Multimedia Đọc Báo in

Ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Triệt để phải quản lý tận “gốc”

08:57, 16/04/2012

Chất cấm được sử dụng trong chăn nuôi, lỗi của người chăn nuôi đã đành nhưng thực tế này cũng cho thấy những kẽ hở trong kiểm tra, quản lý thức ăn chăn nuôi đã và đang để lọt lưới không ít sản phẩm “bẩn”…

Tăng cường  kiểm tra, giám sát việc kinh doanh thức ăn gia súc được coi là biện pháp giải quyết phần gốc của hành vi sử dụng chất cấm trong  chăn nuôi.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh thức ăn gia súc được coi là biện pháp giải quyết phần "gốc" của hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Thông tin một số nơi người chăn nuôi sử dụng chất cấm trong nuôi heo đã tác động không nhỏ đến những người chăn nuôi chân chính. Chị Phạm Thị Trinh ở thôn 10, xã Ea Đar, huyện Ea Kar cho biết, trung bình trong chuồng của gia đình chị khi nào cũng có khoảng 40 con heo thịt. Chị nuôi heo hoàn toàn bằng hèm rượu và thức ăn tự làm như ngô, đậu tương. Từ khi có thông tin chất tạo nạc trong heo, giá heo xuất bán đã giảm từ 50.000 đồng xuống 43.000 đồng/kg. Tính chi ly ra thì chị lỗ trắng nhưng với cách nuôi của chị, lấy công làm lãi thì may cũng hòa vốn. Điều chị bức xúc hơn cả là mình làm ăn ngay thẳng, đến khi xuất bán lại chịu tội vạ do những người vì lợi nhuận mà bất chấp cả tính mạng và sức khỏe con người. Sau khi xuất bán hết lứa heo, chị tính cũng phải để ổn định tình hình rồi mới mở rộng chăn nuôi. Anh Trần Ngọc Đức cũng ở xã Ea Đar, huyện Ea Kar thì dự tính sẽ phải giảm đàn vì vừa rồi gia đình anh bán hơn 100 con heo với giá 45.000 đồng/kg, tính ra mỗi con lỗ 400-500.000 đồng. Trong quá trình nuôi, anh thấy có một số nhân viên tiếp thị đến chào bán các sản phẩm dinh dưỡng cho heo nhưng do thông tin sản phẩm không rõ ràng (không có hạn sử dụng, không có nhãn mác…) nên anh không mua. Đến giờ thì anh đoán đó chính là chất tạo nạc giúp heo tăng trưởng, nở vai nở mông… như báo chí đã nêu.

Đó là với những người trực tiếp chăn nuôi, còn các “thượng đế”, tâm lý quay lưng, e ngại với thịt heo cũng là điều dễ hiểu. “Thượng đế” than phiền rằng hết dịch lở mồm long móng, tai xanh… giờ lại thấp thỏm lo lắng với thông tin chất tạo nạc trong thịt heo, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Lo lắng, bức xúc, nhiều người tiêu dùng thắc mắc, dấu đóng kiểm dịch của cơ quan thú y có tác dụng đến đâu? Phải chăng có những bất cập bởi gần như ai cũng hiểu và yên tâm rằng: thịt heo có đóng dấu của cơ quan thú y là an toàn. Đem băn khoăn này trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, ông Nguyễn Khắc Chuyên phân tích: Đối với các sản phẩm chăn nuôi, công việc của cơ quan thú y đảm nhiệm ở hai góc độ: kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú ý. Dấu lăn trên thịt heo sau khi kiểm soát giết mổ có ý nghĩa là con heo ấy không bị dịch bệnh. Còn việc thịt heo có chứa chất cấm hay không, không hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của cơ quan thú y mà của Cục Chăn nuôi. Có nghĩa cơ quan thú y không được quyền kiểm tra phần đầu vào cho con heo, tức là thức ăn – kênh truyền dẫn, bị lợi dụng để đưa các chất cấm được pha trộn cho heo ăn.

Lý giải của ông Chuyên khiến người ta nghĩ đến một vấn đề còn quá nhiều kẽ hở bấy lâu, đó là kiểm tra thức ăn chăn nuôi gia súc. Kẽ hở ấy đang được minh chứng bằng chính câu chuyện nóng hổi liên quan đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hiện nay. Đó là chuyện dư luận chất vấn về sản phẩm Gold Protein Peptide có chứa chất clenbuterol và salbutamol (chất tạo nạc) phải chăng được Bộ NN&PTNT cấp phép nhập khẩu?  Mới đây, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đã khẳng định: Không có chuyện cho nhập khẩu chất cấm để sản xuất thức ăn chăn nuôi với những luận giải rằng: Sau khi xem xét hồ sơ đăng ký nhập khẩu và kết quả phân tích kiểm tra chất lượng sản phẩm Gold Protein Peptide (SSI) năm 2005, Cục Chăn nuôi đã trình Bộ bổ sung mặt hàng này vào “Danh mục thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu vào Việt Nam”. Ngày 2-10-2006, Bộ đã ký Quyết định số 90/2006/QĐ-BNN ban hành “Danh mục thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu vào Việt Nam”, danh mục này bao gồm mặt hàng Gold Protein Peptide (tại số thứ tự 465, trang 40). SSI không phải là chất cấm, là protein, thậm chí là chất tốt. Còn việc SSI có chứa thêm salbutamol và clenbuterol hay những chất bị cấm là do doanh nghiệp cố tình làm sai, đã trộn lẫn vào và do đó, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật(!)

Cũng theo ông Dương, chất nào đã có trong danh mục Bộ cho phép, khi nhập không cần phải xin phép các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cứ đăng ký kiểm tra chất lượng với cơ quan hải quan; hải quan sẽ kiểm tra tùy theo yêu cầu. Dư luận băn khoăn, phải chăng chính sự lỏng lẻo trong quy định hậu kiểm này là con đường để đưa chất cấm tạo nạc lưu hành trong nước và được lén lút phân phối, bán cho người chăn nuôi?

Theo ý kiến của người tiêu dùng, ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, phải triệt để quản lý tận gốc, tức là từ nguồn thức ăn. Thực tế giải quyết phần ngọn thì làm sao cho xuể và sẽ không bền nhất là khi đặc điểm chăn nuôi ở Việt Nam chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ. Một tin vui với người tiêu dùng và những người chăn nuôi chân chính là để khắc phục kẽ hở lợi dụng nhập khẩu nguyên liệu, chất phụ gia chăn nuôi có trong danh mục, Bộ NN&PTNT đã có Thông tư 66, hiệu lực từ ngày 1-7-2012, tất cả các lô hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam đều phải kiểm tra chất lượng.

Đ.T


Ý kiến bạn đọc