Multimedia Đọc Báo in

“Đồng Tháp Mười giữa lòng Tây Nguyên”

09:37, 26/01/2012

Dòng sông mẹ Krông Ana đã sản sinh ra một vùng đầm lầy độc nhất vô nhị trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ. Dưới bàn tay và khối óc của con người, một vùng đất trù phú đã hình thành, níu giữ người dân khắp nơi đến lập nghiệp, tạo nên một “Đồng Tháp Mười” ở Tây Nguyên…

 
Huyền thoại một cánh đồng
 
Thuộc địa bàn hai huyện Krông Ana và Lak, cánh đồng Buôn Triết đang từng ngày mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây. Vậy nhưng ít ai ngờ, mảnh đất này vốn hoang vu với bạt ngàn lau sậy. Không khí lao động hăng say vẫn còn in đậm trong ký ức của những người một thời đi khai hoang, mở đất cánh đồng Buôn Triết những ngày sau giải phóng. Công trình Buôn Triết có thể coi là kỳ tích của tinh thần đoàn kết lao động không mệt mỏi và nó gắn liền với tên tuổi của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Kiên. Ngày ấy, theo nhận định của vị Bí thư Tỉnh ủy này, Buôn Trấp (Krông Ana), Buôn Triết (Lak) và Đức Xuyên (Krông Nô, tỉnh Dak Nông ngày nay) là vùng giàu tiềm năng để phát triển cây lương thực, có tầm vóc lớn hơn cánh đồng Tuy Hòa ở Phú Yên (lớn nhất của khu V thời bấy giờ). Và nghĩ là làm, mục tiêu đặt ra đối với công trường Buôn Triết là tập trung xây dựng hồ thủy lợi và khai hoang cánh đồng; trong đó công trình thủy lợi Buôn Triết có sức chứa vào khoảng 4 triệu m3 nước và công trình thủy lợi Buôn Tría với sức chứa khoảng 1 triệu m3 nước, phục vụ nước tưới cho cánh đồng khoảng 3.000 ha. 
 
Tất cả sẽ chùn bước và có thể coi là không khả thi nếu không có quyết tâm cao độ và sự đồng lòng của cả một tập thể bởi đối diện là muôn vàn những khó khăn. Buôn Triết ngày ấy là vùng đầm lầy nước ngập ngang bụng, lau sậy cao quá đầu. Muỗi là “đặc sản” ở đây bởi chúng nhiều vô kể. Và đáng sợ nhất là thú dữ. Trong khi đó phương tiện lao động thô sơ, dụng cụ chủ yếu là cuốc, xẻng, sức người thay máy móc. Khối lượng công việc nặng nhọc, ăn uống thì thiếu thốn, kham khổ quả là một thử thách lớn cho lòng quyết tâm của tập thể lãnh đạo, công nhân viên chức và nhân dân ngày ấy.
Sức người đã chinh phục cánh đồng Buôn Triết một thời hoang vu, bạt ngàn lau sậy
Sức người đã chinh phục cánh đồng Buôn Triết một thời hoang vu, bạt ngàn lau sậy
Nhưng “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, Buôn Triết trở thành một công trường lớn với hàng vạn lao động trong đó nòng cốt và hùng hậu nhất là lực lượng thanh niên xung phong, ngày đó gọi là Tổng đội Thanh niên xung phong của Tỉnh Đoàn Dak Lak. Trong ký ức của ông Dương Thanh Tương (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khi ấy là Bí thư Tỉnh Đoàn, kiêm Chỉ huy trưởng Thanh niên xung phong trực tiếp tham gia tại công trường Buôn Triết) những cơ quan hành chính, sự nghiệp cũng thành lập các trụ sở dã chiến ngay tại cánh đồng, vừa làm công tác chuyên môn, vừa chỉ đạo công việc khai hoang và cùng nhau lao động… Cứ người nối người, hàng nối hàng, từng khối đất được chuyền tay nhau để đắp đập. Trâu bò voi cũng được huy động để khai hoang, cày đất, dẫm, lèn. 
 
Sau 3 năm chống chọi với vô vàn thử thách, những nhiệm vụ đặt ra đã cơ bản hoàn thành, thiên nhiên khắc nghiệt đã bị khuất phục trước sức mạnh của con người. Người dân lúc bấy giờ thấy những thành quả đạt được càng lạc quan, hăng hái tiếp tục những công việc còn lại và mở rộng diện tích để từ đó hình thành nên vùng cánh đồng Buôn Triết ngày nay. 
 
“Đồng Tháp Mười” ở Tây Nguyên
 
Từ 40 ha lúa đầu tiên quanh công trình thủy lợi Buôn Triết, hệ thống thủy lợi dần được hoàn thiện đã làm năng suất tăng cao, diện tích phát triển nhanh chóng; từ đây, có rất nhiều người giàu lên từ cây lúa. Họ đem những kinh nghiệm trồng lúa nước từ quê mình, bằng bàn tay và khối óc cần cù sáng tạo đã vươn lên thành những đại gia, tỷ phú từ lúa trên Tây Nguyên. Người dân đôi bờ sông Krông Ana thuộc huyện Lak và Krông Ana không ít người biết đến “tỷ phú lúa” Lã Như Kỹ, thôn Sơn Cường, xã Buôn Tría. Từ Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, ông cùng gia đình đi kinh tế mới vào đây năm 1978 khi còn là một chàng trai tuổi đôi mươi. Đầu những năm 1990, ông Kỹ cùng mấy người bạn khai khẩn 20 ha đất hoang để trồng lúa. Đến nay, ông có khoảng 30 ha đất lúa, mỗi năm thu hoạch hơn 300 tấn. Hạt lúa đã cho gia đình ông thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, xây được nhà to, mua xe hơi đắt tiền.
Cánh đồng Buôn Triết hôm nay
Cánh đồng Buôn Triết hôm nay
Không phải là đại gia trồng lúa nhưng ông Vũ Châu Sơn (thôn Liên Kết 1, xã Buôn Tría) cũng được nhiều người biết đến. Ông nghỉ việc ở Công ty Vật tư tổng hợp Dak Lak chuyển sang làm lúa năm 1994. Thời gian đầu, ông Sơn ngày ngày phát cỏ khai hoang đến tứa máu tay. Vụ đầu tiên, cây lúa còn “chưa quen đất” nên ông thất thu. Nhờ kiên trì, chịu khó và có kinh nghiệm làm lúa nước của một người đến từ quê lúa, những vụ sau ông thu được thành công. Đặc biệt, ngoài những giống lúa phổ thông, ông còn cấy giống tám thơm chất lượng cao, lợi nhuận lớn. Gia đình ông có hơn 4 ha lúa 2 vụ, với năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha, thu được 40 tấn lúa. Trừ chi phí đầu tư 15-17 triệu đồng/ha, mỗi năm thu nhập của gia đình ông cũng lên tới hơn cả trăm triệu đồng. Cũng như bao người dân khác nơi đây, nhờ cây lúa, ông có kinh tế ổn định, có tiền xây được nhà và nuôi các con trưởng thành. 
 
Thuộc thế hệ thứ hai đổi đời nhờ cây lúa, anh Nguyễn Văn Huynh (buôn Tung 1, xã Buôn Triết) đang sở hữu một cơ ngơi khang trang với ngôi biệt thự trị giá tiền tỷ. Xuất thân là “con nhà lúa”, anh Huynh đã có khá nhiều kinh nghiệm trong việc gieo trồng. Hơn thế, anh còn mạnh dạn đưa những giống lúa mới vào đồng ruộng và áp dụng tiến bộ khoa học trong chăm sóc nên diện tích lúa của gia đình luôn cho năng suất khá cao, xấp xỉ 10 tấn/ha. Vì vậy, với hơn 100 tấn thóc thu được, trừ chi phí thì tính sơ sơ, trung bình mỗi năm anh cũng có thu nhập từ 300-400 triệu đồng.
 
Trao đổi về vấn đề cơ giới hóa trong sản xuất, Phó Chủ tịch xã Buôn Triết Nguyễn Thị Vui nói một cách hình tượng: “Cánh đồng hàng nghìn héc-ta nhưng thu hoạch chỉ trong vài ngày là trắng đồng”. Cứ đến xã Buôn Triết vào vụ thu hoạch, máy gặt đập liên hợp lại hoạt động rộn ràng khắp cả cánh đồng. Hạt lúa vàng đã thực sự làm đổi thay cuộc sống của người dân…
 
Giang Nam – Đàm Thuần

Ý kiến bạn đọc