Multimedia Đọc Báo in

Đổ xô tìm kiếm cơ hội xuất khẩu online

08:18, 26/02/2012

Khi các kênh truyền thống như hội chợ triển lãm, thông qua các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, bên thứ ba hay những mối quan hệ quen biết… ngày càng trở nên khó khăn, tốn kém và khó cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đang đẩy mạnh tiếp cận thương mại điện tử (TMĐT) để thúc đẩy xuất khẩu.

Rầm rộ dùng TMĐT để “ra trận”
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong năm 2011, tại Việt Nam đã chứng kiến sự lan tỏa rất nhanh của xu hướng bán hàng và dịch vụ trên các website TMĐT, mạng xã hội dưới nhiều hình thức như B2C (doanh nghiệp với khách hàng), C2C (giao dịch giữa các cá nhân) và B2B (doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và doanh nghiệp mua hàng).

Kết quả khảo sát gần đây của Bộ Công thương với 2004 doanh nghiệp trong nước cho thấy gần 100% doanh nghiệp đã ứng dụng TMĐT ở quy mô và cấp độ khác nhau, trong đó có 70% tham gia website mua bán hàng hóa và nhiều doanh nghiệp đã đạt mức doanh thu chiếm đến 33% tổng doanh thu từ các kênh khác. “Đáng chú ý, để đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá thương hiệu ra thị trường thế giới thì bên cạnh số đông các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối tượng doanh nghiệp lớn cũng ngày càng tiếp cận nhiều hơn với TMĐT”, ông Trần Đình Toản, Phó Tổng giám đốc Công ty OSB, đại diện của Alibaba.com tại Việt Nam (website dạng B2B với gần 24 triệu thành viên trên thế giới, trong đó hơn 180.000 thành viên tại Việt Nam) cho hay.

Trong thực tế, nhận định của đại diện Bộ Công thương còn cho thấy hiện nay, nhất là trong năm 2011 vừa qua, nhiều thương hiệu lớn trong nước như Tân Hiệp Phát, Nhựa Đông Á, Hapro, rồi Kềm Nghĩa, Cadisun, Hòa Phát, Viglacera, Prime… cũng đã chọn sàn TMĐT như một công cụ xuất khẩu tiềm năng. Ví dụ như Tân Hiệp Phát, bên cạnh việc củng cố vị trí dẫn đầu thị trường nội địa tiêu thụ tới 2 tỉ lít nước giải khát mỗi năm, vượt qua cả Coca Cola, Pepsi, Nestle…, thì doanh nghiệp này cũng đang đẩy mạnh ứng dụng TMĐT để tiếp cận người tiêu dùng nước ngoài. “Trung bình mỗi tháng chúng tôi nhận được 150 hỏi hàng (nội dung tìm hiểu về hàng hóa) từ khắp nơi trên thế giới thông qua kênh TMĐT như Alibaba.com”, bà Võ Thu Nhã, phụ trách xuất nhập khẩu của Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho hay. Còn Nhựa Đông Á, với định hướng đẩy mạnh xuất khẩu thông qua kênh TMĐT, hiện trung bình mỗi tuần doanh nghiệp này nhận được khoảng 40 hỏi hàng từ nhiều nước thông qua kênh này.

Xuất khẩu online qua website B2B ngày càng được nhiều doanh nghiệp chú trọng.
Xuất khẩu online qua website B2B ngày càng được nhiều doanh nghiệp chú trọng.

Năm 2012, website B2B còn phát triển mạnh?
Lý giải nguyên nhân vì sao đến thời điểm gần đây đối tượng doanh nghiệp lớn tại Việt Nam mới chú trọng đẩy mạnh TMĐT để xuất khẩu, các chuyên gia kinh tế cho rằng khi TMĐT chưa thực sự phát triển tại Việt Nam, việc tìm kiếm khách hàng nước ngoài của nhiều doanh nghiệp chủ yếu chỉ thông qua các kênh truyền thông như hội chợ, triển lãm, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, qua bên thứ ba hay các mối quan hệ quen biết... Tuy nhiên vào thời điểm hiện nay, các phương thức tìm kiếm khách hàng như vậy lại tỏ ra khá tốn kém, không còn thuận lợi và phù hợp với tình hình cạnh tranh mới luôn gay gắt. Chưa hết, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến không chỉ các doanh nghiệp nhỏ mà cả các doanh nghiệp lớn cũng phải thu hẹp quy mô, tiết kiệm chi phí và tìm tới những kênh tiếp cận khách hàng mới phù hợp hơn thông qua TMĐT nói chung và các sàn giao dịch B2B nói riêng.

Theo ông Đặng Quang Vũ, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Hapro (doanh nghiệp chuyên kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu...), nếu như những năm trước doanh nghiệp này thường tìm kiếm khách hàng thông qua các kỳ hội chợ tại Đức, Mỹ, Hồng Kông… và qua sự giới thiệu của Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, thì những năm gần đây với sự phát triển nở rộ của một loạt các công ty kinh doanh mặt hàng tương tự, sự cạnh tranh diễn ra khốc liệt hơn, số lượng khách hàng mới của Hapro cũng vì thế mà có phần giảm đi. “Do đó, việc tiếp cận TMĐT để tạo thêm lợi thế kinh doanh cũng là một trong những kênh quan trọng quyết định sự sống còn của doanh nghiệp”, ông Vũ bày tỏ.

Dự đoán về những xu hướng chính của sự phát triển TMĐT tại Việt Nam trong năm 2012, ông Trần Đình Toản cho rằng bên cạnh các mô hình TMĐT hướng tới người tiêu dùng như B2C, C2C và đặc biệt là mô hình mua theo nhóm (Groupon) tiếp tục phát triển mạnh mẽ để các doanh nghiệp cạnh tranh chiếm lĩnh phân khúc thị trường nội địa còn rất tiềm năng, thì mô hình TMĐT B2B, mà đặc biệt là B2B xuyên biên giới cũng sẽ phát triển mạnh do các doanh nghiệp lớn đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội từ nước ngoài.

(Theo ICTnews)


Ý kiến bạn đọc