Multimedia Đọc Báo in

Đa dạng các loại hình dịch vụ ở nông thôn

22:40, 23/01/2012

Không cần đi đâu xa, chỉ cần gọi qua điện thoại là người dân ở vùng nông thôn sẽ được đáp ứng ngay những gì mà họ cần, từ giống cây trồng, máy móc phục vụ sản xuất đến các dịch vụ đám cưới, đám hỏi… Sự nở rộ của các loại hình dịch vụ ở nông thôn được xem như bước tiến nổi bật trong phát triển kinh tế của địa phương, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, kéo gần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

 
Nở rộ các loại hình dịch vụ 
Một điều rất dễ nhận thấy khi về các vùng nông thôn là các loại hình dịch vụ phát triển rất đa dạng, từ dịch vụ thương mại phục vụ sản xuất như giống cây trồng, chế tạo cơ khí, máy móc đến dịch vụ Internet, điện thoại, dạy nghề, nấu ăn phục vụ các đám tiệc… đều đã trở nên gần gũi với cuộc sống của người dân vùng này. 
Dịch vụ máy sạc ngô giúp nông dân giảm công sức trong lao động
Dịch vụ máy sạc ngô giúp nông dân giảm công sức trong lao động

Trước kia, nhà ai có đám tiệc cưới, hỏi thì phải huy động hết lực lượng bà con, họ hàng đến giúp, nào là dựng rạp, đi chợ, nấu nướng, mượn bàn ghế, chén bát…, và sau mỗi buổi tiệc là “bãi chiến trường” khiến ai cũng ngao ngán. Nhưng giờ đã khác, với sự nở rộ của các dịch vụ cưới, hỏi, nấu ăn phục vụ trọn gói đã giúp giảm rất nhiều sự vất vả của người thân trong cuộc vui của gia đình. Bà Nguyễn Thị Xuân ở xã Ea Siên (TX. Buôn Hồ) cho biết, tuy cách xa thị xã nhưng các dịch vụ trên đều sẵn sàng đến tận nơi để phục vụ nhu cầu của người dân ở đây. Chỉ cần gọi điện thoại là họ đáp ứng ngay, rất tiện lợi.

Dịch vụ cung ứng giống cây trồng đang phát triển mạnh ở các vùng nông thôn
Dịch vụ cung ứng giống cây trồng đang phát triển mạnh ở các vùng nông thôn
Còn anh Nguyễn Duy Thiệu, chủ cơ sở giống cây trồng Duy Thiệu ở thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana), ngoài việc bán hàng tại chỗ, anh còn nhận giao hàng về tận nơi cho những ai có nhu cầu, đồng thời có kỹ thuật viên hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hiệu quả cho bà con. Cùng với đó, dịch vụ sau thu hoạch cũng tạo điều kiện thuận lợi cho công việc sản xuất của người dân. Cứ đến các vụ thu hoạch hoa màu, điện thoại của anh Lê Văn Tuấn (buôn Lung, xã Ea Siên, TX. Buôn Hồ) lại nóng lên bởi liên tục các cuộc gọi anh đem máy đi phục vụ sạc ngô, gặt lúa… Anh cho biết, ở nông thôn nên hầu như nhà ai cũng trồng ngô, lúa… nhưng không phải ai cũng có máy móc để phục vụ sản xuất, vì vậy công việc của anh khá đắt hàng, nhiều hôm đi đến tận 6-7 giờ tối mới về. Với giá 100.000 đồng/tấn ngô, chiếc máy giúp nông dân giảm nhiều công sức và thời gian trong công đoạn bóc vỏ ngô và lấy hạt. Bà Võ Thị Hòa (buôn Lung) cho biết, trước đây khi chưa có máy, mỗi mùa thu hoạch ngô về là phải ngồi lột vỏ ngô ra rồi lảy từng hạt hoặc giăng mùng lên, lật ngược con dao lại, một tay giữ trái ngô còn tay kia dùng dao chặt dọc xuống theo thân của trái ngô để tách hạt ra khỏi cùi. Cứ mỗi lần như vậy là tay phồng rộp lên, tốn rất nhiều công sức và thời gian. Nay có máy rồi thì rất tiện lợi, một tấn ngô, máy chỉ sạc trong vòng 20-30 phút là xong.
 
Nông thôn gần hơn với thành thị
Có thể thấy việc phát triển các loại hình dịch vụ ở nông thôn đã làm “thay da đổi thịt” vùng đất này, với sự tiện lợi mà các dịch vụ mang lại đã giúp người dân tiếp cận với xu thế phát triển của xã hội hiện đại, tạo điều kiện giao thương hàng hóa và giao lưu văn hóa giữa các vùng miền. Ông Huỳnh Văn Trình, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Wy cho biết, những năm trước, khi cần mua hàng hóa nhiều tiền, người dân địa phương phải đi hàng chục cây số để đến trung tâm huyện, thì nay chợ xã phát triển mạnh nên họ mua hàng rất dễ dàng. Hiện toàn xã có 280 cơ sở kinh doanh, trong đó có 8 doanh nghiệp (xe máy, xăng dầu và mộc) và hàng trăm hộ kinh doanh nhỏ, nhiều nhất là may mặc, mộc, sửa chữa cơ khí… đã tạo lợi ích thấy rõ là góp phần tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho người dân. Chợ Ea Wy cũng thu hút nhiều hộ dân từ các xã Cư Amung, Cư Mốt, Ea Khal đến mua bán hàng hóa… tạo nên sự năng động, kích thích giao lưu trao đổi hàng hóa giữa Ea Wy và các địa phương lân cận, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương. Anh Trương Hồng Tài (thôn 3B) đang buộc chiếc ti vi vừa mới mua để chở về nhà, vui vẻ chia sẻ: “Ở đây hàng hóa đầy đủ, cần mua gì chỉ chạy ra chợ xã là có ngay; có khi chưa có tiền cũng mua được, đến mùa thu hoạch đem trả”.. . Còn chị Lê Thị Yến, chủ đại lý bán giống cây trồng ở thị trấn Ea Drăng cho hay: Bà con trong huyện đang có nhu cầu rất lớn về giống cây trồng để phát triển kinh tế. Vì vậy, các dịch vụ cung ứng giống cây trồng, vật nuôi hình thành đã tạo điều kiện cho bà con mua ngay trên địa bàn mà không cần phải lên TP. Buôn Ma Thuột cách xa hàng trăm kilômét.
Sôi động dịch vụ thương mại ở xã Ea Wy
Sôi động dịch vụ thương mại ở xã Ea Wy
Với sự đa dạng của các loại hình dịch vụ ở nông thôn cho thấy tốc độ phát triển kinh tế ở đây đang dần bắt kịp với thành thị, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa hai vùng, tạo được sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
 
Nguyễn Lê Minh

Ý kiến bạn đọc