Multimedia Đọc Báo in

Giá sắn giảm, thiệt hại kép

12:49, 27/02/2012
Thời gian này, người dân Dak Lak đang tiến hành thu hoạch sắn niên vụ 2011-2012. Tuy nhiên so với những năm trước, giá sắn hiện đang có chiều hướng giảm mạnh, gây nhiều khó khăn cho người trồng cũng như doanh nghiệp tinh chế bột sắn xuất khẩu trên địa bàn.
 
Ôm hận vì trồng sắn
 
Những năm qua, do giá sắn tăng cao, đã thu hút đông đảo người dân trong tỉnh đổ xô trồng loại cây này, bất chấp sự khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Dak Lak, toàn tỉnh hiện có trên 35.000 ha sắn, tăng 30% so với năm 2010. Mỗi ha sắn, người dân thường trồng từ 10 - 12 nghìn gốc, chi phí đầu tư ban đầu khoảng 15 - 20 triệu đồng, năng suất từ 35 - 40 tấn sắn khô. Anh Y Sanh Niê, người trồng sắn ở xã Ea Lê, huyện Ea Súp cho hay, trồng sắn rất dễ, không tốn công chăm sóc, bón phân, lại ít bị sâu bệnh, khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt tốt. Niên vụ 2009 - 2010, anh chỉ trồng 5 ha, thấy lãi lớn, nên đã vay thêm vốn đầu tư mở rộng diện tích, đến nay đã có 60 ha sắn đang trong giai đoạn thu hoạch.
Người trồng sắn không có lãi vì chi phí cao, giá sắn giảm
Người trồng sắn không có lãi vì chi phí cao, giá sắn giảm
Nếu như những năm trước, khi giá cả cây giống, chi phí thuê người trồng và thu hoạch còn thuận lợi (100.000 đồng/ngày công), mà giá sắn bán ra lại khá cao (có thời điểm lên đến 5.500 đồng/kg sắn khô), thì người dân cũng lãi khoảng 15 triệu đồng/ha. Nhưng năm nay, giá sắn giảm nhiều, ngay từ đầu mùa thu hoạch (trước Tết Nguyên đán) đã xuống còn 3.600 đồng/kg, đến thời điểm này chỉ còn 3.000 đồng/kg. Trong khi đó, tiền thuê nhân công đã lên đến 150.000 đồng/ngày công nên người trồng sắn không có lãi. Chưa kể, việc bán sắn hiện cũng khó, chị Lê Thị Hương, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn than: hộ nào có sắn gần với đường giao thông đi lại thuận tiện thì dễ bán, còn ở vùng sâu, khó khăn về giao thông thì phải tự vận chuyển ra ngoài mới bán được. Lợi dụng tình thế đó, tư thương lại càng ép giá. Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Dak Lak cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang ra sức vận động người dân không tăng thêm diện tích sắn. Các địa phương, ban, ngành chức năng trong tỉnh phối hợp ngăn chặn triệt để nạn phá rừng trồng sắn của nông dân.
 
Doanh nghiệp kêu trời!
 
Giá sắn giảm, thiệt hại không chỉ đối với người trồng sắn mà ngay cả những tiểu thương, đại lý thu mua sắn để nhập cho các công ty chế xuất lớn cũng gặp nhiều trở ngại. Anh Lê Đức Lương, chủ đại lý thu mua sắn tại xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột tiết lộ, trước đây, việc nhập sắn cho các công ty mẹ rất dễ, đưa sắn đến bao nhiêu nhập hết bấy nhiêu, nhưng đến nay họ chọn lựa, phân loại kỹ lắm, nhiều khi đưa sắn đến họ còn không muốn mua nữa. Thêm cái khó nữa là mua sắn của người dân về đại lý phải phơi lại cho đủ độ khô mới đưa đi nhập được, chưa kể, trong quá trình phơi nếu gặp mưa là sắn bị mốc, hư hỏng và lúc này đại lý phải chịu thiệt nặng. “Lúc mua sắn là loại 1, khi bán ra bị đánh tụt xuống thành sắn tận dụng nên thiệt hại lớn. Bên cạnh đó chi phí vận chuyển cao, nếu không có mối quen nhận hàng thì không biết bán cho ai”. Anh Lương than thở.
 
Còn đối với các công ty chế biến sắn trên địa bàn tỉnh cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Anh Đặng Thái, Giám đốc Công ty TNHH MTV chế biến tinh bột sắn Chim Cánh Cụt (xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) cho hay, hiện thị trường đầu ra của tinh bột sắn trên địa bàn rất chậm, kéo theo công suất hoạt động của các nhà máy giảm mạnh. Riêng Công ty của anh, năm 2009 - 2010, công suất hoạt động trung bình 3,5- 4 tấn/ngày thì nay đã giảm hơn một nửa. Bởi sản phẩm làm ra phụ thuộc lớn vào thị trường, nếu lượng sản phẩm tồn dư nhiều thì nhà máy phải ngừng hoạt động để giải quyết đầu ra. Nguyên nhân chính được anh cho biết, do thị trường sắn tinh chế phần lớn phụ thuộc vào việc xuất khẩu sang Trung Quốc, năm nay, thị trường này giảm lượng nhập khẩu hàng của Việt Nam nên nhiều doanh nghiệp đang điêu đứng. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất, vận chuyển tăng cao, giá bán sản phẩm lại bị thị trường nước ngoài o ép, nợ đọng của các đơn vị đặt hàng còn nhiều, khả năng quay vòng vốn gặp nhiều khó khăn, nên DN vốn đã khó khăn lại càng thêm khốn đốn.
 
Lê Thành
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.