Multimedia Đọc Báo in

Vướng mắc trong mục tiêu nhựa hóa các tuyến tỉnh lộ: Nguyên nhân chủ yếu do thiếu vốn

04:56, 12/03/2012

Một trong những mục tiêu quan trọng của ngành Giao thông Vận tải Dak Lak đến năm 2015 là phấn đấu đạt 100% tuyến tỉnh lộ được nhựa hóa, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phục vụ đời sống dân sinh. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này vẫn còn nhiều khó khăn đặt ra...

Nhiều tuyến tỉnh lộ đang bị xuống cấp là một rào cản cho mục tiêu nhựa hóa các tuyến TL đến 2015.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Giao thông Vận tải Dak Lak về hiện trạng hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh, hiện toàn tỉnh có 13 tỉnh lộ (TL) với tổng chiều dài 457 km, trong đó 367 km đã được nhựa hóa (bê tông nhựa, bê tông xi măng và láng nhựa), đạt tỷ lệ 80,3 %. Như vậy, toàn tỉnh chỉ còn 90 km TL chưa được nhựa hóa. Theo tính toán, để hoàn thành mục tiêu 100% nhựa hóa TL đến năm 2015, mỗi năm chỉ cần hoàn tất thi công vài chục km là đáp ứng được tiến độ. Điều này tưởng chừng không khó so với điều kiện của địa phương, nhưng trên thực tế, có rất nhiều tuyến TL mặc dù đã đổ nhựa, nhưng thời gian sử dụng quá lâu (bình quân 8 - 12 năm) nên đã xuống cấp, hư hỏng cần phải tu sửa. Trong đó có 225 km TL chất lượng xấu, gồm: TL 12: 42 km, TL 1: 32 km, TL 3: 24 km... Riêng TL 9 nối hai huyện Krông Pak và Krông Bông là một trong những tuyến giao thông quan trọng trong tỉnh, nhưng sau nhiều năm sử dụng, nay xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Cụ thể, đoạn đường dài hàng chục km, bắt đầu từ thôn 2 - xã Tân Tiến (Krông Pak) đến hết xã Cư Kty (Krông Bông), hầu hết mặt đường bị rạn nứt, nhiều chỗ nền đường sụt lún biến thành những ổ voi, ổ trâu. Theo kế hoạch, năm nay, ngành giao thông sẽ đầu tư 2,8 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa tuyến đường này....Theo ông Nguyễn Văn Xuân, Trưởng Phòng Giao thông (Sở Giao thông Vận tải) thì nguyên nhân lớn nhất làm cho các tuyến TL ngày càng xuống cấp là do chất lượng thi công xây dựng kém, không theo kịp đà phát triển của các phương tiện vận tải, đặc biệt là xe trọng tải lớn vượt quá sức chịu đựng của con đường; trong khi đó, biện pháp quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này còn rất nhiều hạn chế.

Thêm nữa, khó khăn lớn nhất trong kế hoạch nhựa hóa các tuyến TL là nguồn vốn. Do vốn có hạn, cùng với việc thực hiện Nghị quyết 11 về cắt giảm đầu tư công của Chính phủ, nên vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông cũng giảm theo. Ông Trần Thủ, Giám đốc Ban quản lý các dự án (Sở Giao thông Vận tải) cho hay: hằng năm, nguồn vốn cho duy tu bảo dưỡng các TL bình quân chỉ hơn 10 tỷ đồng/năm, trong khi nhu cầu thực tế lên đến cả trăm tỷ đồng. Vì vậy, việc nâng cấp, sửa chữa đường giống như con nhà nghèo mặc một chiếc áo, cứ rách rồi vá, vá chồng lên nhau. Điều đó dẫn đến chất lượng các tuyến đường không thể bảo đảm lâu dài và gây lãng phí nguồn vốn.

Nói về kế hoạch nhựa hóa 100% TL đến năm 2015, ông Lê Xuân Biểu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải khẳng định: dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Giao thông Vận tải vẫn phải nỗ lực hết sức để sớm hoàn thành nhiệm vụ nhựa hóa 100% TL đến năm 2015 thông qua một số giải pháp như: rà soát lại chất lượng toàn bộ các tuyến TL để có kế hoạch xây dựng, bảo dưỡng, quản lý; tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương và các nguồn vốn viện trợ, đầu tư từ nước ngoài; quản lý chặt chẽ và phân bổ hợp lý nguồn vốn đầu tư cho xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, cũng cần có sự phối hợp của các ban ngành liên quan và sự chung sức của toàn xã hội trong việc sử dụng, bảo vệ các tuyến giao thông trong tỉnh.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc