Sau 6 năm triển khai Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy ở huyện Cư M’gar:
Kinh tế-xã hội các buôn đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực
Sau 6 năm triển khai Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, đến nay đời sống tinh thần và vật chất của đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ huyện Cư M’gar đã được cải thiện đáng kể. Số hộ dân tộc thiểu số nghèo từ 35,49% đã giảm xuống còn 11,05% (tiêu chí cũ), bình quân hằng năm giảm được 3,9% số hộ nghèo…
Huyện Cư M’gar hiện có 9.624 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 55.246 nhân khẩu, chiếm 35,4% dân số trong toàn huyện, định cư ổn định ở 65 khu dân cư. Trước năm 2005, toàn huyện có 3.416 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, chiếm trên 48% tổng số hộ nghèo trong huyện. Nguyên nhân dẫn đến đói nghèo chủ yếu là do thiếu đất ở, đất sản xuất, thiếu kiến thức về KHKT, thiếu vốn và một phần do gia đình đông con. Vào thời điểm năm 2005, các hoạt động thương mại dịch vụ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hầu như chưa có gì; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, thiếu thốn như: hệ thống giao thông thường lầy lội vào mùa mưa, 24 buôn chưa có điện lưới quốc gia, toàn huyện có trên 400 phòng học tạm bợ, một số trường và phân hiệu trường phải học ca 3, đặc biệt là tình hình an ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các buôn đồng bào dân tộc thiều số còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp…
Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế-xã hội các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, Ban Thường vụ Huyện ủy Cư M’gar đã thông qua Nghị quyết chuyên đề về Phát triển kinh tế-xã hội các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; đồng thời chỉ đạo và giao cho các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện và lồng ghép vào các chương trình đầu tư của Chính phủ. Qua 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, huyện Cư M’gar đã đầu tư 3,7 tỷ đồng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế điểm tại 8 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; trong đó đã tiến hành phân bổ và hỗ trợ tổng cộng 218 con bò giống, 448 con heo giống, 6.335 cây mít nghệ, 2.950 cây điều ghép, 1.525 cây bơ cao sản, 500 cây tre giống, gần 1 tấn thức ăn gia súc-gia cầm, 24 tấn phân bón các loại… để đồng bào phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Đồng thời huyện còn tập trung các nguồn vốn, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí trên 22,7 tỷ đồng. Qua đó đã nhựa hóa được trên 8 km đường giao thông nội vùng, 6,5 km đường dây điện hạ áp và hệ thống lưới điện cho 2.194 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ… Vì vậy đến nay hầu hết các tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã đều đã được “nhựa hóa”, các tuyến đường liên thôn, buôn đều đã được “cứng hóa”, gần 95% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa được sử dụng điện lưới quốc gia; Huyện đã cơ bản xóa xong các phòng học tạm bợ và không còn tình trạng học ca 3, tiến hành hỗ trợ kinh phí học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số với số tiền khoảng 20 tỷ đồng.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Cư M’gar được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất ổn định cuộc sống. |
Ngoài ra, với các chương trình đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, trong thời gian qua, huyện Cư M’gar có 535 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã được giải quyết đất ở với diện tích trên 10 ha; 770 hộ được giải quyết đất sản xuất với trên 256 ha; hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt cho 859 hộ…, cơ bản hoàn thành chương trình 132, 134 của Chính phủ theo đúng kế hoạch. Song song đó, huyện còn đầu tư, hỗ trợ giải quyết khó khăn về nhà ở cho 1.937 hộ nghèo với tổng kinh phí thực hiện trên 30 tỷ đồng; tạo điều kiện cho 3.885 hộ tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư phát triển sản xuất với tổng dư nợ trên 35 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác chuyển giao các tiến bộ KHKT cho đồng bào để áp dụng sản xuất. Trong 6 năm qua, huyện Cư M’gar đã mở được 479 lớp tập huấn công tác khuyến nông, chuyển giao các phương thức trồng trọt và chăn nuôi cho trên 15.500 lượt người. Huyện còn đầu tư và hỗ trợ 569 triệu đồng xây dựng các làng nghề truyền thống cho đồng bào; đầu tư xây dựng 58 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, phát động phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đạt hiệu quả cao. Huyện Cư M’gar còn phát động và triển khai thực hiện khá hiệu quả công tác kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, qua đó đã huy động được nguồn lực trị giá trên 4 tỷ đồng để giúp đồng bào phát triển văn hóa và xây dựng cuộc sống gia đình…
Nhằm đáp ứng nguồn nhân lực tại chỗ, giúp giữ vững tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ở các buôn làng, trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền huyện Cư M’gar còn đặc biệt quan tâm đến đào tạo, tuyển dụng, quy hoạch và sử dụng đội ngũ cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số trong các cơ quan ban ngành của huyện chiếm tỷ lệ trên 14%; cấp xã chiếm gần 30%; trong ngành giáo dục đào tạo chiếm trên 13,2%...
Sau 6 năm triển khai Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, đến nay đời sống tinh thần và vật chất của đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ huyện Cư M’gar đã được cải thiện đáng kể. Số hộ dân tộc thiểu số nghèo từ 35,49% đã giảm xuống còn 11,05% (tiêu chí cũ), bình quân hằng năm giảm được 3,9% số hộ nghèo…
Ý kiến bạn đọc