Multimedia Đọc Báo in

Phát triển ngành nghề nông thôn: Vẫn còn nhiều rào cản

10:13, 08/11/2011

Sau 5 năm thực hiện Nghị định 66/2006 NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, nhiều ngành nghề ở Dak Lak đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất, công tác đào tạo nghề chưa đúng tầm, tổ chức thị trường, xây dựng thương hiệu còn yếu…đã khiến không ít ngành nghề truyền thống rơi vào cảnh bế tắc.

...Thiếu đủ thứ
Dệt thổ cẩm là một trong những nghề thủ công truyền thống được chú trọng phát triển tại Dak Lak. Tuy nhiên trong những năm gần đây đã có hàng chục HTX dệt thổ cẩm phải ngưng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, nguyên nhân do phần lớn các đơn vị này đều thiếu vốn, sản phẩm làm ra không đa dạng, không sắc sảo, không đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp cùng loại, kéo theo lượng hàng không tiêu thụ được, hoặc tiêu thụ rất chậm... Đầu ra không ổn định, không sống được bằng nghề đã khiến nhiều xã viên, nghệ nhân bỏ nghề quay về làm nông.

Thực trạng trên cũng là khó khăn chung của rất nhiều làng nghề trong cả nước. Sau 5 năm triển khai Nghị định 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, Dak Lak cũng đã xây dựng và triển khai được quy hoạch ngành nghề nông thôn tỉnh giai đoạn 2010 – 2015, định hướng đến năm 2020. Công tác khuyến công được quan tâm đầu tư với nhiều hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất công nghiệp nông thôn. Giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn trong 5 năm đạt gần 7 nghìn tỷ đồng (chiếm gần 62% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành); thực hiện đào tạo nghề ngắn hạn miễn phí cho 11.455 lao động nông thôn. Tuy nhiên, do chưa được hỗ trợ thích đáng và tạo điều kiện của các ngành chức năng, các cấp chính quyền, nhất là việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng thị trường tiêu thụ khiến nhiều cơ sở ngành nghề ở các địa phương vẫn còn tình trạng thiếu đủ thứ, từ mặt bằng sản xuất, vốn, nguyên liệu, lao động có tay nghề cao đến liên kết giữa các ngành, các vùng… .

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 66/2006 NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, nhiều đại biểu cho rằng: cần phải có những đột phá về chính sách, nhất là chính sách về nguồn vốn ưu đãi thì mới vực dậy được các làng nghề, ngành nghề nông thôn. Đồng thời, công tác đào tạo nghề cần sát với nhu cầu thực tế hơn; cần có những hướng dẫn cụ thể trong tổ chức truyền nghề  và có chính sách tôn vinh các nghệ nhân v.v…

Các HTX mây tre đan đang cải tiến mẫu mã để tìm thị trường.
Các HTX mây tre đan đang cải tiến mẫu mã để tìm thị trường.

Gắn với xây dựng nông thôn mới
Đến nay, Dak Lak có khoảng 9.369 cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn thuộc 5 nhóm ngành nghề chính. gồm: chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, cơ khí nhỏ; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; cây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh, sản xuất chậu cảnh; xây dựng, vận tải, sửa xe gắn máy, các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống dân cư nông thôn… đã tạo việc làm cho 21.366 lao động và cho giá trị sản lượng trên 613.600 triệu đồng. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đạt cao nhất: 29,1%. Trên thực tế, bình quân mức thu nhập từ sản xuất nghề cao hơn so với làm nông nghiệp, theo đó việc thúc đẩy phát triển các ngành nghề nông thôn sẽ thu hút được nhiều lao động nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ trong vùng. Việc này còn có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay, vì nếu các ngành nghề phát triển sẽ tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần hoàn thiện các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới.

 

Một trong những định hướng quan trọng về phát triển ngành nghề nông thôn trong giai đoạn 2012-2020 của Bộ NN-PTNT là chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề sẽ tiếp tục gắn với chủ trương xây dựng nông thôn mới để phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 66/2006 NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng đề nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi và bổ sung Nghị định 66 cho phù hợp hơn với chủ trương xây dựng nông thôn mới; đồng thời đề nghị các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT để thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án có hiệu quả tốt nhất. 

Thuận Nguyễn

Ý kiến bạn đọc