Multimedia Đọc Báo in

Trồng dưa hấu không theo quy hoạch: Hậu quả khó lường!

08:11, 07/12/2011

Khoảng vài năm trở lại đây, khi giá dưa hấu tăng cao, người dân tại 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp đang đua nhau trồng, khiến diện tích loại cây này tăng lên nhanh chóng và rất khó kiểm soát. Điều này gây nên những hệ lụy xấu cho sản xuất nông nghiệp tại đây…

Thương lái đổ về mua dưa hấu tại huyện Ea Súp.
Thương lái đổ về mua dưa hấu tại huyện Ea Súp.
Đổ xô trồng dưa hấu...
Vùng đất thuộc 2 huyện Ea Súp và Buôn Đôn được đánh giá là đất bạc màu, phần lớn đều là đất cát pha, tầng đất mỏng, trữ nước kém. Chính vì vậy, hầu hết các loại cây trồng ở đây đều kém phát triển, năng suất không cao, trừ một số vùng đất trũng thích hợp trồng lúa nước. Hằng năm, cứ đến mùa khô, sau khi thu hoạch lúa hè thu (khoảng tháng 11) thì nhiều diện tích đất lại bị bỏ hoang, đến sau Tết Nguyên Đán bà con mới bắt đầu tỉa ngô, trồng cây hoa màu. Từ khi cây dưa hấu được người dân ngoại tỉnh đưa lên trồng trên vùng đất này, thì bà con bản địa mới biết đây là loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trong vùng; chỉ trồng trong thời gian 70-75 ngày đã cho thu hoạch; nhiều hộ dân từ đó trở nên giàu có. Tại huyện Buôn Đôn hiện nay, phần lớn diện tích dưa hấu được trồng ở các xã Ea Wer, Ea Bar, Cư Knia, Krông Na… đều do người dân ở tỉnh Quảng Ngãi lên thuê đất để trồng. Anh Huỳnh Văn Luật, tạm trú tại xã Krông Na cho biết: năm nay anh thuê được 5 sào đất của người dân địa phương để trồng dưa hấu, giá thuê từ 500-700 nghìn đồng/sào, cộng cả chi phí đầu tư phân bón, thuốc BVTV, giống cây v.v… mỗi sào hết trên 8 triệu đồng. Thời điểm này rẫy dưa của anh đang bước vào giai đoạn chuẩn bị thu hoạch. Theo anh Luật: trồng dưa hấu ở đây là “làm một mùa ăn cả năm”, chỉ cần nắm vững kỹ thuật và chịu khó đầu tư công chăm sóc, mỗi sào dưa cho năng suất từ 4,5-5 tấn quả, với giá hiện nay từ 10.000- 12.000 đồng/kg (cao hơn cùng kỳ năm ngoái 4.000-6.000 đồng/kg) thì trừ chi phí cũng lãi được chừng 40 triệu đồng. Những năm trước đây, một số người dân Quảng Ngãi đến thuê đất trồng dưa hấu cũng đã hướng dẫn kỹ thuật cho người dân bản địa, và trong 2 năm qua bà con nơi đây trồng khá hiệu quả và đang ngày càng mở rộng diện tích. Họ thường lập thành từng nhóm từ 3- 5 người, cùng góp đất, vốn để trồng dưa hấu; có nhóm hộ trồng đến hàng chục ha. Còn tại các xã Ia R’vê, Ea Rôk của huyện Ea Súp, toàn bộ diện tích 333 ha dưa hấu nơi đây, chủ yếu cũng do người dân từ các tỉnh khác đến sinh sống, định cư nhiều năm tại địa phương trồng. Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ea Súp cho biết. Hiện nay, thương lái ở các tỉnh như Bình Định, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… đang nhộn nhịp về thu mua dưa hấu tận nơi cho bà con. Với giá dưa hấu đầu vụ, đã có gia đình thu lãi đến 800 triệu đồng; nếu giá cả cứ duy trì như hiện tại thì nhiều hộ sẽ thu lãi tiền tỷ”.
Vườn dưa hấu của một hộ dân tỉnh Quảng Ngãi lên thuê đất trồng tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.
Vườn dưa hấu của một hộ dân tỉnh Quảng Ngãi lên thuê đất trồng tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.
Hậu quả khó lường
Diện tích dưa hấu tại các huyện nói trên đang mỗi năm một tăng cao, người dân đổ xô trồng loại cây này, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp địa phương. Theo kế hoạch hằng năm của Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp, diện tích dưa hấu sẽ giữ ở mức khoảng 150 ha, tuy nhiên đến nay đã vượt xa con số này. Do vậy, nguy cơ trước mắt là phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng của huyện; bởi vì việc trồng dưa hấu có thời gian sinh trưởng ngắn, song lại làm lỡ thời gian để trồng các loại cây khác mang tính chủ lực của địa phương. Hơn nữa, sau vụ dưa, cây trồng khác trên nền đất đó thường dễ bị truyền lại mầm sâu bệnh, mất độ phì, tơi xốp đất nên hiệu quả giảm rõ rệt. Ông Nguyễn Ngọc Phú cho biết: hiện địa phương đang khuyến cáo người dân nên đa dạng hóa các loại cây trồng, không mở rộng thêm diện tích dưa hấu, cần chú trọng phát triển một số cây trồng có hiệu quả kinh tế cao không kém và có đầu ra ổn định hơn như cây bông vải, thuốc lá…

Ở huyện Buôn Đôn, khi người dân tỉnh khác đến thuê đất trồng dưa, họ không quan tâm đến việc cải tạo hay giữ gìn chất đất, bởi sau khi thu hoạch dưa hấu thì họ lại tìm đến nơi khác; hậu quả là người cho thuê đất thường phải mất một thời gian khá dài để cải tạo, cày xới lại nền đất đó mới trồng được cây khác. Chưa hết, khi thuê đất trồng dưa, họ thường tìm mọi cách đào bới để khai thác hết nguồn nước từ các suối, kênh mương, khiến hệ thống tưới tiêu bị hư hỏng. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, người dân ngoại tỉnh chỉ đến địa phương đăng ký tạm trú trong khoảng thời gian ngắn, và thuê những diện tích đất bất hợp pháp do người dân địa phương tự khai phá, lấn chiếm đất rừng. Việc trồng dưa hấu là hình thức tự phát, không theo quy hoạch của địa phương, vì vậy lãnh đạo địa phương không nắm rõ. Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn cũng cho biết: “Hiện, các địa phương chưa báo cáo về số diện tích trồng dưa hấu, trong khi  ngành nông nghiệp huyện Buôn Đôn cũng không có chủ trương trồng loại cây này, vì vậy chúng tôi không biết cụ thể…”.

Chính quyền địa phương và ngay cả ngành nông nghiệp huyện cũng không nắm rõ tình hình, còn người dân thì đang đua nhau trồng dưa hấu. Trong khi đó, việc thương lái đến mua dưa hấu tại 2 huyện trên đều theo hình thức tự do, không có một đơn vị nào ký hợp đồng hay trợ giá thu mua sản phẩm cho người dân.

Thông tin duy nhất mà bà con được biết là “thương lái ngoại tỉnh đến mua dưa hấu để xuất bán sang Trung Quốc”, giá cả thu mua thế nào tự các thương lái định đoạt, người dân thấy lợi trước mắt thì cứ đổ xô trồng. Thực trạng trên đang tiềm ẩn những mối lo trước mắt là: nếu thương lái đột nhiên không đến mua nữa, hay ép giá đến mức thấp nhất đối với người trồng dưa, thì hàng ngàn ha dưa hấu kia sẽ giải quyết “đầu ra” như thế nào?! Và như vậy, thiệt thòi chắc chắn không ai khác chính là người dân. Đã đến lúc các cơ quan, ban, ngành chức năng Dak Lak, đặc biệt là 2 huyện trên cần nhanh chóng vào cuộc để có những chỉ đạo, hướng dẫn hợp lý…

Lê Thành

Ý kiến bạn đọc