già cỗi, trồng mít nghệ, vải thiều…; chủ động gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn như Công ty TNHH Việt Thắng, Trung tâm giống heo rừng Tây Nguyên để tạo việc làm cho 8 lao động nữ.

Bà Trần Thị Lĩnh, Chủ tịch HPN xã cho biết, vốn vay của ngân hàng tuy không lớn nhưng đó là cơ sở ban đầu giúp chị em đầu tư phát triển sản xuất. Việc cho vay và thu hồi nợ vay cơ bản bảo đảm đúng đối tượng, thời gian theo quy định của Nhà nước. Từ nguồn vốn được vay và sự hỗ trợ của HPN xã đã có 8 hội viên ở các thôn 1, 2, 3, 5, 13, 14, buôn Tơng Sinh và buôn Sứk được giúp thoát nghèo bền vững. Nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa việc phối hợp ký ủy thác cho vay giữa NHCSXH với HPN xã, thời gian tới, Hội sẽ chú trọng đẩy mạnh công tác bình xét cho vay hộ nghèo, thực hiện đúng thỏa thuận đã ký với ngân hàng, tăng cường phối hợp tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học – kỹ thuật, tập trung xây dựng và giới thiệu thêm những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để hội viên học tập.

Nguyễn Xuân

Ý kiến bạn đọc