Multimedia Đọc Báo in

Một mô hình sản xuất đa cây, đa con cho hiệu quả kinh tế cao

16:31, 16/11/2011

Mới ngoài 30 tuổi nhưng anh Trần Văn Tuấn ở thôn Giang Hòa, xã Tam Giang (Krông Năng) đã xây dựng được một mô hình sản xuất đa cây, đa con mang lại hiệu quả kinh tế cao với mức thu nhập mỗi năm khoảng 700 triệu đồng.

Nhờ nhanh nhạy, chịu khó học hỏi và áp dụng KHKT vào sản xuất nên tuy mới lập nghiệp khoảng mười năm, gia đình anh Tuấn đã có cơ ngơi đáng kể với diện tích sản xuất hơn 4,5 ha gồm nhiều loại cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trên diện tích 4,5 ha, anh Tuấn trồng xen canh nhiều loại cây, trong đó có 3 ha cà phê, 0,3 ha hồ tiêu và khoảng 100 cây sầu riêng; ngoài ra, gia đình còn trồng một số loại cây ngắn ngày khác như gừng, đậu, ngô (riêng vụ thu hoạch vừa qua anh trồng gần 1 ha ngô cho sản lượng gần 6 tấn...); tổng thu nhập từ vườn cây đạt hơn 600 triệu đồng.

Đoàn tham quan mô hình sản xuất đa cây, đa con của gia đình anh Trần Văn Tuấn ở thôn Giang Hòa, Tam Giang (Krông Năng, Dak Lak).
Đoàn tham quan mô hình sản xuất đa cây, đa con của gia đình anh Trần Văn Tuấn ở thôn Giang Hòa, Tam Giang (Krông Năng, Dak Lak).
Bên cạnh các loại cây trồng xen canh, nhận thấy nuôi heo rừng là một hướng sản xuất kinh doanh mới và có nhiều triển vọng (hiện thị trường địa phương đang có nhu cầu tiêu thụ khá lớn và có giá khoảng 130.000 đồng/kg), gia đình anh Tuấn đã mạnh dạn đầu tư nuôi heo rừng giống và heo thịt. Để có heo rừng giống cung cấp cho nhu cầu ngày càng cao của thị trường, gia đình đã nuôi 6 con heo nái và một con heo nọc trị giá khoảng 50 triệu đồng; có thời điểm, đàn heo của anh Tuấn có tới hơn 30 cá thể. Anh đã bán được nhiều lứa heo giống, heo thịt; trong đó có đợt bán được hơn 20 con heo giống, trung bình mỗi con bán được 2 triệu đồng. Có thể nói đây là đàn heo giống (heo rừng) có số lượng lớn nhất trong các mô hình chăn nuôi heo rừng ở Krông Năng hiện nay. Ngoài nuôi heo rừng, gia đình anh Tuấn còn nuôi gà gô, ngan Pháp với số lượng khoảng 100 con gà gô và khoảng 100 con ngan Pháp. Đây là những loại vật nuôi chưa được người nông dân coi trọng đầu tư, song lại là những vật nuôi vừa có giá trị kinh tế cao, vừa được thị trường ưa chuộng lại thường ít tốn kém trong việc đầu tư chuồng trại. Mặt khác, lợi dụng địa thế, anh Tuấn còn nuôi cá, với diện tích 0,3 ha mặt nước, nhiều loại cá được thả nuôi như cá rô phi, trắm, chép,...

Mô hình sản xuất đa cây, đa con đã mang lại thu nhập ngày càng cao cho gia đình anh Trần Văn Tuấn. Riêng vụ thu hoạch vừa qua, gia đình anh đã có tổng thu nhập khoảng 700 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất còn thu lãi khoảng 400 triệu đồng. Anh Tuấn chia sẻ: mô hình sản xuất đa cây, đa con có ưu thế là bổ trợ cho nhau (các loại cây trồng trên cùng một diện tích canh tác), là chỗ dựa để cùng phát triển (cho độ ẩm cao hơn, bổ sung hàm lượng đạm tự nhiên trong đất trồng,...), cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn... Để thực hiện mô hình hiệu quả, người nông dân phải biết đầu tư đúng hướng, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh, cần tìm hiểu nên trồng xen loại cây nào với nhau để phát huy được đặc tính cộng sinh của thực vật trong quá trình sản xuất thâm canh và cũng cần tìm hiểu tiếp cận thị trường cho đầu ra của các loại nông sản phẩm.   

Trọng Nguyên

Ý kiến bạn đọc