Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp Dak Lak tự tin bước vào hội nhập

20:35, 27/01/2012

Nhạy bén nắm bắt xu thế thị trường và chủ động ứng phó, khai thác tối đa lợi thế phát triển gắn với lợi ích cộng đồng, nhiều doanh nghiệp Dak Lak đã vượt qua khó khăn để vươn tới thành công, tự tin bước vào hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần nâng cao vị thế doanh nghiệp trên thương trường.

   
“Tầm nhìn xa” trong dự án đầu tư quốc tế
 
Với các dự án đầu tư sang Lào và Campuchia có tổng trị giá 50 triệu USD, Công ty TNHH MTV Cao su Dak Lak (Dakruco) là doanh nghiệp của tỉnh đi tiên phong trong lĩnh vực đầu tư quốc tế.
Lãnh đạo Dakruco thị sát dự án trồng cao su trên đất Lào
Lãnh đạo Dakruco thị sát dự án trồng cao su trên đất Lào

Triển khai thực hiện từ năm 2005, đến nay dự án trồng cao su của Công ty tại 4 tỉnh Nam Lào đã mang lại hiệu quả ban đầu với 10.000 ha cao su chuẩn bị cho khai thác, 1 nhà máy chế biến mủ cao su hiện đại được xây dựng. Theo lãnh đạo công ty, để dự án thành công thì điều tiên quyết vẫn là ý chí quyết tâm của con người. Ông Nguyễn Ngọc Nguyên, một trong những cán bộ chủ chốt của Công ty từng trực tiếp điều hành dự án nhớ lại: “Thật khó hình dung những khó khăn thử thách mà Công ty và anh em tham gia dự án phải đối mặt thuở ban đầu trên vùng đất xa xôi, từ nguồn lực, thể chế, đến lao động, cơ sở hạ tầng… Anh em đã không quản ngại vất vả thiếu thốn với những cơn gió Lào thiêu đốt cả mùa khô, những trận mưa thối đất biến những cánh rừng khai hoang thành ốc đảo, kiên trì thực hiện “3 cùng” với người dân bản địa, hướng dẫn họ về kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác cao su… Tất cả sự hòa đồng, nếm trải đó đã mang lại kết quả to lớn, đó là những cánh rừng cao su bạt ngàn phủ xanh vùng đất hoang năm xưa, một phần lớn diện tích đang chuẩn bị bước vào mùa khai thác”. 

Đi đôi với hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả xã hội cũng được khẳng định. Không chỉ thay đổi tập quán sản xuất theo hướng tiên tiến, tạo việc làm và thu nhập cho người dân bản địa, dự án còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của nước bạn thông qua việc phát triển giáo dục và y tế. Các hạng mục công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng phục vụ dự án như: Mạng lưới điện sinh hoạt, hệ thống giao thông, cơ sở y tế…cũng chính là công trình dân sinh thiết thực cho đồng bào trong vùng dự án. Đến nay Công ty đã xây dựng 2 trường tiểu học cho bản Laongam của tỉnh Salavan và bản May của tỉnh Champasak, 4 trạm y tế phục vụ khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Sự đầu tư phát triển hài hòa đó thể hiện tầm nhìn dài hạn của Công ty, sự gắn  bó và quyết tâm đầu tư lâu dài của dự án, tạo niềm tin cho chính quyền và người dân Lào. Công ty trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được đại diện chính phủ Lào ký hợp đồng chính thức nhượng đất Nhà nước để trồng cây cao su tại tỉnh Champasak và tỉnh Salavan. 
 
 Thời gian tới, Dakruco tiếp tục mở rộng đầu tư theo hướng đa khu vực, đa quốc gia, đó là một trong những giải pháp chiến lược để doanh nghiệp tự tin bước vào hội nhập kinh tế thế giới, góp phần khẳng định vị thế doanh nghiệp, doanh nhân Dak Lak trên thương trường.  
 
 
Doanh nghiệp trẻ khẳng định thương hiệu trên thị trường
 
Mới ra đời từ năm 2008, nhưng Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á – ASEAN Steel (Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) đã tạo dựng được thương hiệu, đứng vững trên thị trường trong nước và vươn ra quốc tế nhờ chiến lược kinh doanh linh hoạt, chú trọng vào chất lượng, lấy chữ tín làm đầu.
Mặc dù là doanh nghiệp (DN) non trẻ trong lĩnh vực sản xuất thép nhưng ASEAN Steel được đánh giá là một trong những DN mạnh ở Dak Lak, tạo được uy tín trên thị trường bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm và các chiêu thức cạnh tranh lành mạnh trên thương trường. 
Bền, chắc là điều quan trọng nhất tại nên thương hiệu ASEN Steel
Bền, chắc là điều quan trọng nhất tại nên thương hiệu ASEN Steel
Trong năm 2011, nhiều DN thép lao đao vì suy thoái kinh tế, giá cả tăng cao, nhu cầu xây dựng giảm, thì Công ty vẫn tiếp tục phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Ông Nguyễn Đồng Tài, Giám đốc Kinh doanh của DN chia sẻ: Công ty luôn xây dựng chiến lược kinh doanh linh hoạt để chủ động ứng phó với khó khăn trong từng thời điểm, sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường và tạo chữ tín với khách hàng bằng chất lượng sản phẩm. Để thực hiện điều đó, năm qua Công ty đã đầu tư thêm máy móc, dây chuyền theo công nghệ hiện đại nhằm tăng công suất thêm 150%, đạt 140.000 tấn/năm; cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng thành phẩm. Với mục đích cao nhất là tạo ra sản phẩm với giá cạnh tranh, DN đã thực hiện giảm chi phí sản xuất bằng cải tiến kỹ thuật ở các khâu vận hành, tiết kiệm năng lượng, mua nguyên liệu giá rẻ và tự túc sản xuất, sửa chữa linh kiện. Bởi vậy, sản phẩm của Công ty vẫn đứng vững trên thị trường các tỉnh phía Nam, Trung bộ và Tây Nguyên, trong đó chiếm 40% thị trường ở Dak Lak. Trong bối cảnh cắt giảm đầu tư công, các công trình xây dựng lớn khởi công rất ít, DN rất nhạy bén trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường bằng cách giảm sản lượng các sản phẩm phục vụ xây dựng công nghiệp, tập trung vào các sản phẩm xây dựng dân dụng. Đồng  thời, hướng ra thị trường nước ngoài như Thái Lan, Campuchia, Philippin…với doanh thu từ xuất khẩu lên đến 12 triệu USD. Không dừng lại ở kết quả đã đạt được, Công ty xây dựng chiến lược phát triển  hướng đến những sản phẩm chất lượng cao để vươn xa ra thị trường quốc tế và thay đổi phương thức bán hàng theo hướng đại trà, giảm giá thành bằng cách giảm khâu vận chuyển để tất cả khách hàng đều mua được sản phẩm ngay tại nơi sản xuất.
 
Thành công nhờ chiến lược kinh doanh hợp lý
 
Với chiến lược kinh doanh hợp lý, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ (SX-TM-DV) Việt Thắng (Cụm Công nghiệp Ea Đar, huyện Ea Kar) đã vươn lên chiếm giữ vị trí độc tôn trên thị trường khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ về sản phẩm giày, dép, ủng nhựa thương hiệu Việt Thắng. Người đi đầu trong việc tạo dựng thương hiệu đó là bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Công ty.
Kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng tại Công ty Việt Thắng
Kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng tại Công ty Việt Thắng
Khởi nghiệp từ việc buôn bán giày dép ở Ea Kar, bà Dung nhận thấy nhu cầu tiêu thụ giày dép ở khu vực Tây Nguyên là rất lớn, nhưng sản phẩm chủ yếu lại được nhập từ Sài Gòn lên, vừa mất thời gian, vừa chịu nhiều chi phí; sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng giá thành bị đôn cao lên gấp nhiều lần. Từ đó, bà Dung quyết tâm xây dựng nhà máy sản xuất giày dép ngay tại địa phương để vừa giảm giá thành sản phẩm vừa tạo thêm việc làm cho lao động tại chỗ. Khắc phục những khó khăn ban đầu về thị trường, công nghệ, nhân lực, Công ty Việt Thắng ngày càng phát triển vững mạnh, hiện đã lắp đặt 3 máy sản xuất ủng, 4 máy sản xuất dép với dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, công suất 3 triệu đôi/năm; đội ngũ kỹ thuật, công nhân trên 100 người. Với phương châm: sản phẩm làm ra phải gắn liền với thực tế, mang lại sự thoải mái tiện lợi cho người sử dụng, mỗi mẫu mã sản phẩm trước khi đưa vào sản xuất đại trà đều được Công ty nghiên cứu để phù hợp với điều kiện địa lý ở Tây Nguyên. Sản phẩm giày, dép, ủng cao su bảo đảm các tiêu chí bền, rẻ, tiện dụng nên đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Tây Nguyên và thị trường khu vực Nam Trung bộ. 
 
Ngoài việc sản xuất những mặt hàng quen thuộc đã có chỗ đứng trên thị trường, Công ty còn tập trung nghiên cứu và cho ra những mẫu mã mới mang nét đặc trưng của Việt Thắng. Trong chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh, Công ty đặc biệt chú trọng đến việc tạo ra một hành lang pháp lý để bảo vệ thương hiệu của mình, thực hiện đăng ký thương hiệu cho mỗi mẫu mã, sản phẩm mới. Hiện nay Công ty đã đạt chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2008; 2 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp là bộ quần áo bảo hộ phun thuốc trừ sâu và quần áo đi mưa. Với quyết tâm đưa thương hiệu Việt Thắng vươn xa, Công ty đang nghiên cứu và chuẩn bị tung ra thị trường gần chục sản phẩm nhựa mới, hướng tới những ngư dân vùng biển, những người làm lúa ở đồng bằng… đồng thời mở các điểm phân phối sản phẩm trong cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
 
Ngọc Hoa – Minh Thông – Văn Lệ

Ý kiến bạn đọc