Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình tổ “hùn vốn luân chuyển” ở Cư M’gar

08:46, 28/03/2012

Thực hiện phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, trong những năm qua, nhiều cơ sở phụ nữ trên địa bàn huyện Cư M’gar đã triển khai rất nhiều mô hình cho vay vốn nhằm hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập. Mô hình tổ “hùn vốn luân chuyển” ở chi hội phụ nữ thôn Tiến Phát, xã Quảng Tiến là một điển hình.

Qua quá trình học hỏi những mô hình cho vay vốn cũng như thông qua các cuộc trao đổi kinh nghiệm của Hội Phụ nữ huyện, năm 2006, chị Phan Thị Tâm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tiến Phát đã vận động một số chị em trong chi hội thành lập tổ “hùn vốn luân chuyển”. Tổ phụ nữ “hùn vốn luân chuyển” có 6 thành viên, phần lớn các thành viên đều có cuộc sống khó khăn. Tham gia mô hình này, các thành viên đóng góp 500 nghìn đồng/năm để tạo nguồn vốn giúp nhau phát triển kinh tế. Sau một năm triển khai, thấy mô hình hoạt động hiệu quả, chị Tâm cũng như các thành viên trong tổ đã quyết định tăng số tiền đóng góp của mỗi thành viên lên 1 triệu đồng/năm. Đến nay, tổng số tiền gốc và lãi đã được hơn 40 triệu đồng. Số tiền này, tổ xét cho các chị em vay với lãi suất thấp, trung bình mỗi đợt có 3 chị được vay… Nguồn vốn được vay, các chị em đều sử dụng đúng mục đích và đem lại hiệu quả cao. Gia đình chị Trần Thị Vinh là một trong những hộ đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn được vay. Gia đình chị Vinh có khoảng 2 ha cà phê kết hợp trồng tiêu. Trước đây, khi chưa có tổ “hùn vốn luân chuyển” cho vay vốn, chị Vinh phải vay vốn ở bên ngoài với lãi suất cao để đầu tư cho cây cà phê, cây tiêu nên cuối năm cũng không có nhiều dư dả, gia đình lại có đến 6 nhân khẩu nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Tham gia tổ “hùn vốn luân chuyển”, ngoài việc được vay hơn 10 triệu đồng để đầu tư vào sản xuất, chị Vinh còn được các chị em trong tổ giúp đỡ về kinh nghiệm làm ăn, nhờ vậy cuộc sống của gia đình chị dần được cải thiện… Chị Vinh cho biết: “Nhờ nguồn vốn cho vay này mà gia đình tôi đã giảm bớt khó khăn, đặc biệt vào những tháng chưa thu hoạch được cà phê. Số tiền vay với lãi suất thấp này được gia đình tôi dùng để mua dầu, phân bón đầu tư cho sản xuất. Cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định hơn so với mấy năm trước”.

Có thể nói, mô hình tổ “hùn vốn luân chuyển” đã góp phần hạn chế được tình trạng cho vay nặng lãi, tạo điều kiện cho chị em trong chi hội về nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống… Đây là một việc làm hay, cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Huyền Trang


Ý kiến bạn đọc