Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực đưa điện về thôn, buôn

09:48, 26/12/2011

Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) hoạt động trải rộng trên 1/3 diện tích của cả nước, với nhiệm vụ cung ứng điện cho 9 tỉnh, thành phố  duyên hải miền Trung, từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Dak Lak, Dak Nông, bảo đảm cung cấp điện phục vụ cho  nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.

Miền Trung – Tây Nguyên vốn là mảnh đất còn nhiều khó khăn khi hằng năm thường xảy ra hạn hán, bão lũ, sản xuất phát triển chưa cao, mức sống của đại bộ  phận người dân còn thấp. Chính vì điều đó, việc bảo đảm thực hiện tốt các chính sách về điện, dịch vụ viễn thông công cộng đối với người nghèo và dân cư ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… là những vấn đề EVNCPC quan tâm. Riêng đối với Dak Lak là một trong 4 tỉnh Tây Nguyên mà EVNCPC chịu trách nhiệm quản lý, với sự chỉ đạo sát sao từ Tổng Công ty, PC Dak Lak đã hoàn thành nhiệm vụ cấp điện cho các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, cũng như cơ bản hoàn thành nhiệm vụ sau tiếp nhận bàn giao lưới điện nông thôn.

Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung Thi công đường điện về các thôn, buôn xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột).                                                   Ảnh: Đ.L
Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung Thi công đường điện về các thôn, buôn xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Đ.L

Đối với nhiệm vụ cấp điện cho các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, trong những năm qua, nhiều dự án lớn với kinh phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng đã được Nhà nước đầu tư trên địa bàn tỉnh Dak Lak đã tạo ra cú hích quan trọng cho  việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Trong đó, đặc biệt có dự án “Cải tạo lưới điện nông thôn” vào năm 2001, PC Dak Lak đã thực hiện lắp đặt công tơ cho hơn 10.000 khách hàng của 18 xã thuộc 4 huyện trong tỉnh, với nguồn vốn chủ yếu được vay từ Ngân hàng Thế giới (WB). Công trình này nghiệm thu đã mang đến những thay đổi đáng kể trong đời sống nhân dân các vùng nông thôn chưa có điện, góp phần làm nên diện mạo mới của nhiều vùng quê. Sang năm 2008, dự án cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên được động thổ, trong đó địa bàn tỉnh Dak Lak có 314 thôn buôn được thụ hưởng dự án (thường gọi là Dự án 314 thôn, buôn). Đây là một Dự án lớn, trải dài trên 4 tỉnh Tây Nguyên có tổng kinh phí đầu tư gần 1.300 tỷ đồng. Riêng tại Dak Lak, Dự án có tổng mức đầu tư gần 412 tỷ đồng cho cả hệ thống gồm: 477km đường dây trung áp, 559km đường dây hạ áp, 297 trạm biến áp, cấp điện cho hơn 22 ngàn hộ gia đình của 314 thôn, buôn thuộc 11/15 huyện. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 95% người dân được sử dụng điện, trong đó, những xã vùng sâu, đường sá đi lại khó khăn như Cư San, Ea Trang (huyện M’Drak), Ia R’vê, Ya Lốp (Ea Súp)... đều đã có điện.

Cùng với việc xây dựng lưới điện phục vụ cho các thôn, buôn trong tỉnh, công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn sau khi được EVN và EVNCPC triển khai cũng được PC Dak Lak chú trọng triển khai. Hiện, đã có 37/43 tổ chức kinh doanh bán lẻ điện năng trên địa bàn tỉnh bàn giao lưới điện và khách hàng về cho ngành điện quản lý, với số lượng gần 80 ngàn khách hàng. Để bảo đảm cho nhân dân được sử dụng điện an toàn, ổn định với chất lượng tốt và trả tiền điện đúng giá Nhà nước qui định, sau tiếp nhận, đơn vị đã tiến hành thay mới công tơ, sửa chữa những điểm có nguy cơ gây mất an toàn, cùng với hàng loạt các biện pháp nhằm giảm tổn thất điện năng. Bên cạnh đó, đơn vị đã áp dụng giá bán điện bậc thang cho khách hàng và thực hiện chính sách hỗ trợ giá của Chính phủ với các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp. Qua đó, khách hàng sử dụng điện đã có nhiều phản hồi thể hiện sự đồng tình ủng hộ đối với việc triển khai thực hiện chủ trương này.

Sự phát triển của EVNCPC và của PC Dak Lak thời gian qua còn có sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như sự hỗ trợ hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền địa phương… Qua đó, hệ thống lưới điện và cơ sở hạ tầng của khu vực không ngừng được mở rộng, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung.

Trần Đình Thanh


Ý kiến bạn đọc