Multimedia Đọc Báo in

Trầm lắng thị trường thời trang đầu năm

07:42, 26/02/2012

Khác với thời điểm trước tết, các cửa hàng thời trang lúc nào cũng nhộn nhịp, đông khách, ra Giêng, thị trường này trở nên trầm lắng, sức mua giảm, nhiều nơi còn tungra chương trình giảm giá hấp dẫn, nhưng xem ra vẫn không thu hút được nhiều người mua cho lắm...

Mới ra giêng, nhiều cửa hàng thời trang mở cửa phục vụ trở lại đã treo đỏ rực băng rôn khuyến mãi, giảm giá. Ở TP. Buôn Ma Thuột, trên các con đường có nhiều shop thời trang lớn như Phan Chu Trinh, Nơ Trang Lơng, Trần Phú…, nhiều mặt hàng được giảm giá từ 5 đến vài chục phần trăm, thậm chí, có cửa hàng còn gây “sốc” với mức giảm đến 50%. Mặt hàng được giảm nhiều nhất vẫn là áo pull nam, nữ, sơ mi nam, quần Jeans, áo khoác nhẹ, với nhiều mức giá khá mềm như 29.000 đồng, 49.000 đồng, 59.000 đồng, 99.000 đồng/ sản phẩm. Bên cạnh đó, không ít cửa hàng còn tung ra hai chương trình giảm giá cùng một lúc: giảm giá hàng tồn và nhân dịp Lễ Tình nhân (14-2) như giảm 50% (cho áo pull nữ) khi mua cặp áo nam, nữ. Song, nhìn chung, tình trạng buôn bán vẫn khá ế ẩm. Chủ một cửa hàng thời trang trên đường Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, thời điểm này, sức mua giảm hẳn, người đi xem hàng nhiều hơn là người mua. Năm nay, sau Tết, ngoài chương trình giảm giá từ 20 đến 45%, dịp Valentine, cửa hàng còn giảm giá 50% /sản phẩm, kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhưng vẫn không kích được sức mua là mấy. Trong khi mọi năm, rất hiếm khi cửa hàng phải tung ra chương trình giảm giá sau Tết, nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức giảm 5-10%...

Một cửa hàng thời trang trên đường Nơ Trang Lơng (TP. Buôn Ma Thuột) với nhiều chương trình giảm giá hấp dẫn.
Một cửa hàng thời trang trên đường Nơ Trang Lơng (TP. Buôn Ma Thuột) với nhiều chương trình giảm giá hấp dẫn.

Tương tự, chị T, chủ một cửa hàng thời trang trên đường Nơ Trang Lơng (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, buôn bán thời điểm này khá chán bởi lượng hàng hóa tiêu thụ rất ít. Nếu như trước Tết, cửa hàng lúc nào cũng tấp nập khách ra vào, phải huy động từ 3 đến 5 nhân viên mới kịp bán hàng, thì sau Tết, khách chủ yếu đến tham quan chứ chưa mua gì. Cả ngày bán ra chẳng được bao nhiêu nên chỉ mỗi mình chị trông coi cửa hàng mà không cần người phụ việc. Để dẫn chứng cho câu nói của mình, chị còn cho biết, thời gian giáp Tết, trung bình một ngày doanh thu của cửa hàng từ trên 15 đến 20 triệu đồng, ra giêng, sụt hẳn, thậm chí có ngày chưa bằng nửa… Lý giải cho tình trạng “siêu giảm giá” đầu năm này, một chủ của hàng chia sẻ, kinh doanh mặt hàng thời trang, chủ yếu bán theo kiểu “mùa nào thứ ấy” nên hết thời vụ, lỗi mốt phải “cắn răng” bán rẻ, thậm chí, bán với giá gốc để thanh lý nhanh hàng tồn chứ qua mùa, còn bán cho ai được nữa. Theo khảo sát tại các cửa hàng chuyên kinh doanh quần áo thời trang khá “hút” khách trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, hàng hóa được trưng bày chủ yếu vẫn là các mẫu mã có từ trước tết, rất hiếm các mặt hàng mới và đẹp được nhập về. Qua tìm hiểu được biết, ra giêng, tình trạng buôn bán ế ẩm, lượng hàng hóa trước Tết còn nhiều nên các cửa hàng chưa dám nhập hàng mới về, chủ yếu cố tiêu thụ cho hết lượng hàng tồn. Những cửa hàng nào may mắn tiêu thụ được lượng hàng hóa lớn từ trong Tết, thì đây là thời điểm tranh thủ tiêu thụ nốt số còn lại để chuẩn bị cho mẫu mã thời trang xuân - hè. Thành ra, trên các giá, kệ của nhiều shop thời trang, lượng hàng rất thưa thớt, thậm chí nhiều khu còn để trống, chưa kịp có hàng mới thay thế. Đặc biệt, một vài cửa hàng trên đường Trần Phú (TP. Buôn Ma Thuột) do đã bán hết số hàng từ trong tết, trước xu hướng ế ẩm chung như hiện nay, vẫn chưa mở cửa phục vụ trở lại.

Một chủ cửa hàng có lý khi phân tích rằng, có lẽ do thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều người hạn chế đến mức thấp nhất chi phí cho việc mua sắm thời trang. Mặt khác, những người có nhu cầu mua sắm đã sắm xong từ trước Tết, ra giêng, chủ yếu người ta đi xem hàng nhiều hơn là mua hàng. Từ đó dễ thấy, tâm lý “tháng giêng là tháng ăn chơi” lại rất đúng với các chủ hàng thời trang lúc này… Song, khách quan mà nói, với cách thức giảm giá “sốc” hoặc “siêu giảm giá” như hiện nay tại các cửa hàng thời trang, ít nhiều vẫn có sức hút đối với một số người. Tuy nhiên, bên cạnh việc mua hàng giảm giá dịp này có ưu điểm là mua được nhiều mặt hàng với mức giá thấp hơn so với bình thường, song, thiết nghĩ, người tiêu dùng (NTD) cần tỉnh táo, cảnh giác với nguy cơ trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ trên thị trường dưới chiêu bài giảm giá trá hình. Bởi hàng thanh lý, giảm giá thường mua rồi không đổi, trả lại được, nên NTD cần tìm hiểu chất lượng, thăm dò giá cả sản phẩm thật kỹ và chỉ nên mua những sản phẩm thật sự cần thiết, tránh tình trạng ham rẻ mua ồ ạt…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc