Multimedia Đọc Báo in

Nuôi heo công nghiệp - hướng đi mới cho đồng bào nghèo

14:29, 18/11/2011

Hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nuôi heo công nghiệp là một hướng đi mới tạo cơ hội cho người nghèo có thể thoát nghèo bền vững. Mô hình vừa được triển khai thí điểm tại huyện Cư Kuin. 

Do đông con và thiếu đất sản xuất, gia đình chị H’Reo Bdap, buôn Pung, xã Hòa Hiệp (Cư Kuin) là một trong 40 hộ nghèo của buôn. Trước đây, gia đình chị cũng nuôi heo nhưng nuôi giống heo truyền thống theo cách thả rông, không làm chuồng trại, chỉ cho ăn rau cám tự chế biến. Heo dễ bị bệnh, năng suất lại thấp, trung bình một năm chị mới bán được 1-2 con heo với trọng lượng khoảng 40kg, đầu ra lại bấp bênh với giá bán không ổn định. Tháng 8-2011, chị H’Reo được hỗ trợ vốn nuôi heo thịt theo mô hình giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai. Chị được tập huấn kiến thức chăn nuôi heo thịt, được cấp 3 con heo giống trị giá 3 triệu đồng và được hỗ trợ 1 triệu đồng xây dựng chuồng rồi được ấn định thời gian nuôi, thời gian bán và cách để dành tiền nhằm tái phát triển đàn heo. Trong suốt thời gian nuôi heo, chị H’Reo luôn được hướng dẫn rất cụ thể, từ cách xây chuồng, vệ sinh chuồng trại, cách chọn mua cám và nấu thức ăn, cho heo ăn và cách theo dõi phát hiện bệnh tật của heo để báo cho cán bộ thú y của xã.  Cứ 2 tuần một lần cán bộ thú y lại đến tận nhà kiểm tra cách cho ăn và vệ sinh chuồng trại. Đây là việc làm mới mẻ đối với chị H’Reo và nhiều hộ trong buôn vì lâu nay chị không bao giờ tắm cho heo, cho heo ăn đúng giờ, theo dõi bệnh và sự thay đổi sức khỏe của heo. Sau 3 tháng nuôi, đến nay đàn heo của chị H’Reo Bdap đã đạt  trọng lượng hơn 60kg/con. Cán bộ xã  đến thăm và nhắc nhở chị chưa nên bán vì hiện tại heo chưa đạt được trọng lượng tối đa, giá bán heo hơi lại đang thấp, cần nuôi thêm thời gian nữa mới cho xuất chuồng. Có thể nói, cách làm “cầm tay chỉ việc” như thế đã giúp chị H’Reo Bdap thay đổi nhận thức về cách chăn nuôi heo, cách sử dụng đồng vốn chăn nuôi hiệu quả nhất để có thể thoát nghèo bền vững.  

Đến nay chị H’Reo Bdap đã biết nuôi heo hướng công nghiệp.
Đến nay chị H’Reo Bdap đã biết nuôi heo hướng công nghiệp.
Ở buôn Pung, xã Hòa Hiệp (Cư Kuin) còn có gia đình chị H’Thuyên Ayun cũng được hỗ trợ nuôi heo công nghiệp theo mô hình giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số. Gia đình chị H’Thuyên thuộc diện hộ nghèo do thiếu đất sản xuất. Tuy chị đã lập gia đình 10 năm nay nhưng vẫn phải ở chung với ba mẹ vì chưa có điều kiện để tách hộ. Chị H’Thuyên Ayun được hỗ trợ 3 con heo giống trị giá 3 triệu đồng và 1 triệu đồng để làm chuồng heo. Sau 3 tháng được hướng dẫn cách chăm sóc heo, phòng bệnh cho heo, nay chị đã có kiến thức nuôi heo thịt, đàn heo của chị đã đạt trọng lượng gần 70kg/con. Bán  3 con heo này chị sẽ để dành tiền mua  lại 3 con heo con nữa nhằm tái đàn.  So sánh với cách nuôi heo truyền thống, chị thấy cách làm mới hiệu quả hơn rất nhiều. H’Thuyên nói: “Trước đây tôi chỉ nuôi giống heo đen của người Êđê. Thứ gì nó cũng ăn nhưng chậm lớn, con to nhất cũng chỉ đạt khoảng 40 kg thôi. Nuôi heo theo cách mới này tôi phải cho heo ăn đúng giờ, đúng tiêu chuẩn  và còn vệ sinh, tắm rửa cho nó nữa. Mỗi khi thấy nó ăn ít, uể oải, tôi báo cáo là cán bộ thú y đến để tiêm thuốc luôn. Vì thế heo ít bệnh, mau lớn”.

Có thể nói, mô hình hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số nghèo nuôi heo thịt theo hướng công nghiệp bằng cách cầm tay chỉ việc như trên sẽ giúp bà con từ bỏ lối chăn nuôi cũ, lạc hậu kém hiệu quả, đang được kỳ vọng sẽ mở ra một hướng đi mới đầy hiệu quả trong việc thoát nghèo bền vững. Ông Bạch Đình Ca, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp (Cư Kuin) cho biết: Việc triển khai mô hình này đã đạt được những hiệu quả bước đầu đáng phấn khởi, sắp tới mô hình này sẽ được nhân rộng ra toàn xã. Hy vọng, cách làm này sẽ góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thoát nghèo bền vững.

Xuân Hòa

Ý kiến bạn đọc