Liên kết trồng bông: Hai nhà đều có lợi!
Sau một thời gian dài suy yếu vì suy thoái kinh tế, ngành bông Dak Lak đang nỗ lực lấy lại chỗ đứng như thời kỳ hoàng kim vào đầu những năm 2000. Một trong những giải pháp cho bước tiến này là đẩy mạnh việc liên kết trồng bông giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân, mà ở đó cả đôi bên đều được hưởng lợi.
Cây bông vải dần lấy lại vị thế đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân . Trong ảnh: Thu hoạch bông ở Buôn Đôn). Ảnh: H.M |
Để tăng diện tích vùng nguyên liệu, trong mối liên kết ràng buộc giữa hai nhà, các DN bông đã có nhiều chính sách ưu tiên, khuyến khích người trồng bông. Ngay từ đầu vụ bông năm nay, Công ty cổ phần Bông Tây Nguyên đã ký hợp đồng với 3.500 hộ trồng bông trong toàn tỉnh trồng 2000 ha, trong đó nhiều nhất ở các huyện Buôn Đôn (400 ha), Ea Súp (3500 ha), Cư M’gar (300 ha)… Theo đó, nông dân được hỗ trợ 100% chi phí hạt giống và ứng trước một phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư để phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, công ty đặt trạm khuyến nông ở các huyện, có đội ngũ cán bộ kỹ thuật tiến hành tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân; người trồng bông được cam kết thu mua sản phẩm với giá 17.000 đồng/kg. Nhờ vậy, người trồng bông đã tỏ ra mặn mà hơn và không ngần ngại đầu tư tăng diện tích cây Bông lên nhiều hơn so với mọi năm. Theo ông Hồ Đăng Phú, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bông Tây Nguyện thì việc người dân các địa phương tích cực mở rộng diện tích, giúp DN ổn định về nguyên liệu, chủ động trong công tác sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là điều kiện để Công ty nỗ lực triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh Chương trình phát triển cây bông vải, đáp ứng đủ nguyên liệu bông xơ cho ngành Dệt may Việt Nam đến năm 2020. Tương tự, Công ty cổ phần Bông Việt Nam (Chi nhánh Nha Trang) cũng xây dựng vùng nguyên liệu ở Dak Lak với diện tích 600 ha, ở các huyện: Ea Kar, Krông Năng, Krông Pak, Krông Bông, M’Drak và thị xã Buôn Hồ, nhằm bảo đảm nguyên liệu phục vụ sản xuất, tránh tình trạng tranh mua tranh bán nguyên liệu như trước đây.
Nhờ thời tiết thuận lợi, chăm sóc tốt nên năm nay, năng suất bông ở Ea Siên dự kiến đạt hơn 2 tấn/ha. |
Không những đem lại lợi ích cho DN, vấn đề đẩy mạnh liên kết trồng bông cũng đem lại những lợi ích thiết thực cho người nông dân. Xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ) là địa phương có diện tích trồng bông khá lớn, với hơn 200 ha. Nhận thấy khí hậu thuận lợi, đất xốp, giàu chất dinh dưỡng, rất phù hợp với cây bông, nên từ 1998, địa phương đã có chủ trương phát triển cây bông trên đất vụ hai qua hình thức ký hợp đồng trồng bông với Công ty cổ phần bông Việt Nam (Chi nhánh Nha Trang). Vụ bông năm nay, do thời tiết thuận lợi, trồng đúng thời điểm, nên cây bông phát triển tốt, đang chuẩn bị bước vào thu hoạch với năng suất ước đạt hơn 2 tấn/ha. Anh Nông Văn Đàn (thôn 1A) ký hợp đồng với công ty trồng 5 sào bông thay cho diện tích đất trồng ngô, đậu năng suất thấp. Theo thỏa thuận ban đầu, anh được DN hỗ trợ 50% chi phí về giống, được ứng trước phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Theo tính toán của anh Đàn, chi phí đầu tư cho mỗi sào khoảng 350.000 đồng, với năng suất đạt 2 tạ/sào, giá bán cho công ty là 17.000 đồng/kg, thì mỗi vụ bông anh thu nhập gần 20 triệu đồng, cao hơn trồng các loại cây khác. Ông Nông Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Siên cho biết, cây bông là cây công nghiệp ngắn ngày có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đây nên trong thời gian tới, địa phương tiếp tục khuyến khích các hộ dân mở rộng diện tích đất trồng bông, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương, qua đó nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc