Gặp những nông dân say mê cây cảnh
Những năm gần đây, phong trào chơi cây cảnh của người dân thôn 15, xã Ea Ning (huyện Cư Kuin) phát triển mạnh. Tuy là những nghệ nhân không chuyên, xuất thân từ nông dân nhưng niềm đam mê, sáng tạo đã giúp họ xây dựng nhiều vườn cây cảnh có giá trị. Tham gia phong trào sinh vật cảnh không chỉ là thú vui, niềm đam mê mà còn mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho người dân trong thôn.
Từ thú vui tao nhã…
Trong không khí những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp ghé về thôn 15, xã Ea Ning (Cư Kuin). Những mái nhà lá, vách gỗ không còn, thay vào đó là những căn nhà xây kiên cố, hiện đại với những chiếc cổng rào bằng sắt chắc chắn bên trong là những chậu cây cảnh đẹp mắt…
Ông Phạm Song Toàn (bên trái) đang chăm sóc cho các chậu cây cảnh. |
Vào thăm vườn cây của gia đình ông Phạm Song Toàn đúng lúc ông đang tạo thế cho cây lộc vừng. Với đôi bàn tay của ông những cây đa, đề, sanh, si, lộc vừng và nhiều loài cây khác nữa đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật, có giá trị bạc tỷ. Thời điểm này, khu vườn của gia đình ông có hàng trăm cây cảnh các loại, trong đó nhiều cây lâu năm có trị giá đến hàng trăm triệu đồng như: sanh, si, tùng, lộc vừng... Ông Toàn cho biết: "Trồng cây cảnh đòi hỏi phải có sự đam mê, kiên trì, khéo léo từ khâu tỉa cành, tạo thế đến thời điểm tưới nước, bón phân. Để có được vườn cây cảnh với số lượng lên đến hơn 500 cây như ngày hôm nay, tôi đã vào rừng, lội suối để tìm kiếm; ban đầu chỉ là thú vui, niềm đam mê những lúc nông nhàn sau vụ mùa thu hoạch cà phê. Nhưng bây giờ, các chậu cây cảnh như trở thành những đứa con ruột thịt của chính mình”. Khi mới “vào nghề”, bên cạnh việc tìm hiểu qua sách báo, ông Toàn đã lặn lội tìm đến các tỉnh thành như Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên để học hỏi cách trồng và tạo thế cho cây. Với kinh nghiệm và niềm đam mê cây cảnh, ông Toàn đã truyền lại nghề cho con trai. Hiện nay, người con của ông cũng đang sở hữu trong tay một vườn cây cảnh lớn và có giá trị trên địa bàn xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột).
Rời vườn cây của ông Toàn, chúng tôi tiếp tục ghé thăm vườn cây của gia đình ông Đỗ Xuân Bang. Dù đang vào mùa hái cà phê, nhưng ông Bang luôn dành thời gian để chăm sóc, tỉa cành cho vườn cây cảnh của mình, bởi với ông nó là niềm vui của tuổi già, vừa mang lại nguồn thu nhập cho gia đình cả trăm triệu đồng mỗi năm. Ông chia sẻ, chơi cây cảnh, theo nhiều người là thú chơi tao nhã, quý tộc và không kém phần xa xỉ của những bậc vua chúa, cao nhân xưa muốn tìm chút yên bình khi về già. Nhưng ngày nay, đối với tôi và hầu hết người dân trong thôn thì chơi cây cảnh là một niềm đam mê, nó khiến con người ta gần gũi với thiên nhiên, tận hưởng những giây phút yên bình trong cuộc sống. Đừng nói sự vật vô cảm, ngược lại nó rất có hồn, những cảm xúc thường có của con người như vui, buồn, hạnh phúc hay đau khổ đều hiện diện qua những thế, dáng cây. Hơn thế nữa, bây giờ phong trào chơi cây cảnh đã mang lại giá trị kinh tế to lớn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân gia đình tôi và đa số người dân địa phương.
Ông Đỗ Xuân Bang tỏ vẻ hài lòng trước cây xanh có giá trị của mình. |
Trở thành nghề kinh doanh
“Thôn 15 hiện có 210 hộ dân, bây giờ hầu như 100% hộ đều tham gia trồng và chơi cây cảnh, nhà nào ít thì cũng chừng chục cây chưng để chơi, hộ nhiều thì lên đến cả nghìn cây”, ông Lê Hồng Dong, thôn trưởng thôn 15, xã Ea Ning cho biết. Hiện nay, khi thị trường cây cảnh trở nên đa dạng, phong phú với nhiều chủng loại cây có giá trị, thì phong trào chơi cây cảnh để buôn bán và sưu tầm trên địa bàn thôn 15 cũng diễn ra rất sôi nổi. Với những người có tiền, họ thường lùng sục, săn tìm các dáng cây, thế đẹp của những người trong nghề mua lại rồi bán kiếm lời. Còn với những người ít vốn hoặc không có vốn, họ thường ươm các loại cây giống rồi cắt tỉa, uốn nắn những dáng cây theo ý muốn của mình. Theo những nghệ nhân không chuyên ở đây cho biết, một cây sanh trồng từ 3 - 4 năm tuổi, khi xuất bán cũng có giá từ 500.000 đến 600.000 đồng. Không dừng lại ở đó, người dân nơi đây còn rất năng động, sáng tạo và nhạy bén tìm tòi các cây cảnh quý hiếm, cắt tỉa những thế cây lạ và đẹp... Bây giờ, để bổ sung thêm nguồn cây trong vườn, hầu hết những người chơi cây cảnh thôn 15 đều đầu tư kinh phí để ươm cây con, cây giống nhằm cung cấp cho khách hàng những chậu cây đẹp nhưng giá thành lại rẻ.
Anh Nguyễn Đức Bắc, người có kinh nghiệm hơn 20 năm chơi cây cảnh trong thôn cho biết, với kinh nghiệm của một người trong nghề, có những loại cây khi mua giá chỉ khoảng 15 đến 20 triệu đồng, nhưng sau 1 năm chăm sóc, tạo thế lại có thể bán tới 70 đến 80 triệu đồng là điều bình thường. Vì thế, trong năm nay, số tiền bán cây cảnh cũng được gần 200 triệu đồng, nhưng anh quyết định “tậu” những thế cây đẹp ở các nơi khác về trồng và chăm sóc, chờ khi có người trả được giá sẽ bán. Từ niềm đam mê cây cảnh, anh Bắc đã nắm giữ được nhiều bí quyết tạo thế và dáng cây. Do đó, anh thường xuyên đi cắt tỉa cây cảnh thuê cho các hộ gia đình trên địa bàn huyện và các vùng lân cận để nâng cao tay nghề và kiếm thêm thu nhập. Khi phong trào chơi cây cảnh phát triển, len lỏi vào từng ngõ ngách của từng gia đình ở thành thị và cả nông thôn, thì nhiều hộ dân thôn 15 đã bắt đầu sống bằng nghề kinh doanh cây cảnh, mở ra một cơ hội, hướng đi mới cho người nông dân.
Với người dân thôn 15, xã Ea Ning, việc trồng cây cảnh đã có từ lâu, tuy nhiên nó chỉ thực sự phát triển mạnh khoảng từ 6 năm nay. Bên cạnh nguồn thu nhập chính từ các loại cây lâu năm như cà phê, hồ tiêu, thì phong trào trồng cây cảnh cũng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo cảnh quan, cân bằng môi trường sinh thái, bảo vệ thiên nhiên, làm đẹp bộ mặt vùng nông thôn.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc