Cơ giới hóa nông nghiệp: Thực tế và triển vọng
Để không còn tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, bên cạnh việc hình thành các vùng chuyên canh, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng năng suất, chất lượng cao, thì việc đẩy mạnh cơ giới hóa cũng là yếu tố cần trong sản xuất nhằm góp phần giải phóng sức lao động và giảm chi phí sản xuất, thất thoát sau thu hoạch cho nhà nông.
Cơ giới hóa – nhìn từ một huyện
Trước đây, với 13 ha đất sản xuất, mỗi khi bước vào mùa vụ, gia đình anh Võ Thiện Thuật, thôn 1, xã Ia J’lơi (huyện Ea Súp) phải huy động toàn bộ số lao động trong gia đình, thậm chí có thời điểm anh phải chạy đôn, chạy đáo để thuê mướn nhân công và phải mất hàng chục ngày để thực hiện khâu làm đất mới kịp thời vụ. Nhưng những năm gần đây, anh Thuật mạnh dạn đầu tư máy móc để phục vụ khâu làm đất. Nhờ vậy, mỗi khi mùa vụ đến, gia đình anh chỉ mất thời gian ngắn là hoàn thành việc làm đất cho toàn bộ diện tích sản xuất của gia đình. Còn anh Trần Văn Đài ở thôn 5 cho hay, hiện nay phần lớn nông dân đã sử dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp, nhờ vậy đã phần nào đáp ứng được tính khẩn trương của thời vụ, góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản và giảm tổn thất sau thu hoạch.
Khâu làm đất ở Ea Súp đã được cơ giới hóa. |
Có thể thấy, những “con trâu sắt” đã và đang được nhiều nông dân huyện Ea Súp đầu tư để phục vụ sản xuất. Dù chưa đáp ứng được hết nhu cầu thực tế nhưng số lượng máy móc hiện có trên địa bàn huyện đã phần nào đẩy nhanh tiến độ sản xuất, giải phóng sức lao động và giảm chi phí sản xuất cho nhà nông. Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp cho biết, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 80% hộ dân làm nông có máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, bình quân mỗi xã có 5-6 máy gặt đập liên hợp. Ở khâu làm đất 100% được cơ giới hóa, ở khâu thu hoạch lúa đạt 60%, có xã đạt 100% như xã Ea Lê, Ea Bung, ở khâu chế biến ngô cũng đạt 100%.... Như vậy, tỷ lệ cơ giới hóa bình quân trên địa bàn huyện đạt khoảng 50-60%. Nhờ vậy, vụ đông xuân 2011-2012, mặc dù ra quân chậm hơn các địa phương khác nhưng Ea Súp lại hoàn thành sớm hơn vì nông dân các xã đều dùng máy móc tiến hành đồng loạt khâu làm đất, theo đó, việc lấy nước, xuống giống cũng được bà con tiến hành đồng bộ… Đây là điều đáng mừng đối với một huyện nông nghiệp vùng biên giới, góp phần rất lớn trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Theo số liệu của Sở NN-PTNT, hiện Dak Lak có khoảng 56.140 máy động lực các loại, với công suất 730.000 mã lực (ML) phục vụ sản xuất nông nghiệp ở các khâu: cày, kéo, vận chuyển, thu hoạch. Tính bình quân đạt 1,33 ML/ha canh tác (trong khi đó mức bình quân chung của cả nước mới đạt 1,16ML/ha), đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được đánh giá là đạt khá cao, do vậy, khả năng tăng cường cơ giới hóa ở hầu hết các khâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp ở Dak Lak là rất khả quan.
Triển vọng từ những chính sách
Ngày 15-10-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, thủy sản. Một trong những chính sách ưu đãi của Quyết định này là hỗ trợ lãi suất vốn vay đối với các khoản vay dài hạn bằng đồng Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân qua hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước, gồm: các loại máy làm đất, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch lúa, ngô, cà phê, chè, mía; máy sấy, vật liệu cơ bản để làm sân phơi có diện tích đến 1000m2; máy móc, thiết bị dùng cho sản xuất giống thủy sản; vật tư, thiết bị xây dựng, cải tạo các ao (hồ) nuôi thủy sản; thiết bị, phương tiện phục vụ nuôi trồng, thu hoạch và vận chuyển thủy sản…Các loại máy móc, thiết bị này phải do các tổ chức, cá nhân sản xuất có giá trị sản xuất trong nước trên 60% và phải có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, từ khi Quyết định có hiệu lực đến nay, không nhiều người dân được hưởng lợi, một phần do máy móc mang nhãn hiệu trong nước rất ít và không đa dạng, mặt khác, việc tiếp cận nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn do người dân không nắm được những chính sách ưu đãi này. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của Nhà nước bằng kinh phí sự nghiệp khuyến nông thông qua các mô hình hỗ trợ nhóm nông dân mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nhiều năm nay chỉ mang tính trình diễn, chưa mang lại hiệu quả thiết thực.
Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt khoản kinh phí 8,710 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, giai đoạn 2011-2015. Khoản kinh phí này sẽ được đầu tư để xây dựng 30 mô hình dạng tổ hợp bóc tẽ ngô, sấy nông sản; 15 mô hình dịch vụ máy gặt đập liên hợp; tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ cho 2.500 người và hỗ trợ lãi suất vay để ứng dụng cơ giới hóa giảm tổn thất sau thu hoạch cây ca cao, với diện tích phát triển đến năm 2015 là 6.000 ha. Đây là tin mừng đối với nhiều nông dân, góp phần đáng kể vào việc hoàn thành lộ trình cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống, ngay từ bây giờ cần có những hướng dẫn cụ thể, sự phối hợp chặt chẽ từ các sở, ngành chức năng nhằm triển khai thực hiện đạt kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư, xây dựng chuyên ngành chế tạo máy nông nghiệp; khuyến khích các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, những nhà nghiên cứu, sáng chế kỹ thuật tham gia chế tạo thiết bị máy móc phục vụ nông nghiệp và công nghiệp chế biến một cách có tổ chức. Đồng thời, các địa phương nên sớm giới thiệu những mẫu máy phù hợp với điều kiện từng vùng và khả năng của bà con. Thực hiện đồng bộ được những điều này thì nông nghiệp tỉnh sẽ có những bước chuyển mạnh mẽ, đáp ứng được những yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại.
Lê Minh
Ý kiến bạn đọc