Làm nông kiểu mới
08:48, 25/01/2012
Từ bỏ tư tưởng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chỉ chú trọng sản xuất những gì mình có mà không chú ý đến nhu cầu thị trường… để hướng tới sản xuất tập trung, có sự liên kết, tạo ra những sản phẩm có giá trị hàng hóa chất lượng cao đáp ứng cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu… Đó là tư duy làm nông kiểu mới đang được nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh hướng đến.
Chú trọng liên kết
Liên kết trong nông nghiệp đang là một trong những vấn đề “nóng” ở các cuộc họp bàn về phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhiều liên minh sản xuất được ra đời trên cơ sở đồng thuận của 4 nhà (Nhà nước – doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà nông), tạo được cú hích cho nông nghiệp phát triển bền vững. Theo đó, đã có 2 liên minh sản xuất cà phê bền vững được thành lập, đó là liên minh xã Cư Êbur (gồm 182 hộ nông dân của 2 buôn Dhă Prông và Ea Bông) và Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9; Công ty Liên doanh Đak Man – và xã Hòa Đông, Ea Tu (gồm 10 nhóm hộ nông dân). Với sự hỗ trợ của Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) Dak Lak, hai doanh nghiệp trên đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật cho hàng trăm lượt nông dân để trang bị những kiến thức cần thiết phục vụ sản xuất. Ngoài ra, những nông dân tham gia liên minh còn được hỗ trợ 40 % vốn sản xuất khi đáp ứng được 60% vốn đối ứng. Việc hỗ trợ này không chỉ góp phần giảm bớt gánh nặng đối với nông dân mà còn làm thay đổi cơ bản tập quán sản xuất kinh doanh và tạo ra thói quen hoạch định kế hoạch sản xuất cho bà con. Chị H’wớt Ênuôl ở buôn Dhă Prông, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột cho hay: trước đây chị làm cà phê nhưng không có sự tính toán trước công việc nên số tiền để đầu tư lại cho vụ sau thường bị thâm hụt. Từ khi tham gia liên minh, gia đình đã biết cách xây dựng kế hoạch chi tiêu hợp lý, tìm hiểu kỹ giá cả thị trường trước khi bán sản phẩm.
Đàn heo rừng lai của Công ty TNHH N.N.H là nơi cung cấp giống cho các hộ trong liên minh sản xuất và tiêu thụ heo rừng Tây Nguyên |
Nối tiếp 2 liên minh trên, liên minh sản xuất và tiêu thụ heo rừng Tây Nguyên được thành lập nhằm hỗ trợ nông dân chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, tăng lợi nhuận, góp phần hạn chế tình trạng săn bắn động vật hoang dã, tạo sản phẩm an toàn cho thị trường. Tham gia liên minh gồm Công ty TNHH N.N.H và 90 hộ nông dân thuộc ba huyện Ea Kar, Krông Pak và M’Drak. Theo đó, người nuôi heo rừng được ACP Dak Lak hỗ trợ 40% tổng giá trị đầu tư ban đầu, gồm tiền mua con giống, vật tư xây dựng chuồng trại và tiền thức ăn; được tham gia các lớp tập huấn và chuyển giao kỹ thuật xây dựng chuồng trại, các quy trình phòng bệnh và chăm sóc heo rừng. Đặc biệt, người nuôi còn được ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với điều kiện sản phẩm phải bảo đảm theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm…
Theo Phó giám đốc ACP Dak Lak, ông Đỗ Thành Chung, việc hình thành các liên minh không chỉ bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm, mà còn tạo niềm tin của các doanh nghiệp đối với nông dân. Sản phẩm được sản xuất theo bộ tiêu chuẩn đã góp phần nâng cao chất lượng, từ đó các doanh nghiệp thu mua luôn tin tưởng vào sản phẩm của các thành viên tham gia liên minh.
Sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch
Sản xuất nông nghiệp sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường đang là mục tiêu phấn đấu của ngành nông nghiệp tỉnh. Việc sản xuất ra sản phẩm có chứng nhận đang được các tổ chức, doanh nghiệp, hộ nông dân chú trọng thực hiện trong sản xuất cà phê. Hầu hết các doanh nghiệp đã đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh cây cà phê từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm và tuyệt đối không sử dụng hóa chất trong việc phòng trừ sâu bệnh, bảo quản sản phẩm. Sản phẩm được thu hoạch khi vườn cây đạt tỷ lệ quả chín từ 95% trở lên và chế biến theo quy trình công nghệ chế biến ướt. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có trên 7.000 ha cà phê sản xuất sạch theo tiêu chuẩn UTZ Kapeh; sản phẩm cà phê luôn được tiêu thụ mạnh, với giá bán cao hơn từ 40 USD/tấn trở lên so với cà phê nhân cùng loại. Điều này đã khuyến khích người nông dân tham gia sản xuất sản phẩm có chứng nhận, góp phần đưa ngành cà phê phát triển bền vững.
Cũng theo hướng phát triển đó, cây ca cao đang tìm được chỗ đứng trên vùng đất của cây cà phê. Một số công ty cà phê đã đưa bộ tiêu chuẩn UTZ Certified ứng dụng trên cây ca cao như Công ty Cà phê Tháng Mười, Công ty Cà phê Krông Ana (với tổng diện tích 247 ha). Theo đó, nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất, xây dựng tập quán canh tác bền vững để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; môi trường sản xuất trong lành, sử dụng hóa chất nông nghiệp có kiểm soát; đồng thời quản lý giá thành phù hợp. Chính vì vậy, một hệ thống chứng nhận và truy nguyên nguồn gốc cho ca cao được áp dụng sẽ đem đến sự minh bạch trong suốt chuỗi cung ứng, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường cho loại sản phẩm này.
Hiện tại, có rất nhiều loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh đang được áp dụng các quy trình thực hành nông nghiệp tốt, sản xuất có chứng nhận, có kiểm tra để tạo ra những sản phẩm an toàn, sản phẩm sạch, có truy nguyên nguồn gốc để đáp ứng kịp thời yêu cầu của thị trường. Điều này cũng đem lại cho người tiêu dùng sự đảm bảo về một qui trình sản xuất có trách nhiệm, đồng thời mở ra cho người nông dân những cách làm mới trong phát triển nông nghiệp.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc